Hôm 10.4, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), công bố sự kiện chính thức hóa quan hệ đối tác mới với Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để đồng thiết kế và thi công một phòng trưng bày về những nỗ lực chung của hai nước trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tiến sĩ Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng, và Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam Aler Grubbs đã cùng ký vào bản ghi nhớ về quan hệ đối tác mới.
Lan tỏa câu chuyện về nỗ lực hòa giải
Năm 2021, USAID và Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) thống nhất thông qua một bản ghi nhận ý định về triển khai các hoạt động truyền thông chung để nâng cao nhận chức về quan hệ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Phòng trưng bày tại bảo tàng sẽ là kết quả đầu tiên trong khuôn khổ bản ghi nhận ý định và góp phần chia sẻ câu chuyện về những nỗ lực hòa giải sau chiến tranh mà công chúng còn chưa biết đến nhiều.
Hoạt động hợp tác này sẽ giúp bảo tàng xây dựng một không gian trưng bày hiện đại bậc nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về những tính năng tiếp cận thuận tiện cho khách tham quan, đồng thời tuân thủ quy tắc đạo đức quốc tế trong lĩnh vực bảo tàng. Phòng trưng bày mới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực hợp tác chính: khắc phục hậu quả bom mìn, xử lý môi trường và hỗ trợ người khuyết tật.
USAID và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh dự định khai mạc phòng trưng bày vào năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, 50 năm ngày chiến tranh kết thúc và ngày thành lập Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
Tiếp nối nỗ lực của các thượng nghị sĩ “thân” Việt Nam
Sự kiện được tổ chức tại bảo tàng trước sự chứng kiến của đoàn đại biểu quốc hội Mỹ do thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu và Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns.
Cùng tham dự lễ ký hôm nay còn có các nghị sĩ Mỹ: thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, hạ nghị sĩ Lloyd Doggett, hạ nghị sĩ Pramila Jayapal, hạ nghị sĩ Ilhan Omar.
Phát biểu tại sự kiện, thượng nghị sĩ Merkley nhấn mạnh sứ mệnh của đoàn đại biểu quốc hội Mỹ là tiếp nối nỗ lực, thành tựu cũng như di sản của các thế hệ thượng nghị sĩ đi trước, đó là các ông John McCain, John Kerry, và có lẽ nổi bật nhất là thượng nghị sĩ Patrick Leahy. Đây là những vị thượng nghị sĩ ủng hộ hàn gắn và phát triển mối quan hệ với Việt Nam.
Theo ông Merkley, một trong những sứ mệnh đặc biệt nhất trong nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ Leahy chính là khắc phục hậu quả chiến tranh. “Ông từng nói rằng không thể biện minh cho chiến tranh dù bất cứ lý do gì, vì những sự tàn phá cũng như nỗi đau mà chiến tranh đã mang lại. Thế nhưng, chúng ta có thể quyết định tương lai muốn gì, và sự kiện ngày hôm nay là một phần của nỗ lực xây dựng cho tương lai tốt đẹp ở phía trước”, thượng nghị sĩ Mỹ cho biết.
Trong thời gian ở Hà Nội, đoàn đại biểu lưỡng viện Mỹ đã được tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, và được Thủ tướng chia sẻ rằng trong những thách thức mà hai bên đối mặt, luôn có sự lựa chọn giữa đối đầu và hòa giải. Và Mỹ lẫn Việt Nam đều chọn cách hòa giải và thương lượng. “Giữa hòa bình và chiến tranh, chúng ta chọn hòa bình”, thượng nghị sĩ Merkley nhắc lại lời Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông Merkley cho rằng bản ghi nhớ vừa được ký sẽ là một bước đi tiếp theo trên chặng đường vun đắp mong ước hòa bình.
Theo thượng nghị sĩ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là nơi nêu bật những nỗi đau mà chiến tranh đã để lại. Và bây giờ bảo tàng sẽ tiếp tục là nơi chứng kiến và trưng bày những hoạt động hợp tác chung giữa hai quốc gia trong việc vượt qua và hàn gắn hậu quả chiến tranh.
“Thượng nghị sĩ Leahy từng nói với chúng tôi rằng mỗi người trong số chúng ta nên tự hào vì những gì mà chúng ta đã làm vì sự hợp tác của hai quốc gia, để hàn gắn nỗi đau của chiến tranh, và những gì mà chúng ta đã cam kết nhằm để lại di sản tốt đẹp hơn cho thế hệ sau, một di sản hòa bình, một di sản của cơ hội và của tình hữu nghị”, ông Merkley nói.
Đại diện cho đoàn đại biểu quốc hội Mỹ, ông cam kết sẽ vận động và nỗ lực hơn nữa cho những chương trình hợp tác chung giữa Việt Nam và Mỹ, chẳng hạn như chương trình hỗ trợ người khuyết tật, cụ thể là trẻ em khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến; hoạt động rà phá, loại bỏ bom mìn; xử lý ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng; tiếp tục dự án phân tích ADN để xác định danh tính của các hài cốt liệt sĩ.
Trước đó trong ngày, đoàn đại biểu quốc hội Mỹ cũng có chuyến thăm sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), chứng kiến sự khởi công giai đoạn chính của dự án xử lý ô nhiễm dioxin. Đoàn cũng đến thăm khu công viên hòa bình, được xây dựng bên trên vùng đất được xử lý sạch dioxin và trao trả cho Chính phủ Việt Nam.
Tại công viên, đoàn có cơ hội đến xem băng ghế ghi nhận công lao của thượng nghị sĩ Leahy. Một câu nói nổi tiếng của ông cũng được ghi lại ở đây: “Chúng ta không thể thay đổi lịch sử, nhưng cùng nhau chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.
Thượng nghị sĩ Merkley kể lại: “Ngồi trên băng ghế đó, nhìn xuyên qua công viên, chúng ta có thể thấy hai chiếc máy bay quân sự từng thuộc về hai phe khác nhau của chiến tranh. Không như việc đối đầu trong thời gian chiến tranh, hai chiến đấu cơ giờ đây được đặt cạnh nhau, và chuyển tải thông điệp rằng hai nước cùng hướng đến mục tiêu hòa bình, tình hữu nghị”, ông kết luận.
Với gần một triệu du khách trong nước và quốc tế mỗi năm, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP.HCM là bảo tàng thu hút nhiều khách tham quan nhất ở Việt Nam. Theo báo cáo tổng hợp từ trang TripAdvisor và Google Reviews, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh xếp hạng 61 trong danh sách 99 điểm đến hấp dẫn du khách nhất thế giới và là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.
Bình luận (0)