Olympic

Thể thao Đông Nam Á và câu chuyện đầu tư

10/08/2024 13:32 GMT+7

Vài ngày trước khi Olympic Paris khép lại, thể thao Đông Nam Á đã bất ngờ khởi sắc với các VĐV Indonesia và Thái Lan liên tiếp đoạt HCV. Như vậy, ít nhất các nước Đông Nam Á đã có 5 HCV tại Thế vận hội kỳ này. Nhưng rất buồn là không có VN, thậm chí chúng ta còn không có bất kỳ 1 huy chương nào.

LEO NÚI THỂ THAO: MỚI NHƯNG KHÔNG MỚI

Hẳn nhiên đây là môn thể thao mới của Olympic, khi xuất hiện lần đầu tiên ở đấu trường này mới cách đây 3 năm (Tokyo 2020). Nhưng đối với Indonesia, đây không phải là môn chơi quá mới. Họ đã chuẩn bị rất công phu và gặt hái nhiều thành tích cao ở các giải đấu lớn ngoài Olympic. Có cả kỷ lục thế giới cho Indonesia trong môn này. Tại giải vô địch thế giới (2 năm/lần) gần đây nhất (2023), Rahmad Adi Mulyono đã đem về cho Indonesia chiếc HCV ở nội dung leo núi tốc độ nam. Đây cũng chính là nội dung mà Veddriq Leonardo (Indonesia) vừa đoạt HCV tại Olympic Paris 2024. Môn này (có 4 nội dung) vẫn chưa kết thúc.

Thật ra, Veddriq Leonardo không phải là niềm hy vọng số 1 của Indonesia tại kỳ Olympic này. Anh thắng đối thủ trong trận chung kết là Wu Peng (Trung Quốc) với chênh lệch thời gian chỉ 2% giây. Rahmad Adi Mulyono (nam) và Desak Made Rita Kusuma Dewi (nữ) mới là hy vọng hàng đầu của Indonesia ở nội dung leo núi thể thao tốc độ, vốn là nội dung lần đầu tiên được tổ chức riêng rẽ ở Olympic

Philippines, Thái Lan bồi dưỡng tài năng thế nào để giành HCV Olympic?

Sau Olympic Tokyo 2020, giới chức thể thao Indonesia nhận ra rằng các VĐV châu Âu vẫn ưu việt hơn ở nội dung leo núi toàn năng. Indonesia tập trung phát triển nội dung leo núi tốc độ vì thể hình VĐV của họ phù hợp với các yêu cầu về tốc độ (cơ thể nhẹ) và sự nhanh nhẹn trong môn leo núi. HLV Hendra Basir nói với hãng tin AFP trước ngày Olympic khai mạc: "Chúng tôi thường than phiền về chiều cao như một yếu tố quan trọng khiến người Indonesia khó lòng tranh chấp huy chương ở Olympic. Vậy thì chúng tôi phải tập trung vào những môn thể thao phù hợp với người có chiều cao khiêm tốn và hoạt động khéo léo, như môn leo núi thể thao này".

Thể thao Đông Nam Á và câu chuyện đầu tư- Ảnh 1.

Võ sĩ taekwondo người Thái Lan Panipak Wongpattanakit (trái) đã giành HCV ở hạng cân 49 kg nữ và Veddriq Leonardo (Indonesia) đoạt HCV ở nội dung leo núi tốc độ nam

AFP - REUTERS

Giống như Mulyono bên nội dung nam, Desak của Indonesia cũng là ĐKVĐ thế giới ở nội dung nữ về leo núi tốc độ. Cô cùng đồng đội Rajiah Sallsabillah đều lọt vào danh sách 8 VĐV mạnh nhất ở nội dung leo núi tốc độ nữ tại Olympic Paris 2024. Rốt cuộc họ đều không thể tiến đi xa hơn. Nhưng tất cả cho thấy: chiếc HCV tốc độ nam của Veddriq không phải là điều nằm ngoài mong đợi của đội tuyển leo núi thể thao Indonesia. Họ rất mạnh và đã chuẩn bị kỹ ở môn này. Một là "tấn công" vào môn mới, mà bản đồ quyền lực vốn chưa mấy định hình. Hai là ngay cả trong môn mới này, Indonesia đã có định hướng riêng hợp lý (ưu tiên phát triển nội dung leo núi tốc độ).

THOÁT KHỎI GIỚI HẠN SỞ TRƯỜNG

Cho đến trước Paris 2024, Indonesia đã có 8 HCV Olympic, tính từ cột mốc lần đầu có HCV là tại Barcelona 1992. Bấy nhiêu không phải là ít (bình quân mỗi kỳ Olympic họ đều có một chức vô địch). Chỉ có điều toàn bộ số HCV Olympic trước đây của Indonesia đều đến từ môn sở trường là cầu lông. Năm nay lần đầu tiên Indonesia có HCV Olympic ngoài môn này. Đã vậy, họ còn giành đến 2 HCV. Ngoài Veddriq ở môn leo núi tốc độ, Indonesia còn có HCV của Rizki Juniansyah ở hạng cân 73 kg nam môn cử tạ.

Cạnh tranh chiếc HCV với Rizki là Weeraphon Wichuma (Thái Lan), người rốt cuộc giành HCB. Ở cả hai hạng cân nam đầu tiên của môn cử tạ thì VĐV Thái Lan đều đoạt HCB. Đây hẳn nhiên là môn sở trường của Thái Lan, cùng với quyền anh. Tuy nhiên, HCV đầu tiên của Thái Lan tại kỳ Olympic này lại thuộc về võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit ở hạng cân 49 kg nữ. Đây không phải là bất ngờ, bởi Panipak chính là ĐKVĐ Olympic ở hạng cân này. Ngoài ra, cô còn giành chức VĐQG, vô địch châu Á và ASIAD rất nhiều lần. Panipak hiện là võ sĩ taekwondo số 1 thế giới ở hạng cân của mình.

Thể thao Đông Nam Á và câu chuyện đầu tư- Ảnh 2.

Panipak (Thái Lan) trở thành VĐV Đông Nam Á đầu tiên bảo vệ được ngôi vô địch Olympic

Trước đó, Carlos Yulo (Philippines) đã xuất sắc giành 2 HCV thể dục dụng cụ - môn thể thao mà cho đến trước Paris 2024 chưa có một VĐV Đông Nam Á nào có được huy chương. Yulo cũng là nam VĐV Đông Nam Á đầu tiên có huy chương ở giải VĐTG trong môn thể dục dụng cụ. Vấn đề đặt ra: khu vực Đông Nam Á không nhất thiết cứ phải tập trung đầu tư vào môn thể thao sở trường của mình, cũng không phải né tránh các môn từng bị xem là "vùng cấm", mà VĐV chưa từng vươn đến vinh quang trước đây.

Thể thao Việt Nam đã bị Đông Nam Á bỏ xa thế nào ở Olympic Paris 2024?

Nên đầu tư như thế nào để có thành tích đỉnh cao ở phạm vi toàn cầu? Đấy là đề tài quen thuộc, luôn được giới thể thao Đông Nam Á tranh luận sau mỗi kỳ Olympic. Ngay lúc này chẳng hạn: báo chí Malaysia đang phân tích điều này khi họ nhìn vào các HCV của Thái Lan, Philippines và Indonesia (Malaysia hiện có 2 HCĐ tại Paris 2024). Kết luận: đầu tư môn gì không quan trọng bằng chất lượng đầu tư, sự chuẩn bị kỹ và cách chọn môn phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Đầu tư không "tới" thì chẳng những khó vươn lên đỉnh cao mà còn có thể mất luôn thế mạnh sở trường (như Malaysia trong môn khúc côn cầu).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.