Hôm qua 8.11, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden có bài phát biểu tại TP.Wilmington, bang Delaware để tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong bài phát biểu, ông Biden đề cập khó khăn trước mắt cần ưu tiên giải quyết: đại dịch Covid-19.
Tái gia nhập WHO
Tính đến hôm qua, hơn 9,8 triệu người Mỹ đã bị nhiễm Covid-19, trong đó hơn 237.000 người tử vong. Đại dịch khiến hàng triệu người mất việc làm, tác động sâu rộng đến mọi ngóc ngách xã hội Mỹ. Theo AP, đây là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà một tổng thống tân cử phải đối diện kể từ khi ông Franklin D.Roosevelt nhậm chức hồi năm 1933 trong thời kỳ Đại suy thoái.
Trước mắt, ông Biden nói sẽ thành lập tổ chuyên trách với thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia để giúp thực thi kế hoạch đối phó với Covid-19. Tổ chuyên trách sẽ do cựu quan chức y tế cấp cao Vivek H.Murthy và cựu quan chức Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm David Kessler làm chủ nhiệm.
Dưới chính quyền tương lai nếu ông Biden làm tổng thống, người dân Mỹ sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang để phòng dịch, điều được ông cho là hành động “yêu nước”. Bên cạnh đó, kế hoạch chống dịch của ông Biden sẽ đặt yếu tố khoa học lên hàng đầu. Theo đó, các chuyên gia y tế sẽ là những người chịu trách nhiệm cập nhật thông tin hằng ngày thay vì giới chính trị gia như trong chính quyền Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, ông Biden cũng nói sẽ gia tăng thẩm quyền cho các cơ quan chuyên trách phối hợp, hỗ trợ nhiều hơn cho các địa phương.
Theo báo The Washington Post, ông Biden đã hứa sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế, bổ nhiệm quan chức phụ trách giám sát việc phân phối khẩu trang, bộ xét nghiệm, vắc xin và thành lập lực lượng 100.000 nhân viên phụ trách truy vết người nghi nhiễm. Ngoài ra, chính quyền sắp tới sẽ thúc đẩy quốc hội thông qua gói hỗ trợ lớn cho chương trình y tế và hỗ trợ các doanh nghiệp trụ vững trong thời gian đại dịch.
Mặt khác, ông Biden cũng tuyên bố sẽ đảo ngược quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do Tổng thống Trump thực hiện. “Người dân Mỹ an toàn hơn khi nước Mỹ tham gia vào việc tăng cường hệ thống y tế toàn cầu. Ngay trong ngày đầu tiên làm tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của chúng ta trên trường thế giới”, ông Biden tuyên bố hồi tháng 7.
Thách thức nào cho ông Biden ?
Khó khăn của ông Biden là chưa thể bắt đầu kế hoạch ngay vì Tổng thống Trump sẽ còn tại vị ít nhất là đến ngày 20.1.2021. Bên cạnh đó, kế hoạch của ông có thể sẽ bị phản đối mạnh mẽ trong bối cảnh xã hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc. Ngoài ra, khả năng đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện có thể cản trở việc đề cử bộ trưởng và việc thúc đẩy các chính sách cải cách quan trọng. The Washington Post dẫn lời một đồng minh thân cận của ông Biden cho biết có thể ông sẽ sử dụng các lệnh hành pháp để ban hành quy định.
Diễn biến sắp tớiTừ nay đến 23.11: Phiếu bầu qua thư tiếp tục được kiểm đếm tại nhiều bang.
10.11 - 11.12: Các bang công nhận kết quả bầu cử.
8.12: Hạn chót giải quyết tranh chấp về kết quả bầu cử, kiểm phiếu lại. 14.12: Đại cử tri đoàn bỏ phiếu bầu tổng thống. 23.12: Hạn chót để lá phiếu của đại cử tri đưa đến quốc hội. 3.1.2021: Thành viên mới của Thượng viện và Hạ viện tuyên thệ nhậm chức. 6.1.2021: Quốc hội đếm phiếu đại cử tri, phó tổng thống công bố kết quả. Nếu không ứng viên nào đạt 270 phiếu, Hạ viện bầu chọn tổng thống. 20.1.2021: Tổng thống tuyên thệ nhậm chức. |
Mặt khác, một trong những cam kết được ông Biden nhiều lần lặp lại trong quá trình vận động tranh cử chính là tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông sẽ thuyết phục các quốc gia khác tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường để hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ông Biden trong quá trình tranh cử còn đề cập những vấn đề trọng tâm khác cần giải quyết trong thời gian đầu nhiệm kỳ, gồm việc bãi bỏ sự bảo vệ pháp lý đối với các nhà sản xuất súng, bãi bỏ việc giảm thuế từ năm 2017 của chính quyền Tổng thống Trump, hàn gắn sự chia rẽ và dẹp bỏ nạn phân biệt chủng tộc gây ra những cuộc khủng hoảng biểu tình tại nhiều thành phố lớn trong những tháng gần đây.
Bước chuyển về đối ngoại
Dấu ấn Tổng thống Donald TrumpDù có tái đắc cử hay không, đương kim Tổng thống Donald Trump cũng đã để lại cho nước Mỹ và thế giới bên ngoài những dấu ấn riêng trong 4 năm nhiệm kỳ của mình.
Từ một tỉ phú doanh nhân, ngôi sao truyền hình thực tế, ông Trump “chân ướt chân ráo” bước vào chính trường, làm lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thương hiệu của ông Trump gắn liền với những bài đăng trên Twitter, cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết”. Khi tiếp quản Nhà Trắng từ tay người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump thừa hưởng một nền kinh tế tương đối ổn, rồi dẫn dắt nước Mỹ tăng trưởng suốt 3 năm đầu, cùng với đó là tăng việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, thành quả này nhanh chóng biến mất khi Covid-19 ập đến và càn quét nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ của ông Trump, xã hội Mỹ đã nhiều lần bất ổn vì bạo lực, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, cháy rừng quy mô lớn.
Bốn năm ông Trump làm tổng thống, nước Mỹ có cách tiếp cận nhiều vấn đề đối ngoại gây tranh cãi nhưng cũng có những điểm nhấn tích cực. Nói về điểm sáng, có thể kể đến một nước Mỹ đã rút được một chân ra khỏi vũng lầy các cuộc chiến không hồi kết ở nước ngoài, là bước đi ngoại giao táo bạo với CHDCND Triều Tiên dù về sau còn bế tắc, là cầu nối của thỏa thuận hòa bình lịch sử tại Trung Đông. Chính quyền ông Trump cũng tạo thế kiềm tỏa sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Về những quyết sách còn gây tranh cãi, ông Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi các thể chế và thỏa thuận quốc tế, xóa bỏ một số nỗ lực đa phương mà Mỹ thời kỳ trước từng gầy dựng. Chính sách này của ông Trump khiến đồng minh suy giảm lòng tin vào Mỹ. Hình ảnh và vai trò nước Mỹ trên trường quốc tế không còn nguyên vẹn trong mắt cộng đồng thế giới.
Nếu chính thức kế nhiệm, ông Joe Biden có thể sẽ thay đổi rất nhiều chính sách so với ông Trump, nhưng không phải là xóa bỏ tất cả. Dư âm từ nhiệm kỳ của ông Trump chắc chắn sẽ còn lại, ít nhất là dấu ấn cá nhân của vị tổng thống khó đoán Donald Trump.
Ngọc Mai
|
Đối với Nga, ông Biden coi nước này là đối thủ và cam kết sẽ có những phản ứng quyết liệt đối với cáo buộc can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, ông Biden cũng nhấn mạnh muốn hợp tác với Nga để duy trì các hiệp ước kiểm soát vũ khí bị bãi bỏ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Về Iran, ông cam kết tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân và nói Tehran có thể được dỡ bỏ bớt lệnh cấm vận nếu tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận.
Một trong những ưu tiên của ông Biden nữa là cải thiện mối quan hệ với các đồng minh, đặc biệt là NATO và các nước châu Âu, vốn xảy ra những rạn nứt dưới thời chính quyền ông Trump. Giới chuyên gia nhận định chiến thắng của ông Biden có thể đánh dấu bước khởi đầu cho sự thay đổi lớn về thái độ của Mỹ đối với thế giới. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường như cách đây 4 năm.
Bình luận (0)