Xung đột thương mại Mỹ - Trung khó hạ nhiệt

Văn Khoa
Văn Khoa
25/11/2018 08:30 GMT+7

Trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều nhà phân tích dự đoán cuộc xung đột thương mại hai nước có thể kéo sang năm 2019.

Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao G20 diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina từ ngày 30.11 - 1.12. Nhiều bên trông chờ lãnh đạo Trung - Mỹ tìm cách hạ nhiệt cuộc xung đột thương mại song phương đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Hôm 22.11, Tổng thống Trump nói hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc khi gặp Chủ tịch Tập. “Trung Quốc muốn đạt một thỏa thuận và nếu chúng tôi có thể tạo ra một thỏa thuận, chúng tôi sẽ làm”, theo Bloomberg dẫn lời ông Trump.
[VIDEO] Trung Quốc kêu gọi Mỹ đàm phán thương mại công bằng
Đến ngày 23.11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu cho hay Bắc Kinh “hy vọng cuộc gặp sắp tới giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Trump sẽ diễn ra suôn sẻ”. Tương tự, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cùng ngày cho biết Trung Quốc mong đạt được sự thỏa hiệp với Mỹ để giải quyết các vấn đề thương mại.
Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh, hai bên tiếp tục cáo buộc qua lại. Hồi đầu tuần, Washington cho rằng Bắc Kinh đã không thay đổi các hoạt động thương mại “thiếu công bằng”, theo Reuters. Cáo buộc nằm trong báo cáo cập nhật của đại diện thương mại Mỹ về cuộc điều tra đối với vấn đề sở hữu trí tuệ và chính sách chuyển giao công nghệ của Trung Quốc.
Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố: “Phía Mỹ đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và Trung Quốc hoàn toàn không thể chấp nhận”. Ngoài cáo buộc mới, viện dẫn quan ngại về an ninh, chính quyền Mỹ cũng vừa đề nghị tăng cường kiểm soát ở 14 lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có trí tuệ nhân tạo, động thái được giới phân tích cho là nhắm trực tiếp vào Trung Quốc. Ông Cao cho hay Bắc Kinh đang xem xét tác động tiềm tàng từ đề nghị này và sẽ có các bước đi cần thiết.
Với những diễn biến trên, một số nhà phân tích cho rằng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập khó đạt được đột phá và xung đột thương mại song phương sẽ tiếp tục kéo sang năm 2019. Theo dự đoán, kết quả khả dĩ nhất là hai nhà lãnh đạo đồng ý “đình chiến” để Mỹ không thực hiện kế hoạch tăng thuế suất từ 10% hiện nay lên 25% vào tháng 1.2019 đối với khối hàng hóa trị giá 200 tỉ USD từ Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Michael Taylor, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's, mới đây nhận định với tờ South China Morning Post: “Căng thẳng thương mại sẽ nghiêm trọng hơn. Thuế suất 25% (áp lên hàng hóa Trung Quốc - NV) sẽ được áp dụng”. Ông Taylor cho rằng chính sách thuế của Mỹ áp đặt sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm tới, đồng thời xung đột thương mại làm Bắc Kinh khó nhiều bề trong thế vừa phải tiếp tục cải cách vừa phải duy trì ổn định kinh tế. Ông Taylor còn đánh giá căng thẳng Mỹ - Trung sẽ rất khó giải quyết.
Tờ South China Morning Post dẫn các dữ liệu mới cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) dự đoán nếu cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ còn ở mức 5,5% trong năm tới, giảm từ mức 6,5% của năm nay.
Cơ hội cho Đông Nam Á
Cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang buộc nhiều công ty toàn cầu xem xét lại hoạt động sản xuất, chế tạo của họ tại Trung Quốc. Ông Satish Shankar tại Công ty tư vấn Bain & Co (Mỹ) nhận định với kênh CNBC đây sẽ là cơ hội cho các nước Đông Nam Á. Theo ông, cuộc xung đột có thể tác động tiêu cực đối với Đông Nam Á trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài khu vực này sẽ là nơi thu hút những công ty muốn chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Nhà phân tích cũng dự đoán nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có hạ nhiệt, các công ty vẫn sẽ chuyển một phần dây chuyền của họ sang Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.