THỐNG TRỊ MÔN JUDO
Nếu tính tổng số huy chương, Nhật Bản (13) vẫn kém Trung Quốc (14), Pháp (18) hay Mỹ (26). Tuy nhiên, đoàn thể thao Nhật Bản đang đứng chễm chệ trên ngôi đầu tính đến ngày thi đấu thứ 5, nhờ giành nhiều HCV nhất. Từng có những tranh cãi rằng thước đo phân định thứ hạng các đoàn thể thao mạnh nên là số HCV hay tổng số huy chương. Tuy nhiên, tất cả sân chơi ở cấp độ thế giới đến khu vực đều lựa chọn số HCV, như một thông điệp cứng rắn: đoàn thể thao mạnh nhất phải có nhiều nhà vô địch nhất.
Sau 4 ngày thi đấu, Nhật Bản đã giành tới 7 HCV, nhiều hơn Trung Quốc (6 HCV) và Mỹ (4 HCV). Dù Olympic còn tới 12 ngày, nhưng các VĐV xứ sở mặt trời mọc đang chen chân vào cuộc đua mà ở 4 trong 5 kỳ Olympic gần nhất vốn là chuyện riêng của Mỹ và Trung Quốc.
Trong 7 HCV Nhật Bản giành được, có gần nửa (3 HCV) đến từ môn quốc võ judo. Dù "nữ hoàng judo" Uta Abe bất ngờ thất bại ở vòng 2 hạng cân dưới 52 kg, nhưng Nhật Bản vẫn còn rất nhiều võ sĩ mạnh. Lần lượt Tsunoda Natsumi (hạng cân dưới 48 kg nữ), Hifumi Abe (hạng cân dưới 52 kg nam, cũng là anh trai của Uta Abe), và Nagase Takanori (hạng cân dưới 82 kg nam) đều thắng thuyết phục ở chung kết để mang về cho Nhật Bản 3 tấm HCV, bên cạnh 3 HCĐ từ các võ sĩ khác.
Sự thống trị của Nhật Bản ở môn judo không gây ngạc nhiên. Ở Olympic Tokyo, đoàn thể thao nước này đoạt tới 9 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, xếp nhất toàn đoàn, bỏ xa đội nhì là Pháp (2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ). Vô địch tới 9 trong số 20 nội dung judo ở Thế vận hội 3 năm trước, Nhật Bản cho thấy sức mạnh tuyệt đối ở môn quốc võ sẽ còn mang tới cho nước này thêm huy chương ở Olympic Paris.
NHẬT BẢN TIẾN XA TỚI ĐÂU
Tuy nhiên, Nhật Bản không chỉ phụ thuộc vào judo. Bên cạnh 3 HCV từ môn võ truyền thống, đại diện châu Á còn tới 4 HCV ở các môn skateboarding (trượt ván), đấu kiếm và thể dục dụng cụ (TDDC). Trong đó, màn lội ngược dòng đánh bại Trung Quốc ở nội dung đồng đội nam TDDC là một trong những bất ngờ lớn nhất, cho thấy Nhật Bản sẵn sàng gây sốc ở những môn không phải thế mạnh.
Song, ấn tượng nhất phải là môn trượt ván, khi Nhật Bản đã đoạt 2 HCV và 1 HCB. Ngay ở ngày thi đấu thứ hai, bộ đôi Coco Yoshizawa (15 tuổi) và Liz Akama (16 tuổi) đã lần lượt mang về 1 HCV và 1 HCB, ở độ tuổi trẻ đến khó tin. "Tính từ Olympic Tokyo đến nay, Nhật Bản đang thống trị thể thao đường phố. 3 năm trước ở Thế vận hội, Nhật Bản đã trình làng nhà vô địch trượt ván 13 tuổi (Momoji Nishiya). Cũng ở môn này, Kokona Hiraki (12 tuổi) đoạt HCB, trở thành nhà vô địch trẻ nhất lịch sử sau 85 năm ở Olympic", CNN phân tích.
"Trước đây, Nhật Bản thua kém Mỹ tới 10 - 15 năm về kỹ năng trượt ván", VĐV trượt ván tiên phong người Nhật Junnosuke Yonesaka nói với CNN, đồng thời cho biết: "Nhưng số lượng công viên trượt ván đã tăng nhanh chóng kể từ những năm 2000. Hiện nay có nhiều công viên có các khu vực tương tự cuộc thi chính thức, với đường dốc cao và tay vịn dài, tạo ra môi trường nơi người trượt ván có thể thường xuyên luyện tập các kỹ năng khó ngay từ khi còn nhỏ".
Với 410 VĐV dự Olympic Paris đều có đẳng cấp thế giới ở hầu hết các môn (kể cả bóng đá nam hay nữ), được huấn luyện bài bản, có sự kỷ luật, tâm lý vững vàng và thể chất đã cải thiện theo năm tháng, Nhật Bản còn tiến xa ở Olympic Paris.
Thể thao Đông Nam Á chưa có huy chương
Tính đến ngày thi đấu thứ 5, đã có 43 đoàn thể thao có huy chương ở Olympic, nhưng trong số này không có các đoàn thể thao Đông Nam Á. Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore vẫn đang chờ "quả ngọt" ở những nội dung thế mạnh. Trong khi với đoàn VN, hy vọng đặt vào cử tạ và bắn súng. Tại Olympic Tokyo cách đây 3 năm, Philippines là đoàn Đông Nam Á thành công nhất khi đứng hạng 50 (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ).
Bình luận (0)