Uy lực tàu tác chiến cận bờ của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông

Khánh An
Khánh An
03/07/2020 15:47 GMT+7

Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ trang bị các vũ khí lợi hại liên tiếp hoạt động tại Biển Đông, mới nhất là hoạt động gần tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc .

Trong thời gian gần đây, tàu tác chiến cận bờ (LCS) USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ liên tiếp có hàng loạt hoạt động tích cực ở Biển Đông nhằm thể hiện sự ủng hộ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Năng lực đáng gờm

USS Gabrielle Giffords thuộc lớp tàu Independence, có lượng giãn nước hơn 3.100 tấn, chiều dài khoảng 115 m và bán kính hoạt động từ 1.100 - 1.700 km. Tàu có tốc độ tối đa gần 90 km/giờ. Tàu chiến này được Hải quân Mỹ xác định phù hợp với hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Ban đầu, LCS được Mỹ phát triển để thực thi các nhiệm vụ như chống cướp biển, chống khủng bố… hay ứng phó với các tàu chiến nhỏ của Vệ binh cách mạng Iran thời hậu Chiến tranh lạnh. Theo đó, LCS có nhiệm vụ xác định mục tiêu, để nhóm tác chiến tàu sân bay triển khai tấn công.

Chiến hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) khai hỏa tên lửa diệt hạm NSM ở khu vực biển Philippines vào ngày 1.10.2019

DOD

Tuy nhiên, trong 2 thập niên gần đây, tàu được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, được cho là nhằm mục tiêu không thua hỏa lực của các chiến hạm Trung Quốc. USS Gabrielle Giffords là LCS đầu tiên được trang bị tên lửa tấn công trên biển (NSM) do hãng Raytheon hợp tác với Kongsberg (Na Uy) phát triển, trong kế hoạch trang bị vũ khí này cho hơn 30 chiếc LCS của Hải quân Mỹ.

USS Gabrielle Giffords với ngoại hình "hầm hố" nhằm tăng tính năng tàng hình trước radar đối phương, được cho là tàu chiến thích hợp hoạt động ở Biển Đông

Ảnh: DVIDS

NSM là loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng tàng hình và khó bị phát hiện bằng radar. Trong một số trường hợp, NSM có tầm bắn lên đến 300 hải lý (hơn 550 km) tức không thua kém, thậm chí vượt cả tên lửa diệt hạm Harpoon của hải quân Mỹ đang sử dụng.

Bộ Quốc phòng Mỹ phản ứng Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Tuy nhiên, tầm bắn hiệu quả hiện nay của NSM vào khoảng 100 hải lý (khoảng 185 km) với tầm bay gần như sát mặt nước để dễ dàng vượt qua các hàng phòng thủ tên lửa được lắp trên các tàu chiến.

USS Gabrielle Giffords được tiếp liệu từ tàu tiếp tế USNS Carl Brashear ở Biển Đông ngày 29.6

Ảnh: DVIDS

Tên lửa NSM còn được kết nối với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout để trinh sát và truy lùng nhiều mục tiêu khác nhau, được xem là “con mắt ngoài tầm radar” cho USS Gabrielle Giffords, giúp tàu có thể tấn công những mục tiêu không thể nhìn thấy trên radar.
Tàu còn có 1 dàn tên lửa phòng không tầm gần Evolved SeaRAM (11 ống phóng), 1 pháo 57 mm, 4 súng máy 12,7 mm, 2 trực thăng MH-60R/S Seahawk và 1 trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.

Hoạt động tích cực

Một trong những hoạt động mới nhất của USS Gabrielle Giffords là thực hiện các hoạt động thường lệ ở Biển Đông gần tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc, Hải quân Mỹ cho hay hôm 2.7 và đưa ra loạt hình ảnh mới nhất.

Tàu USS Gabrielle Giffords di chuyển gần tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia ngày 12.5.2020

Ảnh: Hải quân Mỹ

Trước đó vào ngày 23.6, tàu chiến này có cuộc diễn tập với hai tàu huấn luyện JS Kashima và JS Shimayuki thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản.
Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ USS Gabrielle Giffords còn tham gia diễn tập song phương với tàu hộ vệ tàng hình đa năng RSS Steadfast (lớp Formidable) của Hải quân Singapore ở Biển Đông từ ngày 24-25.5.

Tàu USS Gabrielle Giffords đậu ở Cam Ranh sáng 20.12.2019

Ảnh: THANH NIÊN

Chưa đầy 2 tuần trước đó, vào ngày 12.5 tàu USS Gabrielle Giffords hiện diện ở phía nam Biển Đông, gần khu vực tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do công ty dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành. Năm ngoái, USS Grabrielle Giffords cũng từng đến cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) vào ngày 19.12.2019.

Tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A của Trung Quốc ở Biển Đông, nhìn từ tàu USS Gabrielle Giffords của Mỹ, ngày 1.7.2020

DVIDS

Theo trang DefPost, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi rời Quảng Đông vào ngày 10.6.

Tàu này còn được hộ tống bởi các tàu khác của Trung Quốc, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa Type 054A (lớp Giang Khải 2) của Hải quân Trung Quốc.

Với lượng giãn nước 3.500 tấn, tàu Type 054A có khả năng trang bị 32 tên lửa phòng không HQ-16, 8 tên lửa diệt hạm YJ -83, đều đặt trong các ống phóng thẳng đứng. Tàu còn có thiết bị dò tìm tàu ngầm xa đến 20 km, pháo 76 mm, 6 ống phóng ngư lôi 324 mm, hệ thống pháo phòng không tầm gần bắn nhanh Type 1130.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.