Trung Quốc giành cả quyền sở hữu trái kiwi với New Zealand

25/06/2021 11:00 GMT+7

Việc một công ty New Zealand cố giành lại quyền sở hữu trí tuệ trái kiwi từ tay Trung Quốc cho thấy sự lép vế của Wellington trước đối tác thương mại lớn nhất của mình - Bắc Kinh.

Kiwi là nông sản xuất khẩu có giá trị nhất của New Zealand. Tuy nhiên, giữa những năm 2010, một người bí mật buôn lậu giống kiwi vàng đặc biệt của New Zealand sang Trung Quốc. Hàng ngàn hecta vườn cây kiwi bất hợp pháp đã mọc lên tại đó.

Nhiều năm qua, New Zealand đã cố gắng đấu tranh bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Những trận chiến giành quyền sở hữu loại trái cây này trong thời gian gần đây đã làm lộ ra những căng thẳng trong mối quan hệ của New Zealand với Trung Quốc.

Giống kiwi vực dậy nông nghiệp New Zealand

Kiwi là ngành kinh doanh lớn của New Zealand. Zespri, hợp tác xã kinh doanh kiwi khổng lồ của nước này, năm ngoái có doanh thu hoạt động là 2,6 tỉ USD.

Theo The Guardian, loại kiwi giá trị nhất ở New Zealand là Sungold, giống kiwi vàng giúp cứu ngành nông sản nước này khỏi thảm họa.

Năm 2010, các vườn kiwi của New Zealand bị một căn bệnh mới có tên PSA quét qua. Dây leo chảy ra dịch đỏ, hoa bị thối rữa và quả bị rụng. Cơn ác mộng này gây thiệt hại cho New Zealand 630 triệu USD. Những giống kiwi vàng đang được yêu thích là loại cây bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Zespri đã cùng các nhà tài trợ khác đầu tư hàng triệu USD vào việc tìm kiếm giải pháp thay thế. Sau nhiều lần thử nghiệm, họ chọn ra giống kiwi Gold3, loại kiwi sau này được đưa ra cửa hàng với tên gọi Sungold.

Giống Gold3 mang các đặc tính lý tưởng. Trái kiwi Gold3 có vị ngọt với hương thơm dễ chịu, giàu vitamin C. Điều quan trọng hơn cả là giống này có khả năng chống lại bệnh PSA đã tàn phá ngành nông nghiệp ở New Zealand.

Các quả kiwi thuộc giống Gold3 của Zespri trên giàn leo

Chụp màn hình The Guardian

Sungold trở thành con ngỗng vàng của Zespri. Công ty này nhanh chóng đăng ký sở hữu độc quyền Sungold ở các quốc gia trên thế giới. Kiwi vàng dần được trồng nhiều hơn kiwi xanh và nền nông nghiệp New Zealand đã được gầy dựng lại bằng Sungold.

Sóng gió của Zespri tưởng như đã qua. Tuy nhiên, năm 2016, người ta phát hiện kiwi Sungold đang được trồng ở Trung Quốc. Công ty Zespri đã thuê người điều tra và họ phát hiện số kiwi đó bắt nguồn từ Haoyu Gao.

Gao đã mua một vườn kiwi ở Opotiki, thị trấn nhỏ ở Vịnh Plenty của New Zealand. Theo tài liệu tòa án, ông Gao buôn lậu một lô mầm cây kiwi đến Tứ Xuyên và bán mỗi mầm với giá 42.000 USD. Gao phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng tòa án cấp cao New Zealand ra phán quyết yêu cầu ông bồi thường thiệt hại 9,8 triệu USD.

Zespri chiến thắng tại tòa nhưng thất bại trong việc ngăn giống Gold3 được trồng khắp Trung Quốc. Nỗ lực khởi động cuộc chiến pháp lý tiếp theo của Zespri cũng không thành công và không được Bắc Kinh hỗ trợ. Trong báo cáo gần đây, Zespri cho biết diện tích kiwi Gold3 được trồng bất hợp pháp ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2019-2021 lên hơn 5.200 ha.

Báo cáo cũng cho biết và Trung Quốc đang trên đà sản xuất từ 30 đến 90 triệu thùng kiwi Gold3 mỗi năm. Trong khi đó, lượng kiwi New Zealand xuất khẩu sang Trung Quốc vào mùa trước cũng chỉ bằng 30 triệu thùng.

Đề xuất táo bạo

Điều trớ trêu với New Zealand khi cố gắng ngăn kiwi Gold3 được trồng ở Trung Quốc là loại quả này có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đưa đến New Zealand vào năm 1904.

Sau đó, kiwi phát triển mạnh ở New Zealand và nước này bắt đầu xuất khẩu kiwi vào những năm 1950. Các nhà tiếp thị thiên tài của nước này cũng đặt tên loại quả mới theo loài chim biểu tượng của New Zealand. Từ đó, trong mắt phương Tây, nhắc đến quả kiwi là phải nhắc đến New Zealand.

Lúc đó, Trung Quốc khó mà phản đối việc một loại quả có nguồn gốc từ nước mình thành biểu tượng của quốc gia khác. Tuy nhiên, tình hình giờ đã khác.

New Zealand tự nhận thấy mình đang gặp khó và Zespri đã đề xuất một giải pháp táo bạo cho nông dân nước nhà: “Nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy tham gia cùng họ hoặc mua lại họ”.

Thay vì kiện những nơi trồng kiwi Gold3 bất hợp pháp, Zespri đưa ra phương án thử nghiệm kéo dài một năm. Theo đó, công ty này sẽ mua số kiwi được trồng ở Trung Quốc và bán lại dưới nhãn hiệu Zespri.

Kiwi vàng của công ty Zespri

Chụp màn hình The Guardian

Và theo The Guardian, tuần này, các nông dân New Zealand sẽ bỏ phiếu xem liệu họ có đồng ý với giải pháp của Zespri hay không.

Jason Young, phó giáo sư tại Đại học Victoria và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại New Zealand, cho biết “đề xuất của Zespri“ cho thấy họ hành động quá muộn. “Vấn đề Zespri thực sự phải đối mặt là điều gì sẽ xảy ra nếu họ mất quyền kiểm soát tài sản trí tuệ của mình ở thị trường Trung Quốc?”, ông Young nói với The Guardian.

Thực dụng hay làm theo nguyên tắc?

Cuộc chiến giành quyền sở hữu trái kiwi cũng đặt ra vấn đề cho New Zealand trong việc chọn cách tiếp cận với Trung Quốc, thực dụng hay làm theo nguyên tắc. Vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh Wellington bị cho là đang cố gắng tránh làm mất lòng Bắc Kinh.

Nó cũng cho thấy khó khăn một quốc gia có vị thế địa chính trị nhỏ phải đối mặt khi đối đầu với người khổng lồ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của mình, The Guardian nhận định.

“Gọi New Zealand là nước nhỏ là đang phóng đại vị thế của chúng ta. Chúng ta chỉ là một dấu chấm thôi", Andrew Gillespie, một giáo sư luật quốc tế, nói với The Guardian.

Cứng rắn thúc đẩy vấn đề có thể khiến Bắc Kinh tức giận, ông Gillespie nói thêm. “Trên lý thuyết, bạn có thể giành chiến thắng, nhưng thường thì cái giá của chiến thắng lớn hơn cái lợi bạn thu được. New Zealand có thể tự đẩy mình vào một cơn bão lớn và hậu quả cuối cùng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề sở hữu trí tuệ”, ông Gillespie cho biết.

Cơn bão đó là rủi ro mà chính phủ và ngành trồng kiwi của New Zealand nhận thức rõ ràng. Ngoại trưởng Nanaia Mahuta của New Zealand đã dùng từ “cơn bão lớn” khi cảnh báo các nhà xuất khẩu về thiệt hại nếu Wellington khiến Bắc Kinh tức giận.

Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand thăm nhà máy đóng gói kiwi

Chụp màn hình The Guardian

“Đây thực sự là phép thử cho mối quan hệ này”, ông Hongzhi Gao, phó giáo sư tại trường kinh doanh quốc tế của Đại học Victoria cho biết.

Về phía Trung Quốc, vấn đề là thiện ý chính trị của Bắc Kinh lớn đến mức nào, ông Young nói. Bắc Kinh “chú trọng rất nhiều vào việc phát triển, đặc biệt là phát triển nông thôn, và giải quyết các vấn đề nghèo đói ở Trung Quốc”. Điều này nghĩa là Trung Quốc ít có khả năng xử phạt nông dân vì họ trồng được loại cây kiwi có năng suất cao.

Dựa trên lập luận này, Zespri đề ra các biện pháp nhẹ nhàng hơn. Công ty này tuyên bố họ đang "tìm kiếm giải pháp thương mại phù hợp với ngành trồng kiwi Trung Quốc”. Để thành công, giải pháp này phải mang lại lợi ích cho cả hai bên, theo Zespri.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Zespri đang quá “ngây thơ”. “Bạn đang dựa vào chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu họ không nghe theo, bạn sẽ làm gì?", ông Gao chỉ ra. Rõ ràng là việc trồng Sungold với quy mô như ở Trung Quốc đang diễn ra với sự cho phép ngầm của chính quyền địa phương, ông Gao nói thêm.

Chính quyền ở Bắc Kinh có thể sẽ bị áp lực phải bảo vệ hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, các quan chức địa phương “không quan tâm”. “Họ không quan tâm đến hiệp định thương mại tự do giữa New Zealand và Trung Quốc. Chính quyền địa phương không đứng về phía các công ty kiwi New Zealand. Họ đứng về phía nông dân địa phương”, ông Gao nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.