Mô hình CLB bóng đá Viettel: Kỳ vọng cho giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam

08/05/2020 08:20 GMT+7

Hơn 65 năm thành lập, hưởng trọn những hào quang của quá khứ lẫy lừng cũng như nếm trải không ít cay đắng sau bao lần lên xuống hạng, CLB Viettel vẫn luôn mang đậm sắc thái của đội bóng áo lính.

Đội bóng duy nhất mang tên doanh nghiệp

Tiền thân của CLB Viettel chính là đội Thể Công được thành lập năm 1954. “Cơn lốc đỏ” Thể Công đã sản sinh ra hàng loạt tên tuổi huyền thoại của làng bóng đá nội như Tý Bồ (Trần Văn Thành), Diệp Phú Nàm, Ngô Xuân Quýnh, Văn Sỹ Chi, Nguyễn Sỹ Hiển, Vũ Mạnh Hải, Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh)… Sau đó là các thế hệ kế tiếp: Nguyễn Cao Cường, Đỗ Văn Phúc, Quản Trọng Hùng, Trần Xuân Lý, Đinh Thế Nam, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Tiến Anh, Nguyễn Hải Biên, Đặng Phương Nam, Nguyễn Đức Thắng, Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Phạm Như Thuần, Thạch Bảo Khanh…
Năm 2004 đội bóng được Bộ Quốc phòng giao cho Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) quản lý với cái tên Thể Công - Viettel. Kể từ 2009, tên Viettel được chính thức đặt cho đội bóng. Sau nhiều thăng trầm, từ thay đổi tên đến thay đổi chủ sở hữu, lên hạng rồi xuống hạng, năm 2019 CLB này chính thức quay trở lại giải vô địch quốc gia sau 10 năm vắng bóng. Hiện tại, trong số các đội V-League chỉ duy nhất Viettel là đội bóng mang tên doanh nghiệp và không đại diện cho bất cứ địa phương nào. Có lẽ chính điều này cũng mang đến nhiều điều “lạ” ở CLB áo lính.

Đức Chiến, sản phẩm của lò đào tạo Viettel

Minh Tú

“Khác biệt hay là chết”

Đó chính là quan điểm nhằm đề cao tính sáng tạo trong mọi hoạt động của Tập đoàn Viettel, trong đó có bóng đá. Điểm khác biệt đầu tiên nằm ở công tác đào tạo trẻ. Ngay từ năm 2008, khi đội bóng mang tên Thể Công - Viettel thi đấu ở giải vô địch quốc gia, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đã được thành lập và tách ra khỏi các hoạt động của đội chuyên nghiệp. Bên cạnh 5 trung tâm vệ tinh ở khắp 3 miền, hằng năm Viettel còn tổ chức các ngày hội bóng đá cộng đồng và ngày hội tuyển sinh trên cả nước để thu hút cầu thủ ở mọi lứa tuổi. Ông Đỗ Mạnh Dũng, trung vệ thép lừng lẫy một thời của bóng đá Thể Công và đội tuyển quốc gia, hiện giữ chức Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel, chia sẻ: “Các cầu thủ phải trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao, bị sàng lọc, đào thải liên tục trong quá trình đào tạo. Ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào cho mỗi lứa tuổi, tỷ lệ một chọi hàng trăm. Chúng tôi coi việc đào tạo trẻ là nhiệm vụ sống còn và mong có ngày hái quả ngọt”.
Viettel cũng đóng góp nhiều nhân tố cho các tuyển trẻ Việt Nam như: đội U.19 Việt Nam tham gia vòng loại U.19 châu Á 2019 có tới 7 cái tên đến từ Viettel, đội U.18 tham gia giải vô địch Đông Nam Á năm 2019 cũng có 6 tuyển thủ khoác áo đội trẻ Viettel, đội U.17 tham gia giải Jenesys 2018 có 8 gương mặt của Viettel. Trong hành trình đến với tấm HCV của đội U.22+2 Việt Nam tại SEA Games 30, không thể không nhắc đến cống hiến của 2 cầu thủ xuất thân từ lò Viettel là Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Đức Chiến.

Bộ tham mưu của Viettel với HLV Trương Việt Hoàng và Giám đốc Trung tâm Viettel Đỗ Mạnh Dũng (phải)

Minh Tú

Theo chia sẻ từ lãnh đạo CLB Viettel, một số cổ động viên lâu năm của đội ban đầu có vẻ không hài lòng về cách bổ sung hàng loạt tuyển thủ quốc gia như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Vũ Minh Tuấn (mùa giải 2019) hay Hồ Khắc Ngọc, Trần Nguyên Mạnh (mùa giải 2020). Có người thắc mắc tại sao không dùng “gà nhà” như cách mà HAGL đã và đang làm. Khác biệt của những người làm bóng đá theo phong cách “Say it your way” (Nói theo cách của bạn) cũng chính là ở điểm này. Cái lý của đội bóng là Viettel chỉ mời về những cầu thủ thực sự cần thiết nhằm tăng chiều sâu đội hình và làm nhân tố dẫn dắt các lứa cầu thủ trẻ. Điều này giúp Viettel có được sự đa dạng về lối chơi cũng như tạo ra sự cạnh tranh ngay trong nội bộ để các cầu thủ trẻ chiến đấu máu lửa hơn nhằm giành được suất đá chính.

Kỷ luật là sức mạnh

Ở trận thua 0-2 trên sân nhà trước CLB Hà Nội tại V-League 2019, trung vệ đội trưởng tuyển quốc gia Quế Ngọc Hải, người có bản hợp đồng đắt giá chuyển từ SLNA về Viettel, có pha vào bóng nguy hiểm với Văn Kiên nên phải nhận thẻ vàng. Trái với thông tin của dư luận là Viettel sẽ lên tiếng bênh vực cầu thủ của mình, trước cả khi VFF đưa ra hình thức kỷ luật thì Viettel đã họp nội bộ và cảnh cáo bằng án treo giò đối với cầu thủ này ở ngay trận đấu kế tiếp. Lãnh đạo CLB Viettel khẳng định: “Những pha tranh chấp quyết liệt quá mức cần thiết, có thể gây tổn hại đến cầu thủ đối phương là điều không thể chấp nhận ở đội bóng này. CLB Viettel hướng tới xây dựng một phong cách bóng đá đẹp mắt, cống hiến và cao thượng. Bên cạnh đó, kỷ luật là sức mạnh của chúng tôi”.
Đối với hoạt động đào tạo trẻ ở lò đào tạo Viettel, tính kỷ luật, thậm chí khắc nghiệt lại càng được đề cao. Trung tâm thể thao Viettel đang huấn luyện cho hơn 180 cầu thủ đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước với các lứa tuổi từ U.11 - U.21. Với mục tiêu đào tạo được những cầu thủ toàn diện nhất, Học viện Bóng đá Viettel đã đưa ra một chế độ huấn luyện gắt gao như trong quân ngũ với lịch trình kín mít từ 5 - 21 giờ hằng ngày và học vấn cũng là một trong những tiêu chuẩn được trung tâm đặc biệt coi trọng.

Niềm vui của Viettel trong trận gặp HAGL

Minh Tú

Ông Hà Hữu Tám, Phó giám đốc Trung tâm thể thao Viettel, chia sẻ: “Các cầu thủ phải có học lực khá trở lên mới được phép ở lại. Chúng tôi có sự kết nối chặt chẽ với các thầy cô giáo tại trường học. Nếu cầu thủ nào học lực kém, đá bóng hay tới đâu cũng bị thải loại”. Đến năm 18 tuổi, các cầu thủ của Viettel buộc phải trải qua môi trường huấn luyện quân sự, thời gian khoảng 1 tháng. Họ được bố trí “đóng quân” tại những đơn vị vùng sâu vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất hạn hẹp và chỉ được cấp khoảng 10.000 - 15.000 đồng cho một bữa ăn, theo đúng tiêu chuẩn của quân đội. Các cầu thủ còn phải thực hiện đúng các quy định trong môi trường quân đội như: dọn vệ sinh, luyện tập điều lệnh đội ngũ hay tăng gia sản xuất. Cho đến hiện tại, dù đều chưa phải là quân nhân nhưng các cầu thủ Viettel phải sinh hoạt và chấp hành giống như chế độ của người lính.
Viettel phát triển bóng đá bằng hai hành động song song: Rèn giũa cầu thủ dựa trên nguyên tắc “kỷ luật là sức mạnh của quân đội” và đầu tư lớn về cơ sở vật chất hạ tầng. Các cầu thủ Viettel được tập luyện tại đại bản doanh độc lập, có cơ ngơi hoành tráng đóng tại Hòa Lạc (Hà Nội). Với khát khao nối tiếp truyền thống “cơn lốc đỏ” Thể Công, Viettel có lẽ là mô hình được đặt nhiều kỳ vọng cho giấc mơ World Cup trong một tương lai không xa của bóng đá Việt Nam.
“Ta về ta tắm ao ta”
Khi mới lên chơi ở V-League 2019, đầu mùa giải Viettel đã mời HLV người Hàn Quốc Lee Heung-sil (bạn của HLV Park Hang-seo) với mong muốn ông sẽ tạo ra những đột phá cho đội. Đây là HLV có “số má” ở giải K-League nhưng rất tiếc lại không thành công tại Việt Nam nên chỉ sau 6 tháng đồng hành cùng CLB Viettel, ông đã bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Đội dùng lại HLV nội (cựu cầu thủ Thể Công Nguyễn Hải Biên, người có công lớn giúp Viettel thăng hạng) và kết thúc mùa giải với vị trí thứ 6/14, thành tích tốt nhất trong số các đội lên hạng tại V-League trong vòng 5 năm gần đây. V-League 2020, Viettel chiêu mộ một cựu cầu thủ Thể Công khác là Trương Việt Hoàng (từng dẫn dắt CLB Hải Phòng mấy năm vừa qua). Mục tiêu của Viettel năm nay là cải thiện thứ hạng, nếu lọt vào top 3 hay top 5 càng tốt.
Nhật Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.