Tương quan sức mạnh tàu sân bay Mỹ - Trung

Thanh Lương
Thanh Lương
20/12/2019 07:00 GMT+7

Tròn 10 ngày sau khi Hải quân Mỹ vừa làm lễ “rửa tội” cho tàu sân bay mới nhất USS John F.Kennedy (CVN-79), Trung Quốc vừa biên chế tàu sân bay thứ hai của mình mang tên Sơn Đông.

Mới đây, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, ngày 17.12 đã đến TP.Tam Á trên đảo Hải Nam để dự lễ đưa vào biên chế tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng.

Kế hoạch bị trì hoãn

Ban đầu mang tên lớp là 001A, hàng không mẫu hạm này đã chính thức được mang tên Sơn Đông. Dài 315 m, có độ choán nước toàn tải 70.000 tấn, Sơn Đông đạt tốc độ tối đa khoảng 30 hải lý/giờ (57 km/giờ), có thể mang theo khoảng 32 chiến đấu cơ J-15 cùng gần 10 máy bay trực thăng.
Với việc bổ sung thêm Sơn Đông, Trung Quốc đang vận hành tổng cộng 2 tàu sân bay. Chiếc còn lại là tàu Liêu Ninh, vốn có tên gọi là Varyag của Ukraine, được Trung Quốc mua lại từ trước năm 2000. Tuy lớn hơn và có nhiều nâng cấp so với tàu Liêu Ninh nhưng tàu Sơn Đông vẫn còn mang thiết kế mũi tàu hếch lên để chiến đấu cơ chạy lấy đà, chứ chưa sử dụng bộ phóng và thiết kế sàn bằng như tàu sân bay Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn 2 hàng không mẫu hạm đã được lên kế hoạch chế tạo thuộc Type 002. Trong đó, 1 chiếc đã khởi động đóng từ năm 2017. Tờ South China Morning Post (SCMP) gần đây dẫn nguồn tin quân sự nội bộ tiết lộ 2 tàu trên sẽ được hoàn tất. Cả 2 tàu thuộc lớp Type 002 và 2 tàu đã vận hành của Trung Quốc đều không chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo kế hoạch hải quân nước này đặt ra, tàu sân bay thứ 5 và 6 mới chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Thế nhưng, kế hoạch đóng 2 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đã bị hoãn lại vì những khó khăn về công nghệ lẫn ngân sách. Cụ thể, tờ South China Morning Post dẫn một số nguồn tin cho rằng các kỹ sư Trung Quốc đang chật vật giải quyết nhiều rào cản kỹ thuật. Trong đó, thách thức lớn nhất được cho là phải vận dụng kiến thức có sẵn về chế tạo tàu ngầm hạt nhân để làm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, đầu tư nguồn ngân sách “khủng” vào đội tàu sân bay trong thời điểm nền kinh tế đang tổn thương như hiện nay không thật sự là một bài toán dễ cho Trung Quốc. “Tính tới thời điểm này sẽ không có thêm bất kỳ kế hoạch chế tạo tàu sân bay nào”, nguồn tin giấu tên nói thêm.
Hiện phía Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi chính thức về những thông tin của SCMP. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá động thái này của Trung Quốc chưa hẳn là một bước lùi, mà là một “sự thận trọng trong chiến lược” của quốc gia này.
Tương quan sức mạnh tàu sân bay Mỹ - Trung1

Tàu sân bay Sơn Đông trong một lần chạy thử

Ảnh: Reuters

Hạm đội hùng mạnh của Mỹ

Trong khi đó, ngày 7.12, tàu sân bay USS John F.Kennedy (CVN-79) được làm lễ rửa tội. Đây là chiếc tàu thứ hai được đặt tên John F.Kennedy - Tổng thống Mỹ thứ 35. Tàu sân bay đầu tiên mang tên John F.Kennedy là USS John F. Kennedy (CV-67) đã được “giải ngũ” hồi năm 2007, sau gần 40 năm phục vụ.
Là chiếc thứ hai thuộc lớp Gerald R.Ford, CVN-79 có kinh phí đóng lên đến 11,4 tỉ USD. Tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Ford là USS Gerald R.Ford, đã gia nhập biên chế hồi năm 2018 với chi phí hoàn thiện khoảng 13 tỉ USD. Đây cũng là chiếc tàu chiến đắt nhất thế giới hiện nay.
Theo chuyên trang Naval News, CVN-79 có chiều dài gần 333 m, lượng choán nước lên đến 100.000 tấn. Chiếc siêu tàu được trang bị hơn 23 công nghệ mới, trong đó có những cải tiến về hệ thống đẩy, phát điện, quy trình hậu cần và thay đổi hệ thống phóng máy bay hơi nước sang hệ thống điện từ EMALS, giúp giảm sự cồng kềnh ở khoang tàu và chứa được nhiều máy bay hơn.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay hiện USS John F.Kennedy CVN-79 đã hoàn thành khoảng 67%. Con tàu sẽ được tiếp tục hoàn thiện và chạy thử trước khi chính thức trang bị cho Hải quân Mỹ vào năm 2022.
Như vậy, nếu chưa tính chiếc USS John F.Kennedy CVN-79 vẫn còn chạy thử nghiệm thì hiện Mỹ có 10 tàu sân bay đang hoạt động.
Trung Quốc sẽ lập nhóm tác chiến có 2 tàu sân bay ?
Hai tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ hợp thành một nhóm tác chiến nhằm ngăn chặn các tàu Mỹ hoặc Nhật Bản tiếp cận Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh, theo tạp chí Naval and Merchant Ships (có trụ sở ở Bắc Kinh). Nhóm tác chiến còn có 2 khu trục hạm tên lửa Type 055, 10 tàu hộ vệ, 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 1 tàu tiếp tế.
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.