Khi nào V-League bơi ra biển lớn giống Thái Lan?

18/04/2020 08:28 GMT+7

Bóng đá Việt Nam bao giờ và có nên học tập người hàng xóm Thái Lan để đi theo mô hình League hiện đại thi đấu từ tháng 9 năm này đến tháng 5 năm sau.

Giải pháp phù hợp để nâng tầm

Bóng đá Thái Lan vừa đưa ra quyết định lịch sử khi dời mùa giải từ gói gọn trong một năm thành vắt ngang sang hai năm, kéo dài từ tháng 9.2020 - 5.2021 rồi duy trì cho các năm sau. Ngày 17.4, ông Benjamin Tan, Phó giám đốc điều hành Thai-League, đã chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Thai-League không phải là giải vô địch quốc gia tiên phong đá theo lịch châu Âu vì các quốc gia Trung Đông các năm qua vẫn thi đấu theo lịch này. Tại sao chúng tôi phải chuyển đổi? Thai-League đã phải hoãn 2 lần vì ảnh hưởng của Covid-19. Chúng tôi đã lên 6 - 7 kịch bản với việc Thai-League khởi tranh vào các mốc thời gian khác nhau: tháng 5, 6, 7, 8 và 9.

Hoãn đá vòng loại World Cup ở Mỹ Đình, khán giả lỡ mua vé sẽ thế nào?

Trên thực tế, tình hình dịch bệnh khiến Thai-League không thể khởi tranh trước tháng 9. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định áp dụng lịch thi đấu mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn bởi còn tránh mùa mưa nhiệt đới. Chính phủ Thái Lan sẽ hỗ trợ tài chính cho các CLB và vấn đề cấp thiết này đang được thảo luận”.

Ông Benjamin Tan

Chủ tịch CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành nhận xét Ban Điều hành Thai-League đã xếp lịch đá từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau dựa trên tính toán khoa học vì mùa mưa nhiệt đới thường kéo dài từ tháng 4 - 5 đến tháng 9 - 10. Họ có ý tưởng rất rõ ràng là làm mọi thứ tốt nhất có thể và nắm bắt rất sát thực tế. Tránh thi đấu vào quãng thời gian mưa nhiệt đới sẽ hạn chế được rất nhiều chấn thương, giảm chi phí bảo dưỡng sân và nhất là nâng cao chất lượng các trận đấu. Một thuận lợi khác là đồng bộ lịch thi đấu giúp Thai-League chủ động và thuận lợi hơn rất nhiều trong việc nhập khẩu, xuất khẩu cầu thủ sang các giải châu Âu. Thái Lan sẽ thu hút các cầu thủ từ châu Âu và điều này giúp hình ảnh cũng như trình độ Thai-League được nâng lên rất nhiều.

Ông Vũ Tiến Thành

Đông Nghi

Ông Thành nói tiếp: “Theo tôi được biết người Thái không hỏi ý kiến các CLB. Vấn đề này không chỉ là việc của Ban Điều hành Thai-League 1, 2 mà còn là Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) và nhất là Bộ Du lịchThể thao Thái Lan. Điều này cho thấy sự nhập cuộc, định hướng và ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Thái Lan. Đó là thay đổi tầm quốc gia. Đó là sự chung tay xây dựng để thay đổi đồng bộ mà chúng ta vẫn hay nói”. Ông Benjamin Tan tiết lộ: “Đúng là chúng tôi không tiến hành biểu quyết. Nhưng các CLB đều hiểu rằng việc điều chỉnh lịch thi đấu sẽ giúp họ đảm bảo nhiều quyền lợi, từ nguồn thu bán vé, truyền hình và các nhà tài trợ.
Tất nhiên các đội đã có quan điểm riêng nhưng cuối cùng mọi người đều thấy đây là giải pháp phù hợp nhất”.

Chưa phải thời điểm để V-League học tập

Cũng được đánh giá là một trong những giải bóng đá hàng đầu trong khu vực, V-League có nên học tập Thai-League về việc sẵn sàng “loại bỏ” mô típ cũ để mạnh dạn đi theo mô hình châu Âu không. Bình luận viên Vũ Quang Huy nói: “Nhìn vào sự thay đổi của bóng đá Thái Lan, chúng ta thấy khát vọng vươn tới tầm bóng đá thế giới. Nương theo lịch thi đấu của FIFA, Thái Lan đang muốn tiếp cận dòng chảy của thế giới để bơi ra biển lớn, mở đường cho việc xuất khẩu cầu thủ sang Nhật Bản, Hàn Quốc một cách thuận lợi hơn.
Nhưng rõ ràng bóng đá Thái Lan có nhiều điều kiện sẵn có để chuyển đổi sang mô hình châu Âu. Bóng đá Việt Nam chưa đủ các yếu tố để đi theo mô hình này ngay bây giờ được. Đúng là về mặt thành tích, bóng đá Thái Lan đang có vẻ chững lại so với trước nhưng xét về mặt nền tảng, họ vẫn hội tụ rất nhiều điểm mạnh mà chúng ta chưa thể so sánh được. Tiềm lực tài chính của các CLB Thái Lan rất mạnh, trong khi chúng ta có đến khoảng một nửa số lượng đội tại V-League, tài chính còn rất “ọp ẹp”. Chúng ta chưa thể đồng bộ được lịch thi đấu của Việt Nam với lịch thi đấu của châu Âu. Đây chưa phải thời điểm thích hợp”.

Bình luận viên Vũ Quang Huy (bìa phải)

T.K

HLV Đoàn Minh Xương cũng nhìn nhận: “Thực tế từ lâu tầm mắt người Thái đã vượt khỏi Đông Nam Á. Thai-League đã có những bước chuyển mình rõ rệt và ấn tượng, vươn lên xếp hạng 4 chỉ sau J-League, K-League và C-League ở khu vực Đông Á. Bản quyền truyền hình mà họ vừa ký hợp đồng có trị giá không dưới 400 triệu USD trong 8 năm. Thái Lan lại vừa có bước đột phá mạnh mẽ khi chuyển đổi thời điểm tiến hành Thai-League.
Tuy nhiên, vì giải đấu theo mốc thời gian mới chưa diễn ra nên bản thân họ cũng chưa thể đánh giá, đong đếm được mức độ thành công. Cần phải có thời gian để trả lời. Với góc nhìn của tôi, bóng đá Việt Nam chưa đủ điều kiện như Thái Lan để áp dụng việc chuyển đổi này. Nhưng VFF cũng có thể tham khảo và từng bước xây dựng lộ trình, có thể 5 năm hay 10 năm nữa, nếu Thái Lan thành công thì chúng ta hoàn toàn nên học tập”.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

Ông Benjamin Tan khẳng định: “Nhiều người hỏi chúng tôi liệu lịch thi đấu mới có đồng nghĩa với SEA Games và AFF Cup không còn là ưu tiên hàng đầu của Thái Lan? Câu trả lời là chúng tôi vẫn ưu tiên các giải đấu này”. Nhưng theo nhận định của bình luận viên Ngô Quang Tùng: “Khi mạnh dạn làm một cuộc cách mạng về bóng đá, người Thái muốn tạo ra một “giao diện” mới, đi theo lộ trình phát triển của bóng đá thế giới mà không bám vào lịch thi đấu của khu vực nữa. Nên rất có thể Thái Lan sẽ không quá tập trung cho các giải đấu Đông Nam Á, họ sẵn sàng “hy sinh” những giải này để hướng tới mục tiêu lớn hơn. Còn Việt Nam, có lẽ bài toán “hy sinh” AFF Cup, SEA Games chưa thể được giải ngay lúc này. Bóng đá Việt Nam mà ở đây cụ thể là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn phải đi bằng “hai chân”. Một mặt hướng tới những thành tích tiệm cận trình độ World Cup (như đi sâu hơn tại vòng loại World Cup) nhưng mặt khác vẫn phải đảm bảo tạo ra niềm vui cho người hâm mộ tại các giải khu vực”.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng

NVCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.