Ngày 30.6, Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Jurgen Gede sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để nhường chiếc ghế nóng cho ông Yusuke Adachi.
Mới đây trên một tờ báo, ông Jurgen Gede đã trút những lời ruột gan về quãng thời gian tại vị ở Việt Nam, nơi mà ông coi là định mệnh, là một chương "có muốn cũng không tránh được" trong cuộc đời của mình. Ông Gede tự nhận xét rằng cũng đã làm được một số việc có ích cho bóng đá VN và đổi lại VN cũng cho ông nhiều chiêm nghiệm về cuộc sống, giới thiệu cho ông những nét đẹp văn hóa. Thế nhưng trong những thứ làm ông cảm thấy phiền lòng, thậm chí bất lực xen lẫn thất vọng (khiến ông chưa thành công trọn vẹn trên cương vị GĐKT VFF), chính là mối quan hệ với HLV các CLB tại Việt Nam.
|
Hãy nghe ông Gede kể về một câu chuyện cụ thể: “Tôi từng đề xuất tổ chức một buổi hội thảo với các HLV khắp đất nước. Không có gì to tát, không phải là tôi lên lớp, còn họ là học trò ngồi nghe. Tôi biết mình là ai, hoàn cảnh vị thế ra sao. Và tôi vẫn luôn nói với lãnh đạo VFF rằng tôi muốn giúp, muốn hỗ trợ mọi người. Đó chỉ là một cuộc trò chuyện như những người đồng nghiệp, tôi kể lại các trải nghiệm và đúc kết của bản thân còn ứng dụng ra sao là tùy mỗi người. Hình như buổi đó tổ chức ở miền Nam.
Nhưng trong suốt lúc tôi nói, không mấy ai tương tác thảo luận lại. Thế đã đành, hơn nửa thành viên tham gia hội thảo còn chẳng thèm quan tâm tôi nói gì, cứ ngồi bấm điện thoại. Thử hỏi tôi làm thế nào nữa? Khi tôi tới địa phương trao đổi, không phải CLB nào cũng lĩnh hội được hết ý kiến của tôi. Nó thuộc về vấn đề cơ chế, muốn làm là một chuyện nhưng chưa có mô hình, quy chế để làm”.
Có thể hiểu phần nào tâm trạng của ông Gede khi phàn nàn về ý thức và sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều HLV tại Việt Nam. Đối với bóng đá Việt Nam, chức danh GĐKT đôi khi vẫn chỉ là một khái niệm mơ hồ. Thực tế ở nhiều CLB V-League trong suốt những năm qua, việc bổ nhiệm GĐKT như một hình thức lách luật, thay HLV trưởng điều binh khiển tướng, bố trí nhân sự ở các trận đấu, chứ hoàn toàn không phải là người định hướng, xây dựng lộ trình phát triển CLB trong một giai đoạn dài hạn. Với cách suy nghĩ như thế, nhiều người nhìn vào ông Gede đơn giản chỉ là một chuyên gia phát hiện cầu thủ trẻ hơn là một người đang đóng góp vào sự nâng tầm bóng đá VN.
|
Không nhận được sự hỗ trợ, không tạo được sự tương tác với các HLV - có thể xem như một "thất bại" ngoài mong muốn của ông Gede. Nhưng đây lại là thế mạnh của ông Yusuke Adachi - người gần như chắc chắn sẽ đảm đương vị trí GĐKT VFF trong nhiệm kỳ có thể kéo dài 5 năm.
Ông Adachi vốn dĩ có nhiều năm đứng trên giảng đường của các khóa học đào tạo HLV chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Việc đã quen tiếp xúc, truyền đạt, tương tác với các HLV sở hữu những cá tính khác nhau, trình độ khác nhau sẽ giúp cho ông Adachi có thể tạo ra một sự kết nối khăng khít, chặt chẽ với những HLV, những nhà làm bóng đá tại Việt Nam.
Có một điểm đáng chú ý là ngay cả khi ông Adachi chưa chính thức ngồi vào chiếc ghế GĐKT VFF một cách danh chính ngôn thuận thì rất nhiều HLV kỳ cựu hay cựu danh thủ như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Huỳnh Đức, Đặng Phương Nam (học trò cũ của ông Adachi ở các khóa học HLB bằng A, Pro) đã lên tiếng ủng hộ và đánh giá rất cao vị chuyên gia người Nhật Bản này. Đó có thể xem là một bước khởi đầu thuận lợi để giúp ông Adachi có uy quyền hơn và tiếng nói trọng lượng hơn khi tham gia vào công tác phát triển bóng đá từ cấp địa phương cho đến đội tuyển quốc gia Việt Nam trong tương lai gần.
Sắp chia tay ông Gede, bóng đá Việt Nam sẽ có một đối tác mới và hy vọng đối tác ấy sẽ tạo nên đột phá kỳ diệu!
Bình luận (0)