Việc mở rộng lãnh thổ trong thế kỷ 21 trông như thế nào? Theo Hal Brands, giáo sư về các vấn đề toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, hành động của Trung Quốc tại Bhutan đang minh họa cho việc này.
Các nhà nghiên cứu vào tuần trước tiết lộ hành động của Trung Quốc trên tạp chí Foreign Policy. Vài năm qua, Trung Quốc đã tìm cách củng cố biên giới ở Tây Tạng và giành lợi thế trước Ấn Độ. Theo Foreign Policy, Bắc Kinh làm vậy bằng cách lén lút xây dựng đường xá, làng mạc và các cơ sở an ninh trên đất Bhutan.
|
Ông Brands viết trên Bloomberg rằng Trung Quốc sẽ không di dời các công trình của mình. Bắc Kinh đang dựng lên tình huống đã rồi bằng cách tạo ra hiện trạng. Cũng theo học giả này, đây là bản chất của hành vi xâm lược lãnh thổ trong thế giới hiện đại.
Sau 2 cuộc thế chiến, hành vi xâm lược trắng trợn đã chấm dứt. Trật tự thế giới hiện tại đang được duy trì bằng cái gọi là nền hòa bình do Mỹ thiết lập (Pax Americana), ông Brands nhận định. Tuy nhiên, các quốc gia không hoàn toàn từ bỏ ý định mở rộng lãnh thổ.
Các quốc gia gặp nhiều khó khăn hơn khi công khai đối đầu với trật tự thế giới được Mỹ hậu thuẫn, vì vậy họ phải mở rộng lãnh thổ một cách tinh tế hơn. Nghiên cứu của học giả Dan Altman thuộc Đại học bang Georgia cho thấy từ năm 1945 đến nay, các mảnh đất bị chiếm thường có kích thước khiêm tốn.
Chiến thuật "vùng xám"
Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận này ở Biển Đông nhằm thay đổi hiện trạng mà không gây ra xung đột lớn với các nước láng giềng hoặc Washington, theo ông Brands. Bắc Kinh cũng lặng lẽ gửi quân đến vùng đất có địa hình khó tiếp cận mà Ấn Độ hoặc Bhutan tuyên bố chủ quyền.
|
Ông Brands cho rằng việc các hành vi gây hấn hiện nay chủ yếu xảy ra ở “vùng xám” thể hiện tác dụng của những gì Mỹ và đồng minh đã xây dựng kể từ năm 1945. Dù không đồng tình, các cường quốc vẫn tôn trọng hệ thống răn đe của Mỹ. Vì vậy, các nước này cố gắng mở rộng lãnh thổ theo cách khó gây ra một cuộc chiến tranh lớn.
Tuy nhiên, các cường quốc này chỉ đang kiềm chế ở thời điểm hiện tại. Ông Brands nhận định chiến thuật “vùng xám” không chỉ đơn giản liên quan đến mảnh đất hoặc vùng biển bị tranh chấp. Chiến thuật này là hành vi thăm dò nhằm xác định quốc gia cơ hội có thể đi được bao xa. Ông Brands chỉ ra rằng nếu một quốc gia không bị phản ứng mạnh mẽ khi chiếm đất, rất có thể quốc gia đó sẽ tiếp tục hành vi của mình.
Theo học giả này, Trung Quốc không thích bị các liên minh và sức mạnh quân sự của Mỹ kiềm chế. Đó là lý do Bắc Kinh đang phát triển năng lực quân sự có thể giúp họ đánh bại quân đội Mỹ ở khu vực Baltic, Biển Đen hoặc eo biển Đài Loan.
Trật tự thế giới được đảm bảo không phải do những ý đồ xấu biến mất, ông Brands viết. Thay vào đó, sự lo sợ về những hậu quả mà hành động hung hăng mang lại khiến các quốc gia e ngại hơn. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường sử dụng chiến thuật “vùng xám” cho thấy nỗi sợ này đang dần phai nhạt.
Bản thân xung đột ở Biển Đông hay tại dãy Himalaya với Trung Quốc thật sự mang lại nhiều rắc rối cho các bên liên quan, ông Brands kết luận. Tuy nhiên, các điểm nóng này còn tiết lộ sự thật đáng lo ngại hơn: trật tự thế giới đang bị rạn nứt.
Bình luận (0)