Trung Quốc thử tên lửa bội siêu thanh

30/12/2017 06:48 GMT+7

Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo mới được trang bị thiết bị bay bội siêu thanh.

Chuyên san The Diplomat dẫn nguồn từ giới chức tình báo Mỹ hôm qua tiết lộ quân đội Trung Quốc đã tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo mới được gọi là DF-17 có gắn thiết bị bay bội siêu thanh (HGV) vào ngày 1 và 15.11. Cụ thể, cuộc thử nghiệm tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở khu tự trị Nội Mông vào ngày 1.11 đã diễn ra thành công. Tên lửa đáp xuống vị trí cách mục tiêu chỉ “vài mét”. DF-17 được cho là có tầm bắn từ 1.800 - 2.500 km và nhiều khả năng sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2020. Vũ khí này được kỳ vọng mang được đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân, cũng như có thể nâng cấp để mang một loại vũ khí siêu thanh tiên tiến.
Theo các nguồn tin quân sự Trung Quốc lẫn nước ngoài, DF-17 được phát triển dựa trên tên lửa tầm ngắn DF-16B, vốn được đưa vào hoạt động từ khoảng năm 2011 và có thể 3 đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Với tầm bắn trên dưới 1.000 km, DF-16B có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh Okinawa và các hòn đảo của Nhật Bản cũng như Đài Loan và Philippines.
Bên cạnh đó, tiêu điểm trong các thử nghiệm mới ở Trung Quốc là HGV được thiết kế đặc biệt cho tên lửa DF-17. Theo The Diplomat, HGV đã bay được gần 11 phút với độ cao khoảng 60 km. Đây là “vụ thử HGV đầu tiên trên thế giới sử dụng một hệ thống có thể được đưa vào thực chiến”, một quan chức tình báo Mỹ khẳng định. Mỹ và Nga cũng đều phát triển thiết bị bay bội siêu thanh nhưng đến nay cả hai quốc gia chưa công khai tiến hành thử nghiệm với hệ thống triển khai thực chiến.
HGV là loại vũ khí không người lái được phóng ra từ tên lửa đạn đạo. Sau khi được tên lửa đưa lên độ cao nhất định, thiết bị này sẽ tách ra bay theo lộ trình riêng, di chuyển với tốc độ cao từ Mach 5 - Mach 10, tức gấp 5 - 10 lần vận tốc âm thanh (hơn 6.000 - 12.000 km/giờ). Ưu điểm của HGV là di chuyển với tốc độ cực cao khiến lá chắn tên lửa của đối phương không có đủ thời gian để vô hiệu hóa đầu đạn trước khi bắn trúng mục tiêu. “Sự kết hợp giữa tốc độ, tính cơ động và tầm hoạt động thấp khiến HGV trở thành những mục tiêu đầy thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa”, báo cáo của Trung tâm tình báo hàng không và không gian quốc gia Mỹ hồi tháng 6.2017 nhận định.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng HGV mới thử nghiệm có thể là phiên bản khác của thiết bị bay bội siêu thanh DF-ZF (Mỹ gọi là WU-14) do Trung Quốc nghiên cứu phát triển lâu nay. Siêu vũ khí DF-ZF được cho là có thể di chuyển với tốc độ tối đa gấp 10 lần vận tốc âm thanh, đủ sức xuyên qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ. Nhà chức trách Trung Quốc cho biết từ năm 2013 đến nay, nước này đã tiến hành 7 chuyến bay thử nghiệm thành công và DF-ZF thể hiện khả năng thay đổi đường bay cực kỳ linh hoạt, nhờ đó tránh được radar và tên lửa đánh chặn. Nhiều chuyên gia quân sự và các tướng lĩnh Mỹ từng cảnh báo các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc như DF-41 nếu được trang bị thêm vũ khí bội siêu thanh có thể tấn công bờ Tây của Mỹ trong chưa đầy 14 phút.
Trung Quốc chưa có phản ứng về những thông tin trên nhưng Đài CCTV của nước này từng dẫn lời chuyên gia quân sự Trần Hổ tuyên bố là khi được hoàn thiện DF-ZF có thể dùng để “tấn công tàu sân bay Mỹ trên toàn cầu”. Bên cạnh đó, tờ South China Morning Post hồi tháng 11 đưa tin Trung Quốc đang xây dựng đường ống gió nhanh nhất thế giới để thử những thiết bị bay tốc độ 12 km/giây. Chuyên gia Triệu Vĩ, người đang tham gia dự án mới, cho hay giới nghiên cứu nỗ lực đưa đường ống gió vào hoạt động trong năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho chương trình phát triển vũ khí bội siêu thanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.