Đỗ Văn Minh: Đi lên nhờ 2 năm thất nghiệp

04/05/2020 07:20 GMT+7

Tiền vệ Đỗ Văn Minh một thời là niềm tự hào của bóng đá Tiền Giang và cả ĐBSCL, dự SEA Games 1991, 1993 và từng giành ngôi vô địch U.21 đầu tiên cho miền Tây sau khi trưởng thành từ 2 năm thất nghiệp.

Lên tuyển nhớ lối đá chân phương 

Con đường trở thành cầu thủ hàng đầu quốc gia của Đỗ Văn Minh (sinh năm 1965, tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng như bao đứa trẻ khác: Say mê, khổ luyện và năng khiếu bộc phát thông qua các giải đấu phong trào. Thuở nhỏ, Đỗ Văn Minh đã say đắm quả bóng tròn, thường xuyên trốn học đi đá bóng ở sân Mỹ Tho (trước đây nằm cạnh đường Hùng Vương, sau này là Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu niên Tiền Giang).

Nhờ chú ruột Đỗ Văn Tiền (Ba Lành) và 2 ông anh cũng nổi tiếng là Đỗ Văn Hoàng (tuyển Tiền Giang), Đỗ Văn Long (Quân khu 9) nên Đỗ Văn Minh đã nhanh chóng tiếp cận với bóng đá đỉnh cao. Thời điểm thập niên 1970, bóng đá Tiền Giang có những tên tuổi lớn được khán giả yêu mến như: Phạm Huỳnh Tam Lang, Lạc Phước Hải, Huỳnh Đình Phi, Lê Văn Kéo, Lê Văn Khanh (Kịch), Lê Minh Quang, Chí Bửu, Văn Lộc (Hai), Ngọc Ẩn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Hoàng Sơn.. nên Đỗ Văn Minh luôn xem họ là động lực để phấn đấu

Đỗ Văn Minh cho biết: “Những ngày sau khi đất nước thống nhất (30/4/1975), hằng ngày tôi rong rủi thường xuyên trên sân vận động, ở cái tuổi mới lên 10 ấy cứ xem có đội bóng hay nhóm cầu thủ nào vào sân là tôi xin vào đá ké. Thế là tôi được đọ sức thường xuyên, có khi mỗi ngày đá mấy trận. Cũng nhờ vậy, tôi sớm có mặt trong đội hình đội bóng Thiếu niên của phường. Rồi 13 tuổi, tôi trở thành vị trí nổi bật trong đội bóng cấp 2 của trường”.

Không qua đào tạo chính quy thật khó tin, khi mới học lớp 10 Trường Trung học (cấp 2- 3) Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho- Đỗ Văn Minh được chọn vào đội bóng Công an tỉnh Tiền Giang. Mới 15 tuổi, hưởng biên chế cùa ngành Công an- nào là gạo, thịt, nhu yếu phẩm,… và 80 đồng/tháng với Minh quả là hạnh phúc vào thời điểm năm 1980-1981.

 

Đỗ Văn Minh từ cầu thủ đến HLV đều gắn bó với Tiền Giang

Dương Thu

Năm 1982, anh được tăng cường cho đội Công an TP.HCM thi đấu giải A2 (nay là hạng Nhất quốc gia) lên hạng A1 (nay là V-League). Sau 2 năm thi đấu, Đỗ Văn Minh trở về Tiền Giang thi đấu cho đội tuyển tỉnh tại Giải A2 toàn quốc, rồi lên hạng A1 năm 1987, đến năm 1990 là Giải các đội mạnh quốc gia. Khi đó xem Đỗ Văn Minh thi đấu nhiều người rất thích lối đá chân phương nhưng vô cùng điệu nghệ của anh. Các pha xử lý của Minh đều rất khéo léo, hoa mỹ và chính cách chơi "hào hoa" như vậy đã giúp anh lọt vào mắt xanh của các HLV đội tuyển.

Năm 1991, Đỗ Văn Minh được gọi vào đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 16- Philippines. Anh nhớ lại: “Tôi cũng như nhiều đồng đội không khỏi bỡ ngỡ ở lần đầu xuất ngoại. Nhưng chính cái lần đầu tiên đó đã đem lại cảm giác tuyệt vời cho tất cả 18 cầu thủ chúng tôi. Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Sỹ Hiển, tôi đã may mắn được thi đấu xuyên suốt trong đội hình chính thức của Việt Nam với nhiều cầu thủ tên tuổi bấy giờ như: Trần Xuân Lý, Lê Khắc Chính, Quản Trọng Hùng, Đinh Thế Nam, Đặng Dũng, Chu Văn Mùi, Lư Đình Tuấn, Hà Vương Ngầu Nại, Nguyễn Hồng Phẩm..

Đỗ Văn Minh (bìa phải, hàng ngồi) trong đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 1991

Tiếp theo đó- năm 1993, Đỗ Văn Minh được gọi tập trung cùng đội Tuyển Việt Nam thi đấu Vòng loại World Cup, rồi SEA Games 17 tại Singapore, 2 năm sau anh cũng được gọi lên đội dự tuyển dưới thời Weigang. “ Tôi rất hạnh phúc khi liên tục có mặt trong đội dự tuyển nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm và được trui rèn bản lĩnh thi đấu. Ngày xưa đi nước ngoài phải bằng hộ chiếu công vụ. Thời điểm bóng đá Việt Nam thập niên 90 được tập trung Đội tuyển quốc gia là niềm tự hào to lớn của mọi cầu thủ.

Khi đó tôi chỉ là cầu thủ bóng đá tỉnh lẽ, được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia, là một vinh dự rất lớn và niềm kiêu hảnh vô song khi được hát bài Quốc ca trước lá quốc kỳ Việt Nam trên đất nước bạn.Thời đó được hưởng 50 USD tiền công là số tiền rất lớn qua các kỳ thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia, cũng như được gặp bác Võ Văn Kiệt (lúc đó là Thủ tướng Chính Phủ) động viên toàn đội thi đấu. Đời cầu thủ đó là ký ức khó bao giờ quên”, Đỗ Văn Minh bồi hồi nhớ lại

2 năm thất nghiệp, trở lại vinh quang

Năm 1997 (32 tuổi), Đỗ Văn Minh chia tay với sự nghiệp cầu thủ khi không có chút vốn liếng nào lận lưng, cũng không có bằng cấp. Một thời gian dài sau đó anh rơi vào cảnh khốn khó phải đi làm nhiều việc để kiếm sống và lo cho gia đình. Anh đã trải qua nhiều công việc: Lúc thì buôn bán, khi làm công nhân kéo lụa (in ấn thủ công). Đó được xem là những gian nan thử thách lớn trong đời anh.

Đỗ Văn Minh có 2 năm mưu sinh trước khi trở lại với bóng đá

Dương Thu

Đỗ Văn Minh từng làm trợ lý cho cố HLV Nguyễn Kim Hằng

Dương Thu

“Đó là giai đoạn "đen tối" của cuộc đời tôi. Tôi đã mất 2 năm gian nan lam lũ, tất bật mưu sinh với cuộc sống, gần như chẳng thấy chút ánh sáng nào cuối đường hầm. Nhưng chính thời gian thất nghiệp này đã dạy cho tôi rất nhiều, giúp cho tôi tìm lại động lực trong cuộc sống. Những tưởng nợ duyên cùng quả bóng tròn đã chấm dứt. Nào ngờ "nàng bóng" vẫn đeo mang, nghiệp duyên chưa dứt. Năm 1999 ông Nguyễn Nam Hùng (lúc đó là Giám đốc Sở TDTT Tiền Giang) gọi tôi trở lại với nhiệm vụ trợ lý HLV. Tôi rất bất ngờ nhưng rất vui vì được trở lại với sân cỏ, được bay nhảy cùng quả bóng dù trên cương vị mới cũng thỏa niềm ao ước gắn bó với bóng đá”, Minh nói.

Trở lại với môi trường bóng đá, niềm đam mê của thời vang bóng, như “cá gặp nước”, không chỉ ổn định cuộc sống mà Đỗ Văn Minh theo chân đàn anh để học hỏi thêm những kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, đào tạo tài năng bóng đá cho tỉnh nhà. Từng bước anh được tham gia các khóa học HLV AFC và nhận bằng A vào năm 2005. Quả ngọt đầu tiên mà Minh đã cùng các học trò của mình giành được chính là ngôi á quân Giải hạng Nhất QG (2005) và trở thành đội bóng đầu tiên của miền Tây  đoạt chức Vô địch Giải bóng đá U21 báo Thanh Niên (2006).

Đỗ Văn Minh (thứ 2 bìa phải) cùng toàn đội Tiền Giang vô địch U.21

Quang Minh

Đó là giải mà Đỗ Văn Minh trên cương vị HLV trưởng đã dẫn dắt đội Tiền Giang chơi rất hay nhất là trận thắng Hoàng Anh Gia Lai 3-2 ở chung kết trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), đồng thời giới thiệu nhiều tài năng như Nguyễn Thành Long Giang, Huỳnh Phúc Hiệp, Trần Quôc Anh, Võ Nhật Tân, Nguyễn Thanh Hải.. Sau đó anh còn 2 lần Vô địch Giải bóng đá Cúp Truyền hình Tiền Giang (2012, 2014), Vô địch giải Đại hội TDTT ĐBSCL 2013.

Nhắc đến thế hệ tài năng này, Đỗ Văn Minh kể lại: “Hồi đó những Long Giang, Nhật Tân, Thanh Hải, Phúc Hiệp… đều có niềm đam mê bóng đá cháy bỏng. Tụi nó tập luyện siêng năng và không cần quan tâm đến thời gian. Đứa nào cũng ngoan hiền. Khi đó đá bóng có cơm ăn là mừng rồi chứ làm gì có tiền nong. Còn khi CLB Tiền Giang chơi ở hạng Nhất QG, cầu thủ cũng được trả lương không cao nên có muốn làm bậy cũng không được. Nhân cách của mỗi đứa trẻ thay đổi tùy theo môi trường. Tôi chỉ tiếc cho Long Giang khi con đường chơi bóng đỉnh cao của em quá ngắn”.

Đỗ Văn Minh luôn giàu nhiệt huyết trên sân

Dương Thu

Giàu tâm quyết, thêm niềm đam mê với bóng đá, hiện tại Đỗ Văn Minh là trợ lý HLV đội Tiền Giang tại Giải hạng Nhì quốc gia cùng với HLV Phạm Văn Rạng. Anh tâm sự: “Bây giờ gia đình tôi ổn định, 2 đứa con (con gái lớn 29 tuổi, con trai nhỏ 19 tuổi) không phải chăm sóc như hồi còn nhỏ. Cái chính của tôi bây giờ là tập trung sức lực vào bóng đá vốn đã ăn vào máu của tôi. Niềm hạnh phúc của tôi là vẫn tiếp bước chăm sóc, vun bồi cho các thế hệ bóng đá tỉnh nhà nâng tầm hơn nữa. Tôi sẽ chiến đấu hết mình với quê hương và rất mong một ngày không xa, Tiền Giang sẽ có nhiều gương mặt đóng góp cho bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế”!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.