The Platform (tựa Việt: Hố sâu đói khát, phát trên kênh Netflix) xoay quanh nhân vật chính Goreng (Ivan Massague). Anh tự nguyện sống trong một nhà tù gọi là "Cái hố" có 333 tầng trong vòng 6 tháng nhằm lấy chứng chỉ mong muốn. Hằng ngày, một bàn tiệc lớn được hạ từ tầng 1 xuống dần các tầng tiếp theo, người ở tầng dưới ăn đồ thừa của người tầng trên. Sau một tháng, các phạm nhân được hoán đổi vị trí ngẫu nhiên cho nhau. Nếu không may mắn bị chuyển xuống tầng quá 50, họ sẽ không còn bất cứ thứ gì để ăn. Để sinh tồn, họ thậm chí phải chém giết, ăn thịt người bạn cùng phòng.
Về lý thuyết, chỗ thức ăn được hạ xuống có đủ cho tất cả nếu như mỗi người lấy vừa đủ phần của mình. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra khi mọi người đều muốn vơ vét, tận hưởng nếu có thể. Người ở tầng trên chỉ nghĩ cho bản thân mình và không quan tâm nếu người ở tầng dưới có chết đói hay lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
|
Khi cái đói bộc lộ rõ lòng tham của con người
The Plartform sở hữu cốt truyện khá độc đáo, mang đến sự tò mò cho người xem ngay từ giây phút đầu tiên, khi nhân vật chính Goreng tỉnh dậy giữa một nhà tù đáng sợ. Từ một người tri thức yêu sách, anh dần cảm thấy sợ hãi cuộc sống nơi đây khi phải ăn thức ăn thừa mỗi ngày của những người phía trên, đồng thời biết được quá khứ đáng sợ của người bạn cùng phòng.
Tác phẩm tràn ngập những hình ảnh ẩn dụ. Chiếc bàn ăn tựa như hiện thực xã hội không có công bằng. Lòng tham và dục vọng khiến con người ta trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Sự đoàn kết mang tính tự phát theo như ý nghĩa xây dựng của "Cái hố" sẽ chẳng bao giờ tồn tại, khi ở đó khoảng cách giữa tầng cao nhất và tầng thấp nhất vẫn xa vời vợi.
|
Nhìn nhận theo một cách khách quan, việc những người ở tầng trên chỉ biết sống hưởng thụ cho riêng mình phần nào đó cũng là để đòi lại công bằng cho chính họ. Có thể tháng trước, họ là những người phải chịu đựng khổ sở vì nhịn đói triền miên ở tầng thấp, hoặc ngay tháng sau, họ có khả năng sẽ bỏ mạng tại đây.
“Ăn hoặc bị ăn”, đó là những gì Trimagasi (Zorion Eguileor đóng), người bạn cùng phòng nói với Goreng lúc này vẫn còn đang bối rối trước những hành động vơ vét bẩn thỉu. Câu nói này cũng đúng với quan niệm của nhiều người trong xã hội bon chen ngoài kia: hoặc tiến lên, hoặc bị chà đạp.
The Platform khơi gợi những cảm xúc bên trong mỗi con người thông qua hình ảnh đối lập giữa mâm tiệc được chế biến bởi những đầu bếp chuyên nghiệp với những bàn tay vồ vập ngấu nghiến vì cái no bụng trước mắt, giữa nghệ thuật ẩm thực tinh tế với khung cảnh tăm tối đầy bản năng và chết chóc,…
Những cú twist bất ngờ và cái kết ẩn dụ
Tác phẩm xây dựng nhiều khúc cua, bẻ ngoặt bất ngờ khiến khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khi rơi xuống tầng 202, đã có lúc tưởng chừng như Goreng sẽ bị phần con làm lu mờ lương tri, sẵn sàng ăn thịt người bạn cùng phòng lúc này đã chủ động treo cổ tự tử. Nhưng không, anh vẫn cố gắng nhịn đói từng ngày, có khi là ăn cuốn sách Don Quixote mình yêu thích để cầm cự. Hoặc khi khán giả liên tưởng đến sự tha hóa, biến chất trong con người Goreng vì bị chuyện tù tùng giày vò, anh lại đưa ra quyết định táo bạo: vận chuyển thức ăn đến cho những người tầng dưới, lập lại trật tự của "Cái hố".
Nhiều cảnh trong mơ, hồi tưởng xen kẽ của nam chính cũng góp phần tạo ra bầu không khí căng thẳng, hồi hộp cho tác phẩm. Các nhân vật mới được giới thiệu theo nhiều hướng, đầy bất ngờ, lấp lửng giữa thiện và ác, giữa nhân tính còn sót lại và bản năng hoang dã vì sinh tồn.
|
Phần kết của The Platform khiến nhiều khán giả có phần khó hiểu vì nó nhập nhằng giữa hiện thực và giấc mơ. Theo đạo diễn Galder Gaztelu-Urrutia giải thích, với ông, Goreng đã chết trước khi anh ta đến tầng cuối và những gì diễn ra chỉ là mong muốn về những gì anh ta cảm thấy phải được làm.
Đứa bé trong cái kết là biểu tượng của niềm hy vọng, của ánh sáng thiện lương dù le lói nhưng mang đến những điều tích cực, lạc quan giữa nơi ngục tù tăm tối. Sự ngây thơ, non nớt của đứa bé chính là lời khẳng định: giữa nơi đầy tội ác, sự đê tịện, bẩn thỉu tồn tại thì vẫn còn đó một sinh linh không hề bị vấy bẩn. Trẻ em chính là tương lai, là điều giá trị nhất cần được bảo vệ. Và giá như, mỗi con người đều giữ cho mình tâm hồn thuần khiết như trẻ thơ, thì cuộc đời này đã không có nhiều bất công, oan trái, sự phân hóa giữa giàu và nghèo, giữa tầng trên và tầng dưới đã không rõ rệt như thế.
The Platform chính là hồi chuông thức tỉnh thái độ con người trong xã hội khi đứng trước thảm họa. Điều quan trọng nhất để vượt qua nghịch cảnh chính là mọi người cùng nhau đoàn kết, yêu thương, san sẻ, chứ không phải lối sống vị kỷ, đặt cá nhân lên trên lợi ích chung của tập thể. Nhẫn nhịn một chút, cho đi một chút, xã hội sẽ càng được nhân rộng hơn sự tốt đẹp và công bình.
Bình luận (0)