Sau khi được bổ nhiệm vào cuối tháng 11, quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly bắt tay vào việc hiện thực hóa kế hoạch nâng số tàu chiến lên 355 chiếc trong vòng 10 năm tới từ 290 chiếc hiện có. Lực lượng này sắp đóng hàng loạt tàu rô bốt tự lái, dự kiến sẽ được chính thức công nhận là tàu chiến thực thụ. Theo chuyên san The National Interest, kế hoạch của ông Modly mang tính khả thi cao vì chi phí thấp và quân đội ngày càng chấp nhận tàu chiến không người lái. Trước đó, nhiều kế hoạch không được triển khai do hải quân muốn bổ sung tàu chiến có người nên chi phí rất cao và vượt ngân sách cho phép.
Tàu chiến rô bốt
Từ năm 2016, hải quân Mỹ đã muốn tăng số lượng tàu chiến lên 350 - 355 chiếc, trong đó có 12 tàu sân bay, 156 tàu chiến trên mặt nước và 66 tàu ngầm tấn công nhằm “bảo vệ Mỹ và các lợi ích chiến lược trên thế giới, cũng như cạnh tranh với Trung Quốc và Nga”. Hải quân Mỹ dự kiến sẽ có 331 tàu chiến vào năm 2030, do đó cần bổ sung thêm 24 chiếc để đạt mục tiêu 355 chiếc. Đây không phải là một con số nhỏ nhưng lại trở nên dễ tính theo kế hoạch của ông Modly. Dự định hải quân sẽ mua 10 tàu rô bốt mặt nước cỡ lớn (LUSV) và 9 tàu ngầm không người lái cỡ lớn (ELUUV) vào năm 2024 với tổng chi phí 4 tỉ USD (92.690 tỉ đồng). Do đó, chỉ cần bổ sung thêm một số tàu rô bốt với chi phí không quá lớn để đạt kế hoạch.
Hiện Hãng Boeing đang phát triển tàu ngầm rô bốt dùng tàu lặn Orca dài 15 m làm khởi điểm, theo USNI News. Hải quân chưa chọn hãng đóng LUSV, nhưng có thể mẫu tàu mới sẽ tương tự như chiếc Sea Hunter mà lực lượng này đang thử nghiệm từ năm 2016. Sea Hunter dài 40 m, nặng 135 tấn, tầm hoạt động 16.000 km, chịu đựng sóng cao đến 4 m và trang bị hệ thống cảm biến tinh vi giúp phát hiện những tàu ngầm chạy êm nhất. Chi phí cho Sea Hunter chỉ vài trăm triệu USD, trong khi một tàu chiến thông thường lên đến 2 tỉ USD. Bên cạnh đó, hải quân đang xúc tiến thành lập bộ phận chỉ huy và điều khiển nhằm đưa tàu rô bốt phối hợp với các tàu chiến khác.
|
Phối hợp tác chiến
Song song với việc bổ sung thêm hàng chục tàu chiến, hải quân Mỹ đang phối hợp với thủy quân lục chiến đưa ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực tấn công đổ bộ, trong đó tàu mẹ sẽ phối hợp với vô số phương tiện rô bốt nhằm giảm thiểu thương vong. Hệ thống các tàu nhỏ sẽ phối hợp với nhau sau khi được đưa xuống từ boong tàu đổ bộ - tàu có vai trò chỉ huy và điều khiển, cùng với các hệ thống cảm biến, hỏa lực tầm xa và tiêm kích thế hệ thứ 5 hỗ trợ. “Chúng tôi hình dung một hạm đội vô số tàu nhỏ đa nhiệm hoạt động cùng với tàu chiến chính”, The National Interest dẫn phát biểu của thiếu tướng David Coffman, giám đốc phụ trách chiến tranh viễn chinh của hải quân Mỹ. Ông mô tả phương thức mới gồm “gia đình các tàu tác chiến có người và không người phối hợp trong chiến dịch hàng hải phân tán”, nhằm đối phó với nhiều vũ khí tầm xa, cảm biến nhạy, công nghệ xác định mục tiêu hiện đại của đối phương.
Theo ông Coffman, sự phối hợp giữa các tàu đổ bộ trang bị lớp đệm khí (LCAC), tàu mặt nước rô bốt, xe chiến đấu đổ bộ (ACV), tàu lặn không người lái và xuồng tuần tra vũ trang sẽ tăng tính hiệu quả của phương thức tác chiến mới. Các công nghệ thay thế LCAC như hệ thống kết nối tàu - bờ (SSC) mới do Hãng Textron đang chế tạo với vật liệu nhẹ, tải trọng tăng, động cơ hiện đại và điều khiển tự động sẽ giúp chuyển hàng chục xe tăng Abrams đến chiến trường nhanh chóng hơn. Song song đó, các tiêm kích F-35 cùng UAV do thám sẽ dọn đường cho các cuộc tấn công đổ bộ nhằm giảm thiểu thương vong cho lực lượng Mỹ.
Tên lửa hạt nhân hiệu suất thấp
Tạp chí National Defense dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Rood cho hay kế hoạch trang bị tên lửa mang vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp phóng từ tàu đang tiến triển. Ông Rood cho rằng cần bổ sung năng lực này bên cạnh bộ 3 hạt nhân gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, oanh tạc cơ tầm xa và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Theo ông, Mỹ có vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp từ nhiều thập niên qua nhưng chỉ được thiết kế để tấn công từ trên không nên cần bổ sung thêm lựa chọn mới trước mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.
|
Bình luận (0)