Sự phát triển kỳ diệu
Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ trong thời gian qua?
Năm nay, cũng là 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1995 - 2020).
|
Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là một điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ. Kim ngạch thương mại hai nước từ chưa đến 500 triệu USD vào 1995, nay đã trên 60 tỉ USD, tức là tăng tới 120 lần. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 10, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam có khoảng 30.000 sinh viên học ở Mỹ, cao nhất Đông Nam Á. Hằng năm, có trên 1 triệu lượt người Mỹ đến Việt Nam.
Hợp tác an ninh quốc phòng cũng được đẩy mạnh, từ về đào tạo, trao đổi thông tin, đến cứu trợ nhân đạo, an ninh hàng hải, tham gia lực lượng hòa bình LHQ. Đáng chú ý là hợp tác hiệu quả giữa hai bên về khắc phục hậu quả chiến tranh.
Đó có thể gọi là chặng đường dài phát triển của lịch sử quan hệ hai nước hay không, thưa đại sứ?
Đúng vậy. Mọi người từng đánh giá rằng đó là sự phát triển kỳ diệu, vượt trên các kỳ vọng. Nhưng đó cũng là một chặng đường vượt qua các thách thức, khó khăn không nhỏ. Như trước hết là vượt qua quá khứ, nỗi đau chiến tranh trong lòng mỗi bên. Rồi câu chuyện xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết và tôn trọng thể chế chính trị của nhau, khi mà hai bên khác biệt về chế độ chính trị, xã hội. Thực tế, xét trong lịch sử dài hơn, hai bên từng có những cơ hội bỏ lỡ để tăng cường hợp tác với nhau.
Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hai nước trong thời gian tới?
Thời gian qua, dưới thời tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa thì quan hệ Việt - Mỹ vẫn không ngừng phát triển cả về song phương, lẫn khu vực và quốc tế.
Các trụ cột của quan hệ sẽ tiếp tục được củng cố và làm sâu sắc thêm, từ về kinh tế, thương mại, đầu tư, đến khoa học, công nghệ, về an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, cũng như về giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân. Những trao đổi, chia sẻ và hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay là rất cần thiết.
Thêm vào đó là nỗ lực thúc đẩy hiểu biết, xây dựng lòng tin, trên cơ sở làm sâu sắc các nguyên tắc quan hệ bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Khác biệt luôn song hành với lợi ích, hợp tác
Trong đó, điều gì gắn kết quan hệ hai nước ngày càng chặt chẽ?
Nói một cách ngắn gọn, cái gắn kết nhất chính là điều mà hai bên đã đúc kết thành nguyên tắc của quan hệ là: hiểu biết, lòng tin, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Cần nhấn mạnh rằng hiểu biết, tôn trọng chính là cơ sở để có lòng tin, hợp tác, quan hệ tốt hơn, sâu hơn.
Tiếp đó là lợi ích quốc gia. Hai nước có sự song trùng lớn về lợi ích trên nhiều lĩnh vực, cả song phương và khu vực. Mỹ là nước lớn, đối tác, thị trường hàng đầu của Việt Nam. Còn với Việt Nam, phía Mỹ khẳng định luôn ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng, coi trọng vị trí địa chiến lược và hợp tác của Việt Nam ở khu vực và trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Về kinh tế, thương mại, hai bên đều có lợi chung và bổ sung cho nhau. Việt Nam cần thị trường, xuất nông sản, điện tử, dệt may, da giày, thì cũng cần nhập công nghệ, hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, và cần về năng lực quản lý doanh nghiệp từ Mỹ. Các tập đoàn lớn của Mỹ cũng rất coi trọng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, một thị trường gần trăm triệu dân, có môi trường thuận lợi và cạnh tranh.
Vậy đâu là thách thức trong việc tăng cường quan hệ hai nước?
Giữa hai quốc gia, dù hợp tác tốt, cũng đều có khác biệt. Quan hệ Việt - Mỹ không nằm ngoài nguyên tắc này. Trước hết, có những cái khác biệt xuất phát từ thể chế chính trị, xã hội khác nhau, như về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, hay các điều kiện khác. Với các thách thức này, hai bên đã thiết lập các cơ chế đối thoại, xử lý phù hợp.
Hiện tại, khi Mỹ điều chỉnh ưu tiên trong bối cảnh mới, giữa hai nước có nhiều điểm song trùng, nhưng cũng xuất hiện những khác biệt. Chẳng hạn, Mỹ hiện rất quan tâm xử lý về thâm hụt thương mại, trong khi Việt Nam có thương mại thặng dư khá lớn với Mỹ. Nhưng hai bên cũng đã có trao đổi, lập cơ chế xử lý, từ khi bắt đầu chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Chúng ta cũng đã có nhiều hợp đồng lớn về mua hàng, cấp phép đầu tư cho Mỹ, như về máy bay, năng lượng, khí hóa lỏng, lên tới hàng chục tỉ USD. Rồi Mỹ cũng cấp thêm giấy phép cho các mặt hàng của Việt Nam vào Mỹ như hoa quả, nông sản.
Tựu trung lại, các khác biệt luôn song hành với hợp tác, chính trị hay kinh tế. Điều quan trọng là hiểu biết, có sự song trùng về cách tiếp cận và xử lý phù hợp lợi ích cả hai bên.
Cảm ơn đại sứ!
Bổ sung qua lại giữa song phương và khu vựcMỹ là một đối tác hàng đầu về song phương và của khu vực, là đối tác chiến lược của ASEAN. Do đó, Việt Nam coi trọng phối hợp Mỹ cả về song phương và tại các cơ chế của khu vực, như ASEAN, APEC, các nước tiểu vùng sông Mê Kông, cả trên những vấn đề cùng quan tâm, cũng như bảo đảm việc tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực.
Về Biển Đông, phía Mỹ ủng hộ các nguyên tắc của ASEAN về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp, nhấn mạnh tôn trọng luật pháp quốc tế. Vừa qua, Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối các hành vi vi phạm vùng biển của Việt Nam và các nước khu vực. Về bán đảo Triều Tiên, Việt Nam cũng đã được tin cậy chọn tổ chức Cấp cao Mỹ - Triều lần hai vào đầu năm 2019, được các nước đánh giá rất cao. Trong quan hệ hai nước, sự đan xen, song trùng và bổ sung qua lại giữa song phương và khu vực.
Đại sứ Phạm Quang Vinh
|
Bình luận (0)