Việt Nam phối hợp cảnh sát Anh xác minh thông tin trong vụ 39 người chết trong container

Bảo Vinh
Bảo Vinh
26/10/2019 09:44 GMT+7

Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Anh để tìm hiểu thông tin 39 thi thể trong container của Anh có thể có nạn nhân không phải người Trung Quốc , theo TTXVN.

Vụ 39 thi thể được tìm thấy trong một container ở miền đông nước Anh mới đây cho thấy tình trạng nhập cư lậu đáng báo động tại Anh nói riêng và châu Âu nói chung.

Mâu thuẫn quốc tịch nạn nhân

Ngày 23.10, cảnh sát Anh phát hiện 39 xác người bên trong một xe container gần cảng Purfleet thuộc vùng Essex, cách trung tâm London khoảng 30 km về hướng đông. Theo tờ Daily Mail, chiếc container đông lạnh được vận chuyển bằng tàu từ cảng Zeebrugge (Bỉ), đến cảng Purfleet vào đầu ngày 23.10. Tài xế Maurice Robinson (25 tuổi, người Bắc Ireland) chở container đến một cơ sở công nghiệp gần đó để kiểm tra giấy tờ. Khi mở container ra, Robinson choáng váng và gần như ngất xỉu khi phát hiện các thi thể bên trong. Anh này gọi báo cho lực lượng cấp cứu, và bản thân đang bị tạm giam vì nghi giết người.

[VIDEO] Vụ 39 thi thể trong container ở Anh: một gia đình ở Hà Tĩnh nghi con gái là nạn nhân

Quá trình xác minh quốc tịch của các nạn nhân đang diễn ra với nhiều thông tin trái chiều. Cảnh sát Essex cho rằng toàn bộ nạn nhân, gồm 31 nam và 8 nữ, có thể là người Trung Quốc. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh trong cuộc họp báo chiều qua nói rằng cảnh sát Anh vẫn chưa hoàn tất quá trình xác minh, nên chưa thể kết luận.
Một số nguồn cho rằng chiếc container đã được bật ở chế độ nhiệt âm 25oC và các nạn nhân đã ở bên trong ít nhất 15 giờ trước khi Robinson mở cửa kiểm tra. Đến tối qua, một số nguồn tin của truyền thông Anh cho rằng trong số 39 nạn nhân trên, có một số người không mang quốc tịch Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London ngày 25.10, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết Đại sứ quán hiện đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát Anh để tìm hiểu thông tin liên quan đến diễn biến mới này.
Theo tờ The Independent, cảnh sát Anh đã bắt giữ một người đàn ông và một phụ nữ, đều 38 tuổi và đến từ thị trấn Warrington ở tây bắc nước Anh, bị tình nghi ngộ sát và lên kế hoạch buôn người.

Đặt cược tính mạng

Giới chức Anh đang ráo riết lần ra tuyến đường chiếc container được vận chuyển trước khi đến nước này, cũng như danh tính những tổ chức đứng sau vụ việc. Hãng Global Trailer Rentals (GTR - trụ sở ở Dublin, CH Ireland) xác nhận là chủ sở hữu container và nói đã cho một bên khác thuê từ ngày 15.10 với giá 275 euro/tuần (7 triệu đồng), theo Đài RTE. GTR đã cung cấp tên công ty thuê cho cảnh sát Anh nhưng lực lượng này chưa công bố.

[VIDEO] Vụ 39 thi thể trong xe tải tại Anh: bắt thêm 3 nghi can


Tờ Mirror loan tin những người thiệt mạng có thể là con mồi của một nhóm chuyên đưa người Trung Quốc nhập cư lậu vào châu Âu tên là Snakehead (Đầu rắn). Nhóm này chuyên tìm mục tiêu ở khu vực tỉnh Phúc Kiến, phía đông Trung Quốc, dụ dỗ rằng sau khi đến Anh sẽ có việc làm ổn định và được hưởng phúc lợi. Giá cho mỗi hành trình này là 30.000 bảng Anh (khoảng 890 triệu đồng). Theo đó, người nhập cư sẽ bay đến một nước châu Âu, sau đó bị nhồi nhét vào các thùng xe tối tăm để được chuyển đến Anh.
Tháng 6.2000, hải quan Anh phát hiện 58 thi thể trong một xe tải đông lạnh ở cảng Dover, miền đông nam nước này. Theo AFP, toàn bộ nạn nhân là người nhập cư Trung Quốc, được đưa đến từ cảng Zeebrugge. Cầm đầu đường dây là Gursel Ozcan (quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ) bị tòa án Hà Lan kết án hơn 10 năm tù trong khi tài xế Perry Wacker (quốc tịch Hà Lan) nhận 14 năm tù vì tội ngộ sát và đồng lõa đưa người nhập cư lậu. Ông Wacker bị cáo buộc đã tắt chiếc quạt thông gió duy nhất trong thùng xe khiến các nạn nhân bị ngạt thở.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, hơn 25.000 người thiệt mạng trên đường di cư từ khi cuộc khủng hoảng di dân bùng nổ năm 2014. Phần lớn nạn nhân nằm lại dưới đáy biển hoặc chết trong thùng xe tải như vụ ở Anh. Bà Sulaiha Ali thuộc Hãng tư vấn pháp lý Duncan Lewis (trụ sở Anh) cho biết nhiều người Trung Quốc mà bà từng đại diện là nạn nhân của nạn đưa lậu người, và những người này buộc phải sang Anh để kiếm tiền trả những món nợ cờ bạc mà nếu ở lại Trung Quốc họ không thể nào trả hết, theo tờ The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.