Chờ đợi gì ở tân giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản ?

04/06/2020 09:29 GMT+7

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang khẩn trương xin giấy phép để tân Giám đốc kỹ thuật Yusuke Adachi sớm có mặt tại Việt Nam .

Chuyên gia Nhật Bản sinh năm 1961 từng thi đấu tại Đức và hành nghề HLV ở Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc cũng như giữ một số chức vụ quan trọng khác liên quan đến đào tạo trẻ.

Chờ có chuyến bay từ Tokyo

Quá trình đàm phán giữa VFF và ông Adachi đã khép lại thành công, hợp đồng đôi bên có thời hạn đến tháng 1.2023. Nếu không có gì thay đổi, lễ ra mắt Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) VFF sẽ tổ chức vào tháng 7 tại Hà Nội. Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục cần thiết để nhập cảnh cho ông Adachi. Vì đây vẫn là thời điểm mà cả thế giới phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên phía Việt Nam  phải được sự cho phép bằng văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và UBND TP.Hà Nội về những trường hợp chuyên gia nước ngoài thật sự cần thiết đến Việt Nam  làm việc. Ông Adachi là một trong những chuyên gia như thế. VFF phải làm tất cả các quy định bắt buộc về an toàn y tế của các cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng đang chờ và hy vọng sớm có chuyến bay từ Tokyo sang Việt Nam . Khi đến Việt Nam , ông Adachi cũng cần tuân thủ quy định cách ly 14 ngày”.

Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (phải) và ông Adachi

Ảnh: VFF

Bản lý lịch của ông Adachi khá đẹp, dài hơn 2 trang. Từ năm 1977 - 1980, ông Adachi khoác áo đội trẻ Yomiuri (hiện tại là CLB Tokyo Verdy). Tốt nghiệp Trường đại học Tamagawa (Nhật Bản), năm 1984, ông đi du học tại Đức với chuyên ngành thể thao và thi đấu cho đội Eintracht Koeln (Đức) trong vòng 4 năm. Trở về nước, ông Adachi bắt đầu làm HLV các đội trẻ tại một số trung tâm bóng đá của Nhật Bản như Shonan Bellmare, Fujita, Bellmare Hiratsuka. Từ năm 1998 - 2014, ông được mời dẫn dắt đội tuyển chọn Kanilawa, đội U.18 và U.21 Cerezo Osaka, đội Trung học toàn Nhật Bản, CLB Yokohama FC, đội U.13 Nagano Parceiro và trở thành HLV của trung tâm huấn luyện thuộc Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản.
Trên cương vị HLV trưởng đội tuyển, ông Adachi từng dẫn dắt đội U.23 Hồng Kông và đội tuyển Hồng Kông B năm 2018, làm HLV Học viện Bóng đá Hồng Kông năm 2016 - 2018, là người chịu trách nhiệm chính trong chương trình phát triển tài năng bóng đá Hồng Kông.
Ông Yusuke sở hữu chứng chỉ B của Liên đoàn Bóng đá Đức năm 1987, chứng chỉ B của Mỹ năm 1993, chứng chỉ S của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản năm 1999 (chứng chỉ chuyên nghiệp AFC - AFC Pro Diploma). Ông Adachi được Liên đoàn Bóng đá thế giới mời làm thành viên chủ chốt của nhóm phân tích chuyên môn các giải đấu lớn của thế giới như FIFA Confederations Cup, World Cup 2002, 2006. Ông làm giảng viên của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản ở các cấp độ từ chứng chỉ C, B, A và S (Pro) từ năm 2000 - 2018. Trong thời gian này, ông được giữ trọng trách HLV trưởng chương trình tài năng Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Sau đó trở thành Giám đốc thể thao AC Nagano Parceiro (Nhật Bản) từ năm 2016 - 2018. Một điều khá thú vị là ở quãng thời gian này, ông Adachi là cấp dưới của HLV đương nhiệm đội U.19 nữ Việt Nam  Ijiro Akira (chuyên gia Nhật Bản này từng làm Giám đốc Học viện Nagano Parceiro). Ông Adachi còn làm HLV CLB Baxy (Trung Quốc) năm 2019 - 2020 và là giảng viên tài năng (Elite) của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Ngoài tiếng mẹ đẻ, ông còn thành thạo tiếng Đức và Anh.
Chờ đợi gì ở tân giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản ?

Ông Adachi (trái) khi còn hợp tác với LĐBĐ Hồng Kông

Ảnh: AFC

VFF sẽ không để ông Adachi cô đơn

Giám đốc kỹ thuật phải là tổng công trình sư

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Bất kỳ làng bóng nào trên thế giới vai trò của GĐKT cũng hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến định hướng, vận hành của cả nền bóng đá. GĐKT giống như một kiến trúc sư trưởng, có trách nhiệm hoạch định chiến lược, công tác đào tạo, định hướng xây dựng, phát triển của một đội bóng, một nền bóng đá. Không những vậy ông ấy còn phải tư vấn, tham mưu cho VFF về các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia và U.23; Hỗ trợ VFF nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB; Hỗ trợ công tác đào tạo đội ngũ HLV về phát triển bóng đá trẻ nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm nguồn lực bóng đá, đáp ứng trình độ phát triển của bóng đá châu lục và tiếp cận bóng đá thế giới. Tôi cho rằng công việc của GĐKT người Nhật sắp tới sẽ rất nặng nề, có vai trò và trách nhiệm rõ ràng và sâu sát hơn chứ VFF không thể sử dụng giống với ông Rainer Wilfred hay ông Jurgen Gede”.
Còn Chủ tịch CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành nhận xét: “Trước đây VFF thường mong muốn ở GĐKT chính là phát triển bóng đá trẻ cũng như công tác đào tạo trẻ. Trong khi vai trò của vị chuyên gia này phải là xuyên suốt cả làng bóng, phải là một tổng công trình sư kiến trúc cho cả ngôi nhà bóng đá Việt Nam .
Chính vì vậy mới có hiện tượng ông Gede dù đứng tên suốt 4 năm qua nhưng lại chỉ đi xem các giải trẻ, không mang đầy đủ nhiệm vụ giúp đỡ hoạch định chiến lược như bản chất của nó. Tôi nghĩ GĐKT người Nhật Bản sắp tới việc đầu tiên là phải rà soát các trung tâm bóng đá trẻ có tiếng ở Việt Nam  để đưa ra một chương trình phát triển chung, cụ thể, thống nhất. Sài Gòn FC đang triển khai kế hoạch hợp tác với CLB Tokyo nên sẽ rất thuận lợi để định hướng theo chuyên gia bóng đá Nhật Bản. VFF cần có một mô hình chung, muốn vậy cần cải tổ, quy hoạch nền bóng đá một cách căn cơ, bài bản để dọn đường cho GĐKT làm việc. Khi bóng đá Việt Nam  vẫn còn mạnh nơi nào nơi đó làm, không có một con đường chung theo hướng chuyên nghiệp thì rất khó để GĐKT phát huy được tầm chiến lược nhằm phát triển một cách căn cơ, ổn định và vững bền”.
T.K (ghi)
Ông Adachi từng có mặt tại Việt Nam  năm 2015, 2017, 2018 với tư cách giảng viên khóa HLV chứng chỉ A, chứng chỉ C. Cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam kể lại: “Tôi được làm học trò của ông cách đây 5 năm và thầy Adachi gây ấn tượng mạnh mẽ cho chúng tôi bởi kiến thức bóng đá sâu rộng, đặc biệt am hiểu sâu sắc bóng đá trẻ. Năm đó, tôi đã trình bày bản thuyết trình với tựa đề “Một con đường riêng cho bóng đá Việt Nam ” để giới thiệu phần nào diện mạo của bóng đá Việt Nam .
Trong bản thuyết trình này, tôi đã đề cập đến công tác đào tạo trẻ ở Việt Nam  chưa có định hướng rõ rệt, không định hình lối chơi, phương pháp huấn luyện từ đội tuyển quốc gia cho đến các tuyến trẻ. Nhiều CLB sẵn sàng bỏ vài chục tỉ đồng để nuôi đội bóng tham gia V-League nhưng lại tiếc vài tỉ để đầu tư cho bóng đá trẻ. Các cầu thủ trẻ 1 năm chỉ được thi đấu 1 giải và có đội chỉ được thi đấu khoảng 3, 4 trận. Vậy thì họ sẽ phát triển như thế nào. Vì thế tôi hy vọng với kinh nghiệm dày dạn của mình, GĐKT Adachi sẽ thổi luồng gió mới vào việc đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam ”.

Ông Adachi tự tin sẽ ;làm tốt vai trò

Ông Adachi sẽ tiếp quản công việc mà ông Jurgen Gede để lại với những thành công và chưa thành công. Lời phát biểu mới đây của ông Gede có lẽ sẽ giúp người kế nhiệm ít nhiều: “Một vài điều tôi chưa làm được, nói vĩ mô thì chưa có một bức tranh tổng thể nào về nền bóng đá được hoàn thiện trong thời gian tôi ở Việt Nam . Nhưng bản thân tôi cũng đã cố hết sức, một cá nhân đơn lẻ đâu thể quyết định điều gì to tát. Nó thuộc về vấn đề cơ chế, muốn làm là một chuyện nhưng chưa có mô hình, quy chế để làm. Bao giờ có chức danh tương đương, nghĩa là người đồng cấp của tôi ở cấp CLB, việc của GĐKT ở VFF mới thuận lợi và dễ dàng hơn”. Một quan chức VFF khẳng định: “Chúng tôi cũng sẽ không để ông Adachi rơi vào cảnh cô đơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.