Thể thao Việt Nam khi nào hết trắng tay ở Olympic: Chiến lược đầu tư hời hợt

10/08/2024 00:00 GMT+7

Các chuyên gia giàu tâm huyết với thể thao nước nhà đã phân tích rất sâu sắc về những nguyên nhân khiến các VĐV của chúng ta trắng tay ở đấu trường Olympic.

TIỀN ÍT KHÔNG THỂ ĐÒI HỎI ĐỘT PHÁ

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, Trưởng bộ môn Bóng đá học đường - Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, thể thao VN đang thiếu hai mũi nhọn, đó là nguồn lực đầu tư và chiến lược phát triển mang tính khả thi. "Câu chuyện về kinh phí được đề cập đến rất nhiều nhưng chưa tìm ra cách giải quyết thấu đáo. Thể thao VN không thể cứ sống nhờ bao cấp nhà nước, chỉ xin ngân sách để phát triển. Khi nguồn tài chính eo hẹp mà yêu cầu phải có huy chương Olympic thì… ảo tưởng quá", ông Đoàn Minh Xương khẳng định.

8 tháng trước Olympic Paris, Cục TDTT đặt mục tiêu tạo ra bước đột phá thành tích tại Olympic và ASIAD ở giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, ngành thể thao ước tính cần nguồn kinh phí khoảng 5.800 - 6.150 tỉ đồng trong giai đoạn 6 năm, như vậy mỗi năm sẽ là 850 - 900 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này là quá ít so với những nền thể thao phát triển ở Đông Nam Á. Đơn cử, Thái Lan đầu tư tương đương không dưới 4.000 tỉ đồng/năm cho thể thao đỉnh cao và họ đã gặt hái được những thành tích tốt ở Olympic Paris, có cả HCV, HCB và HCĐ. Malaysia, Indonesia, Philippines cũng giành được những thành tích ấn tượng bởi được đầu tư lớn.

Philippines, Thái Lan bồi dưỡng tài năng thế nào để giành HCV Olympic?

Thể thao Việt Nam khi nào hết trắng tay ở Olympic: Chiến lược đầu tư hời hợt- Ảnh 1.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã sa sút thành tích tại Olympic 2024

AFP

"Chúng ta cần đặt ra câu hỏi: làm thế nào để kiếm tiền cho thể thao VN, hay nói đúng hơn là xã hội hóa thể thao một cách triệt để và thành công, thay vì thụ động xin ngân sách mỗi năm", ông Đoàn Minh Xương phân tích.

PHẢI TÁI CẤU TRÚC CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Vấn đề của thể thao VN ở Olympic không thuần túy là nguyên nhân thiếu tiền. Nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định: "Có nhiều nguyên nhân khiến thể thao VN chưa thành công ở Olympic, như cơ sở vật chất còn hạn chế, khoa học hay dinh dưỡng thể thao chưa sánh bằng những nước có nền thể thao mạnh. Song phải đề cập đến cả cách thức đầu tư. Làm thể thao, muốn thành công không phải cứ có tiền là được, mà cần thời gian để xây dựng nền tảng, chu kỳ thành công, làm thế nào để VĐV thích ứng và tiệm cận đến trình độ Olympic nữa".

Chiến lược đầu tư cho thể thao VN cũng là vấn đề cần được mổ xẻ. Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: "Thể thao ngày nay gắn liền với khoa học kỹ thuật, chẳng có gì là bí mật cả. Muốn có thành tích, cần tuyển chọn và đào tạo VĐV từ nhỏ, quan trọng nhất là giai đoạn 6 - 12 tuổi. Muốn vậy, VN cần phát triển mạnh thể thao học đường và thể thao quần chúng. Đây là bệ đỡ xây dựng nền tảng trình độ và đào tạo nhân tài cho thể thao đỉnh cao. Tuy nhiên bệ đỡ này của thể thao VN chưa mạnh. Nói không quá là ngành thể thao đang làm kiểu "đi tắt đón đầu", chỉ tập trung vào phần ngọn. Tức là nền tảng thể thao quần chúng còn yếu, cơ sở vật chất thiếu thốn, mà lại còn không có chiến lược dài hơi, chỉ đầu tư dàn trải để lấy huy chương SEA Games. Đấy là căn bệnh thành tích rất nguy hiểm".

CẦN CÓ CƠ CHẾ MỞ ĐỂ KIẾM THÊM TIỀN

Trao đổi với Thanh Niên ngày 9.8, ông Mai Bá Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: Chiến lược đầu tư cho các môn thể thao hiện nay như bắn súng, bắn cung, taekwondo, cử tạ, thể dục dụng cụ, cầu lông là phù hợp với thể trạng, tố chất người Việt. Các nước Đông Nam Á cũng đầu tư như VN, nhưng tại sao hiệu quả cao hơn thì chúng ta phải xem lại.

Thể thao Việt Nam khi nào hết trắng tay ở Olympic: Chiến lược đầu tư hời hợt- Ảnh 2.

Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh chưa thể giành huy chương Olympic

REUTERS

Về cơ sở vật chất, VN còn đi sau các nước Đông Nam Á rất nhiều. Như ở môn bắn súng, việc các VĐV tập "chay" vì thiếu đạn kéo dài từ năm này qua năm khác. Chỉ đến sát ngày lên đường các xạ thủ mới có đạn để tập luyện thì việc mơ một trường bắn hiện đại để phát huy thế mạnh của môn này là quá xa vời. Nên nhớ môn bắn súng từng mang về cho thể thao VN tấm HCV Olympic duy nhất từ trước đến nay do công của Hoàng Xuân Vinh. Ở Olympic Paris 2024, nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh cũng hụt huy chương một cách khá đáng tiếc. Nếu được đầu tư trọng điểm kéo dài theo chu kỳ 4 năm, trong điều kiện tốt nhất thì khả năng cạnh tranh của VN ở Olympic cũng tốt hơn.

Về cơ sở vật chất, vốn là nền tảng để phát triển thể thao phong trào lẫn đỉnh cao, ông Mai Bá Hùng cho biết VN có các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Bắc Ninh, nhưng vì vướng cơ chế, các trung tâm này chỉ đơn thuần làm chức năng huấn luyện. "Theo tôi, cần có cơ chế mở để các trung tâm huấn luyện nói trên đa dạng hóa các hoạt động, mang về nguồn thu. Nguồn thu này dùng để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở vật chất, từ đó phục vụ tốt hơn cho công tác đào tạo, huấn luyện. Đây là mô hình Singapore cùng nhiều nước làm tốt và chúng ta cần học hỏi", ông Hùng nói.

Thể thao Việt Nam đã bị Đông Nam Á bỏ xa thế nào ở Olympic Paris 2024?

Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước VN Đinh Việt Hùng cũng cho biết quá trình đào tạo một VĐV bơi VN có thể đoạt huy chương Olympic là cực khó. Cả Đông Nam Á cũng mới chỉ có Schooling (Singapore) từng đoạt HCV Olympic. Đội tuyển bơi VN tự hào có Nguyễn Huy Hoàng 2 lần đoạt vé chính thức dự Olympic, từng đoạt huy chương ASIAD, nhưng ở Olympic Paris đã sa sút thành tích. Điều đầu tiên có thể thấy là chúng ta cần phải tìm chuyên gia chất lượng cho đội tuyển bơi chứ các HLV nội chưa thể gánh vác trọng trách này. Chuyên gia chất lượng đi kèm với chi phí cao là điều phải chấp nhận, chứ nếu thuê chuyên gia làng nhàng cũng không giải quyết được vấn đề. Tiếp đến là việc đội tuyển bơi đi tập huấn nước ngoài là tốt nhưng cần đánh giá tính hiệu quả. "Khi đến Hungary tập huấn định kỳ như vừa qua, chúng ta nên có hợp đồng chất lượng thành tích với phía đối tác, có chuyên gia hỗ trợ riêng chứ không nên theo kiểu đi học ké mà không có sự đảm bảo nào", ông Đinh Việt Hùng chia sẻ. (còn tiếp) 

CẦN XÓA BỎ TƯ DUY NHIỆM KỲ

Tại Hội nghị phát triển thể thao VN diễn ra cuối năm 2023, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT), khẳng định thể thao VN cần lộ trình phát triển và quản lý chặt chẽ, thông suốt, tránh trường hợp các cấp lãnh đạo, quản lý chỉ cố gắng làm tốt trong nhiệm kỳ của mình, không để tâm đến người kế nhiệm, không có trách nhiệm khi đã rời chức vụ. Chuyên gia Đoàn Minh Xương đồng tình khi cho rằng nếu lãnh đạo ngành thể thao tư duy theo nhiệm kỳ, chỉ cố làm tốt trong thời gian mình tại vị… thì rất khó để VĐV cất cánh, bởi chu kỳ phát triển của thể thao cần tới 10 - 20 năm, không thể tư duy trong ngắn hạn. 

H.Nam

Thể thao Việt Nam khi nào hết trắng tay ở Olympic: Chiến lược đầu tư hời hợt- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.