WHO cảnh báo một ‘sát thủ’ khác trong đại dịch Covid-19

Khánh An
Khánh An
17/05/2021 11:23 GMT+7

Ước tính hàng trăm ngàn người tử vong hằng năm vì đột quỵ và bệnh tim liên quan đến làm việc kéo dài, trong khi Tổ chức y tế thế giới ( WHO ) khuyến nghị rằng giới hạn số giờ làm việc sẽ giúp tăng năng suất.

Hãng Reuters ngày 17.5 dẫn nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy làm việc quá nhiều giờ đang giết chết hàng trăm ngàn người hằng năm, với xu hướng ngày càng tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19.
Trong nghiên cứu đầu tiên về nguy cơ tử vong liên quan đến làm việc nhiều giờ, các chuyên gia cho biết có đến 745.000 người tử vong vì đột quỵ và bệnh tim liên quan làm việc nhiều giờ trong năm 2016, tăng gần 30% so với năm 2000.

WHO cảnh báo làm việc nhiều giờ liên tục dễ gây 'chết người'

“Làm việc từ 55 giờ/tuần trở lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”, theo bà Maria Neira, giám đốc bộ phận môi trường, biến đổi khí hậu và sức khỏe của WHO.
Bà Neira nhấn mạnh rằng thông tin trên thể hiện nhu cầu hành động nhiều hơn để bảo vệ người lao động.
Nghiên cứu do WHO thực hiện chung với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy phần lớn các nạn nhân (72%) là nam giới và từ tuổi trung niên trở lên. Phần lớn số ca tử vong là độ tuổi 60-79, và những người này đã làm trên 55 giờ/tuần trong độ tuổi từ 45-74.
Các chuyên gia nhận thấy rằng lao động bị ảnh hưởng nhất là tại Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương - khu vực bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Úc theo phân chia của WHO.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của 194 nước cho thấy làm việc từ 55 giờ/tuần trở lên làm tăng 35% nguy cơ đột quỵ và 17% nguy cơ tử vong liên quan bệnh tim, so với những người chỉ làm việc 35-40 giờ/tuần.
Nghiên cứu dựa trên giai đoạn 2000-2016 nên không bao gồm đại dịch Covid-19, nhưng các quan chức WHO cho biết nguy cơ tử vong do làm việc nhiều giờ đã gia tăng cùng với xu hướng làm việc từ xa và suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch.
Theo WHO, đại dịch làm tăng tốc xu hướng gia tăng giờ làm việc, với ước tính ít nhất 9% làm việc nhiều giờ.
Ngay cả những người tại WHO, trong đó có Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết họ làm việc nhiều giờ hơn trong đại dịch và bà Neira cho biết tổ chức này sẽ tìm cách cải thiện chính sách sau kết quả của nghiên cứu trên.
Theo chuyên gia Frank Pega tại WHO, việc đặt giới hạn số giờ làm việc tối đa cũng đem lại lợi ích cho giới chủ sử dụng lao động vì giúp gia tăng năng suất. “Lựa chọn thông minh là không tăng giờ làm việc kéo dài trong khủng hoảng kinh tế”, theo ông Pega.

Biến chứng "nấm đen" gây thêm tai họa cho Ấn Độ giữa dịch Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.