Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố lệnh trừng phạt 4 tập đoàn Trung Quốc với lý do liên quan quân đội Trung Quốc.
Danh sách đen của Lầu Năm Góc
Danh sách 4 công ty bị trừng phạt đợt này bao gồm: Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), Tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn quốc tế (SMIC), Công ty công nghệ xây dựng Trung Quốc (CCTC) và Công ty tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc (CIECC).
Theo đó, các công ty nằm trong danh sách đen này không được tiếp cận nguồn vốn đầu tư của Mỹ. Điều đó có thể khiến giới đầu tư rút vốn và giá cổ phiếu của các công này giảm mạnh. Đến nay, đã có 35 công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Trả lời Thanh Niên ngày 9.12, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét: “Việc Tổng thống Donald Trump trừng phạt CNOOC là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ làm tăng thêm khả năng Washington sẽ tiếp tục mạnh tay để leo thang áp lực đối với Bắc Kinh. Tình trạng căng thẳng ở mức cao có thể khiến ông Joe Biden khi trở thành Tổng thống Mỹ, thì khó thay đổi đường hướng cơ bản trong chính sách với Trung Quốc”.
“Bên cạnh đó, việc trừng phạt một doanh nghiệp nhà nước về năng lượng, đồng thời trừng phạt một công ty chuyên sản xuất thiết bị bán dẫn như SMIC cho thấy Washington đang muốn Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn trong việc theo đuổi chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2025”, PGS Nagy nhận định.
Các biện pháp mạnh
Nằm trong danh sách đen, CNOOC là đơn vị sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Chính vì thế, giới quan sát nhận định việc CNOOC bị trừng phạt là một trong các biện pháp của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Gần đây, Nhà Trắng không ngần ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Cuối tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ công bố cấm vận 24 công ty nhà nước của Trung Quốc liên quan các hoạt động xây dựng trái phép hạ tầng ở một số thực thể trên Biển Đông. Cũng vào cuối tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.
“Vũ khí khủng”
Từ thực tế trên, Mỹ có thể tiếp tục trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông trong thời gian tới. Trong khi đó, các nghị sĩ cùng thuộc đảng Cộng hòa với Tổng thống Trump đang bảo trợ dự luật trừng phạt Trung Quốc về Biển Đông. Cụ thể là dự luật “Đạo luật trừng phạt liên quan Biển Đông và biển Hoa Đông” có mã S.1634 được bảo trợ bởi nghị sĩ Marco Rubio tại Thượng viện, và H.R.3508 được bảo trợ bởi nghị sĩ Mike Gallagher tại Hạ viện.
Dự luật trên đưa ra các phương án trừng phạt cụ thể. Theo đó, sau 60 ngày kể từ khi dự luật được ký thành luật, chính quyền Mỹ sẽ lên danh sách các cá nhân người Trung Quốc có đóng góp vào các dự án xây dựng đảo nhân tạo, trạm cơ sở mạng lưới thông tin di động, cơ sở cung cấp điện và nhiên liệu lẫn cơ sở hạ tầng dân sự ở Biển Đông đang bị tranh chấp.
Danh sách sẽ bao gồm cả những cá nhân người Trung Quốc liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp trong các hành động đe dọa đến hòa bình, ổn định của Biển Đông tại những khu vực đang được kiểm soát bởi một thành viên trong ASEAN. Hành vi đe dọa hòa bình, ổn định được định nghĩa bao gồm cả việc sử dụng máy bay, tàu để áp đặt chủ quyền theo ý Trung Quốc.
Sau khi có danh sách các cá nhân vi phạm như trên, chính quyền Mỹ sẽ tiến hành biện pháp trừng phạt nhằm vào các đối tượng này. Nổi bật có biện pháp: Ngăn chặn hoặc cấm giao dịch các tài sản mà đối tượng sở hữu trực tiếp hoặc tài sản đem lại nguồn lợi cho đối tượng tại Mỹ; Không cấp thị thực vào Mỹ, nếu đang có thị thực thì bị hủy. Những người vi phạm còn có thể chịu nhiều hình thức trừng phạt khác liên quan tài chính.
Vì thế, nếu Tổng thống Trump cùng các chính trị gia đảng Cộng hòa vận động Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trên thì có thể xem là một đòn “tất tay” nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông trước khi đương kim chủ nhân Nhà Trắng kết thúc nhiệm kỳ.
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
Theo Hoàn Cầu thời báo, quân đội Trung Quốc gần đây tiến hành tập trận tình huống ở Biển Đông nhằm cải thiện khả năng chiến đấu. Bản tin không nêu thời gian, vị trí cụ thể nhưng cho biết đợt diễn tập có sự tham gia của các tàu hộ tống lớp Type 056A. Các tàu diễn tập phòng thủ tên lửa bằng cách phát hiện tên lửa, phóng pháo khói, pháo sáng và diễn tập bắn tàu mục tiêu giả định đang lao đến với tốc độ hơn 81 km/giờ.
Theo Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc gần đây điều nhóm tàu chiến lớp Type 056A đến Biển Đông, gồm các tàu Ân Thi, Vĩnh Châu và Quảng Nguyên, nhằm tham gia diễn tập với các chủ đề khác nhau về sức bền, hoạt động cường độ cao và tập trận tình huống.
Khánh An
|
Mỹ bất ngờ tặng thiết bị quốc phòng cho Philippines
Philippines nhận được món quà bất ngờ từ chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump: các trang thiết bị quốc phòng trị giá 29 triệu USD (670 tỉ đồng). Các trang thiết bị quốc phòng được bàn giao nhân chuyến thăm Philippines của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller ngày 8.12, theo Reuters. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana gọi đây là “biểu tượng của mối quan hệ đồng minh nồng ấm”.
Quân đội Philippines cho biết các thiết bị quốc phòng bao gồm những loại đạn dược dẫn đường chính xác nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Đây là động thái mới nhất trong số hàng loạt hỗ trợ mà Mỹ dành cho Philippines gần đây để đương đầu với sự lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, Mỹ tặng cho Philippines các loại vũ khí dẫn đường chính xác trị giá 18 triệu USD; hệ thống máy bay không người lái ScanEagle; và 23,4 triệu USD tiền viện trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng vì cơn bão gần đây.
Phúc Duy
|
Bình luận (0)