Thể thao Việt Nam giải bài toán khó tầm châu lục

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
31/01/2023 09:52 GMT+7

Mục tiêu lọt vào tốp 3 SEA Games 32 nằm trong tầm tay của thể thao Việt Nam nhưng để đoạt những huy chương vàng ASIAD 19 là bài toán rất khó.

MẤT KHOẢNG 40 HCV NHƯNG VẪN TỐP 3 KHU VỰC

Hầu hết các đội tuyển thể thao thành tích cao đã trở lại guồng quay tập luyện với đích nhắm đầu tiên trong năm 2023 là SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tại Campuchia. Đó cũng được xem là màn rà soát lực lượng, chọn ra đội ngũ tinh nhuệ nhằm chuẩn bị cho ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào cuối tháng 9.

Bội thu huy chương vàng (HCV) và giành vị trí nhất toàn đoàn khi SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, nhưng chắc chắn số lượng huy chương của đoàn thể thao Việt Nam sẽ sụt giảm ở SEA Games 32. Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nói: "Ở Đại hội thể thao khu vực lần này, chúng ta không tham dự 13 môn vì không có lực lượng VĐV, đồng nghĩa với việc sẽ không có huy chương nào ở 13 môn này. Ngoài ra, nước chủ nhà Campuchia lại không tổ chức nhiều môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, trong đó có những môn Olympic mà ngành thể thao đang tập trung đầu tư như bắn súng, đua thuyền (rowing, canoeing). Theo tính toán, đoàn thể thao Việt Nam sẽ mất gần 40 HCV". Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực, thể thao Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm lực và chỉ tiêu đứng trong tốp 3 Đông Nam Á là nhiệm vụ khả thi.

Tuy nhiên với kỳ vọng của người hâm mộ, thể thao Việt Nam khi đã duy trì được vị thế hàng đầu khu vực thì đã đến lúc phải vươn tầm ra châu lục, thế giới. Đoạt nhiều HCV mỗi kỳ SEA Games nhưng khi ra đấu trường Á vận hội, thể thao Việt Nam vẫn chưa đột phá về thành tích. Ở kỳ ASIAD 18 năm 2018, VN vượt chỉ tiêu với 5 HCV nhưng vẫn xếp sau 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia (31 HCV), Thái Lan (11 HCV), Malaysia (7 HCV).

TỔNG CỤC TDTT CHUYỂN ĐỔI THÀNH CẤP THẤP HƠN

Bộ máy ngành thể thao trong tháng 2.2023 sẽ có sự chuyển đổi lớn khi Tổng cục TDTT sẽ trở thành Cục TDTT. Chưa rõ sự chuyển đổi này tác động thế nào đến sự phát triển của thể thao nước nhà, nhưng theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (tên gọi cũ của Tổng cục TDTT), nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam: "Chúng ta hy vọng sự vận hành của ngành thể thao sẽ không bị rơi vào tình trạng mất ổn định. Vì nếu không ổn định thì công tác định hướng, chính sách, sự đầu tư cho thể thao cũng ảnh hưởng". Trong bối cảnh này, thể thao Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều thử thách mà ASIAD là đấu trường lớn cần vượt qua.

Nhiều HLV nhận định ASIAD 19 tại Hàng Châu vào tháng 9.2023, sẽ rất khó khăn cho thể thao Việt Nam trong việc cạnh tranh HCV. Môn pencak silat, Việt Nam đoạt 2 HCV ở ASIAD 2018 nhưng không được đưa vào tranh tài ở Á vận hội năm nay. Ở môn điền kinh, Việt Nam tạo dấu ấn đặc biệt tại ASIAD 18 với 2 HCV của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Quách Thị Lan (400 m rào, cô đoạt HCB nhưng do đối thủ dùng doping nên được đôn lên). Nhưng khả năng bảo vệ thành tích này quá khó trong bối cảnh lực lượng hiện nay của điền kinh Việt Nam. Ở các môn thể thao khác như bắn súng, bơi, xe đạp, quyền Anh, cử tạ, cờ vua, cờ tướng…, các VĐV Việt Nam cũng nằm ở mức có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng HCV là một câu chuyện khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.