V-League 2020 được đánh giá sẽ là mùa khốc liệt bậc nhất ở cả 2 đầu tranh huy chương (trong đó có tranh vô địch) và trụ hạng. Riêng khu vực trụ hạng sẽ đông đảo và khó lường không kém V-League 2019.
Biến số Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến chuẩn bị của các đội bóng, khi bài toán điểm rơi sẽ là cơ hội để những HLV thi thố khả năng tính toán, cân bằng tại V-League 2020.
Đối với những nhà quản lý, Covid-19 còn là câu chuyện tổ chức từ sân bãi, an ninh, vệ sinh đến “đời sống” nhất là thu nhập từ tiền bán vé. Điểm tích cực là tất cả đều hiểu trách nhiệm với cộng đồng và tuân thủ rất tốt.
|
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho rằng: “Đương nhiên Covid-19 ảnh hưởng rất lớn rồi. Đá không có khán giả là điều ai cũng không muốn cả. Nhưng đó là tình thế bắt buộc. Giới bóng đá Việt Nam mọi người ủng hộ rất lớn vì tính mệnh con người là cao nhất. Bóng đá phải gắn với cộng đồng.
Nếu đá bóng làm lây lan Covid-19 càng không chấp nhận được. Thời điểm dịch, nếu tụ tập đông người sẽ phức tạp ngay, như bài học Hàn Quốc dù bán vé là nguồn thu chính của hầu hết các CLB.
Tôi nghĩ mọi người đều bình thản trước một vài trận đầu V-League có thể phải đá không khán giả, vì xứ mình đá bóng đóng cửa chứa có nơi còn không cho đá bóng”.
|
Quy luật bóng đá thể hiện rất rõ ở V-League 2019 và nay là mùa 2020. Bóng đá chuyên nghiệp là đội bóng giàu mạnh sẽ bỏ nhiều tiền để mua cầu thủ giỏi hơn chinh phục các đỉnh cao. Cũng là cuộc sát hạch ngày một khốc liệt cho các "tướng cầm quân".
Ông Thanh phân tích: “TP.HCM rất mạnh dạn đầu tư. Vừa rồi thua Siêu cúp nhưng thực tế họ thiếu tiền vệ giữa chơi rất hay ở Hàn Quốc do chưa kịp đăng ký. Vào V-League sẽ khác.
Nếu có đội hình đầy đủ TP.HCM sẽ là ứng viên hàng đầu thách thức Hà Nội tại V-League 2020. Khó khăn của Hà Nội là chấn thương của một loạt trụ cột nhưng căn cơ của họ rất sâu dày.
Viettel cũng đầu tư rất lớn để tranh chức vô địch cùng Hà Nội và TP.HCM. T.Quảng Ninh cũng mua sắm mạnh mẽ, có khát khao vô địch đặc biệt sau khi chiêu mộ được những ngôi sao hay nhất của Hải Phòng về”.
|
Theo ông Thanh, nét mới nữa là năm nay các đội đầu tư ngoại binh tốt hơn. Tỷ lệ Tây “cũ” luân chuyển nội bộ V-League đã giảm. Số lượng ngoại binh chất lượng được mua mới cao hơn hẳn.
Nếu Hà Nội, T.Quảng Ninh chọn giải pháp an toàn là những gương mặt đã kiểm chứng như Pape Omar, Rimario thì TP.HCM, Viettel đi đầu với những anh Tây hồ sơ ấn tượng trong khi những đội "bình dân" hơn như SLNA thì kém hơn.
Thanh Hóa lấy được Samson về trong vai trò nội binh cũng sẽ là một ẩn số, nhất là với ê kip BHL đến từ nền bóng đá Ý trứ danh về chiến thuật. Ông Thanh cho rằng tất cả những mới mẻ đó sẽ đốt nóng các sân cỏ để kéo khán giả lên sân đông hơn.
|
“Tất nhiên, bóng đá phải có khán giả. Thế nên người ta mới gọi là sân đối phương, sân nhà. Chơi bóng có khán giả trực tiếp tinh thần cầu thủ sẽ khác hơn. Thế giới cũng như V-League thôi.
Ngược lại, chơi bóng trên sân đóng cửa với khán giả thì đội khách sẽ hưởng lợi hơn. Điều này đòi hỏi cầu thủ mỗi đội phải tự vươn lên, xây cao ý chí ngay cả khi thiếu sự kích thích từ khán giả nhà.
V-League sẽ thiệt thòi, CĐV sẽ thiệt thòi vì những khán đài trống vắng làm ảnh hưởng không khí. Nhưng đó là điều tất cả đều hiểu và chấp nhận. Đây cũng có thể xem là phép thử bản lĩnh của các đội bóng với nhau trong hoàn cảnh đặc thù này”, ông Nguyễn Hồng Thanh khẳng định.
Bình luận (0)