Theo tờ Nikkei Asia, cứ mỗi tháng một lần, các giám đốc điều hành cấp cao của nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc Yangtze (YMTC) đều bay đến Bắc Kinh để tham dự một loạt cuộc họp với các cơ quan quản lý kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Họ tập trung vào nỗ lực của công ty này trong việc xây dựng một số chip bộ nhớ máy tính tiên tiến nhất thế giới.
Đóng tại TP.Vũ Hán (Hồ Bắc) và ra đời vào năm 2016, Yangtze được coi là doanh nghiệp tiên phong phát triển ngành bán dẫn nội địa Trung Quốc, đã sản xuất hàng loạt chip nhớ flash NAND, được dùng cho nhiều loại thiết bị điện tử từ điện thoại thông minh (smartphone), máy chủ… đến ô tô. Do đó, chính quyền Bắc Kinh đang kỳ vọng các doanh nghiệp như Yangtze sẽ giúp Trung Quốc khi mong muốn xóa bỏ hoàn toàn lệ thuộc đối với các nhà cung cấp Mỹ trong ngành bán dẫn.
Sự phụ thuộc mang tính sống còn
Chip bán dẫn ngày nay có vai trò cực kỳ quan trọng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành công nghệ. Trong khi đó, dù có rất nhiều tên tuổi công nghệ phát triển thần tốc, nhưng Trung Quốc lại chưa tự chủ khả năng tự cung tự cấp đối với chip bán dẫn.
Hầu hết các thiết bị được sử dụng để sản xuất chip máy tính cao cấp thuộc độc quyền toàn cầu của Mỹ. Hơn 80% quy trình sản xuất và thiết kế chip như khắc, cấy ion, lắng đọng điện hóa, phần mềm thiết kế và kiểm tra wafer đều nằm trong tay các công ty Mỹ.
Năm 2020, sản xuất chip của Trung Quốc chỉ chiếm 15,9% thị trường nội địa và ước tính đạt 19,4% vào năm 2025. Trong năm 2020, các công ty có trụ sở tại Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% doanh thu trong thị trường nội địa, trong khi các công ty nước ngoài có trụ sở chính tại Trung Quốc chiếm phần còn lại của doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Hiện tại, theo Công ty tư vấn Bernstein Research, thị phần toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị chế tạo chip tiên tiến tối đa là 2%.
Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Su Tzu-yun, nhà phân tích cấp cao về quốc phòng và an ninh ở Đài Loan, đánh giá hầu hết các nhà phát triển và sản xuất chip toàn cầu hiện vẫn sẽ phải hợp tác với Mỹ, vì các công nghệ của Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Chính vì thế, giai đoạn từ năm 2019 - 2020, khi Mỹ đưa ra một số lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc thì lỗ hổng quan trọng đã hiện ra với Bắc Kinh. Đó là sự lệ thuộc của các tập đoàn Trung Quốc đối với nguồn cung cấp chip bán dẫn. Điển hình là HiSilicon, nhà phát triển chip số 1 Trung Quốc và là công ty con của Huawei, đã mất quyền tiếp cận về hỗ trợ kỹ thuật và cập nhật phần mềm cho mảng chip bán dẫn. Điều đó không chỉ khiến HiSilicon mà cả tập đoàn mẹ là Huawei gặp nhiều khó khăn để đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn cung cấp trong lĩnh vực chip bán dẫn.
Thách thức cho Bắc Kinh
Chính vì thế, Trung Quốc phải bắt đầu chiến lược “tự lực tự cường” về chip bán dẫn. Đó là lý do Bắc Kinh phải hỗ trợ và theo dõi sát sao các tập đoàn như YMTC để có thể xây dựng các “mầm ươm” nhằm phát triển công nghệ chip bán dẫn cho Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt với một số chuyên gia kinh tế và xã hội ở Trung Quốc hồi tháng 1.2021, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Chúng ta phải tăng cường tự đổi mới và tạo đột phá trong một số công nghệ cốt lõi càng sớm càng tốt”. Phát biểu của ông Tập bao hàm việc tự chủ nguồn cung cấp các công nghệ lõi mà phần quan trọng trong đó là chip bán dẫn.
“Trước đây, khi Trung Quốc nói về mong muốn tự cung tự cấp, họ đã nghĩ đến việc bắt đầu tìm kiếm và đào tạo một số nhà phát triển chip có khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất chip nước ngoài”, tờ Nikkei Asia dẫn lời giám đốc điều hành của một công ty trong ngành chip.
Vị giám đốc này đánh giá thêm: “Tuy nhiên, họ không ngờ rằng họ sẽ phải làm tất cả mọi thứ, từ những quy trình căn bản nhất. Nói một cách dễ hiểu thì nó giống như khi bạn muốn uống sữa - thì việc bạn sở hữu cả một trang trại, và học cách chăn nuôi bò sữa thôi là chưa đủ, mà còn phải xây chuồng trại, rào chắn, cũng như trồng cỏ, tất cả mọi thứ đều phải do bạn tự làm ra”.
Cũng liên quan vấn đề này, ông Mark Li, nhà phân tích chip kỳ cựu của Công ty nghiên cứu thị trường Bernstein Research, nhận định: Trên thực tế, sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chúng tôi không mong đợi họ sẽ sớm cắt giảm đáng kể số lượng mua sắm thiết bị sản xuất chip từ Mỹ”.
Tương tự, ông Martijn Rasser, thành viên cấp cao của Chương trình công nghệ và an ninh quốc gia tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ, đánh giá: “Mục tiêu tự cung tự cấp hoàn toàn về chất bán dẫn của Trung Quốc là phi thực tế. Việc tạo ra một chuỗi cung ứng chỉ dành cho Trung Quốc là điều không thể thực hiện được, và hầu như chắc chắn sẽ phải phụ thuộc vào công nghệ, chuyên môn của nước ngoài”.
Chính vì thế, công cuộc “thoát Mỹ” về lĩnh vực chip bán dẫn đang trở thành thách thức lớn, thậm chí mang tính sống còn đối với Trung Quốc trong việc hạn chế điểm yếu giữa bối cảnh xung đột thương mại hai nước vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang.
Miin Wu, người sáng lập và chủ tịch của Macronix International (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu tại Đài Loan cung cấp cho Apple, Sony và Nintendo), đánh giá: “Trong ngắn hạn, do những bất ổn địa chính trị, sự phát triển công nghệ của Trung Quốc có thể bị chậm lại một chút. Tuy nhiên về lâu dài, theo quan điểm của Trung Quốc, nước này chắc chắn sẽ xây dựng được một ngành công nghiệp cạnh tranh”.
Thực tế, theo Reuters, các tập đoàn Trung Quốc đã tăng cường tích trữ chip bán dẫn sau lệnh trừng phạt của Mỹ về việc hạn chế các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc tiếp cận nguồn chip bán dẫn trong cuộc xung đột thương mại giữa hai nước.
|
Nguồn chip toàn cầu đang thiếu hụt
Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Từ Trị Quân, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết tình trạng thiếu chip toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp một phần do "cơn hoảng loạn mua” của các công ty Trung Quốc trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.
Cuối tháng 3.2021, Reuters đưa tin Ford thông báo sẽ tạm ngưng một số phân đoạn trong dây chuyền lắp ráp mẫu xe bán tải F-150 và mẫu xe Edge thuộc dòng SUV tại Bắc Mỹ do ảnh hưởng từ tình trạng thiếu chip trên toàn cầu.
Tình trạng khan hiếm chip không chỉ đang phủ bóng lên các hãng sản xuất ô tô toàn cầu, mà còn nhanh chóng lan sang hàng loạt ngành khác như thiết bị điện tử, tiêu dùng, giải trí và thậm chí cả ngành y tế. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là các công ty Trung Quốc đã tăng cường dự trữ chip bán dẫn trước khi một số lệnh trừng phạt của Washington có hiệu lực - vốn được đưa ra nhằm hạn chế việc các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận nguồn chip bán dẫn.
|
Bình luận (0)