Việt Nam mang vấn đề Biển Đông ra Liên Hiệp Quốc

Vũ Hân
Vũ Hân
30/09/2019 08:08 GMT+7

Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thúc giục các bên liên quan trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế .

Đêm 28.9, tại Trụ sở LHQ (New York, Mỹ), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng LHQ.

Phải tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông

Trước lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên LHQ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc gia, do đó cộng đồng quốc tế cần lên tiếng trước những hành động đơn phương, áp đặt, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. “Việt Nam tin rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là biện pháp quan trọng nhất để tránh xung đột và tìm ra giải pháp chấm dứt xung đột. Chúng tôi ủng hộ tất cả các nỗ lực giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình theo điều lệ LHQ và luật pháp quốc tế, bao gồm đàm phán, hòa giải và tòa án”.
Phó thủ tướng nói: “Chúng tôi thúc giục các bên liên quan trên Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được coi là bản Hiến pháp trên biển. Kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nỗ lực của các quốc gia liên quan sẽ mang đến những kết quả tích cực cho việc giải quyết các khác biệt và xung đột”.
“Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm cả sự cố nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng biển của chúng tôi được xác định bởi UNCLOS. Các bên liên quan cần kiềm chế các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình hoặc gây leo thang căng thẳng trên biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Hồi sinh và cải tổ thể chế đa phương

Cũng trong bài phát biểu, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại bài học đau thương trong “chương đẫm máu nhất trong lịch sử loài người” là Thế chiến 2. Sự trả giá khủng khiếp sau cuộc thế chiến này đã giúp các quốc gia nhận ra tầm quan trọng của việc có một hệ thống an ninh tập trung dựa trên kiểm soát đa phương và luật pháp quốc tế, như một nền tảng của trật tự thế giới sau chiến tranh. Tuy vậy, Phó thủ tướng chỉ ra rằng chủ nghĩa đa phương đang đứng trước thách thức gay gắt do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân túy, suy giảm cam kết chính trị và thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, tăng cường sức sống cho chủ nghĩa đa phương là một yêu cầu cấp bách đối với cộng đồng quốc tế.
Thế giới đang đứng trước những vấn đề toàn cầu khác mà không một quốc gia nào có thể “miễn nhiễm”, đó là biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và những nguy cơ xung đột tiềm ẩn. Sự phát triển khoa học, công nghệ đã mang đến những loại vũ khí và phương pháp chiến tranh mới. Chi phí quân sự toàn cầu đang ở mức cao nhất trong lịch sử và thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc các quốc gia phải cùng nhau hồi sinh chủ nghĩa đa phương, củng cố LHQ.
Việt Nam cũng nhấn mạnh các nỗ lực đa phương cần đặt con người ở vị trí trung tâm; trong đó hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững; và cũng chỉ có thể được bảo đảm nếu người dân được bảo vệ an toàn, bảo đảm các điều kiện sống cơ bản. Trước những thách thức mới, các thể chế đa phương cần được cải tổ theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ, và các nước cần tăng cường cam kết chính trị cũng như nguồn lực cho các thể chế đa phương.

Kêu gọi không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông

 
Nhân dịp này, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng tham dự Hội nghị không chính thức các Ngoại trưởng ASEAN (IAMM) và nhiều cuộc họp khác. Tại IAMM, ngoài việc thông báo với các nước về quá trình chuẩn bị tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Phó thủ tướng nêu những quan ngại của Việt Nam về tình hình Biển Đông, khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam về vấn đề này.
Tại phiên gặp gỡ các Ngoại trưởng ASEAN, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đề cập vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết hòa bình tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, và không có những hành động làm gia tăng căng thẳng. Trong cuộc gặp song phương sau đó, Tổng thư ký Guterres và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề cập vấn đề Biển Đông, nhất trí các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đối thoại nhằm xử lý các tranh chấp, khác biệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.