Có một Chelsea Việt Nam mạnh vì gạo, bạo vì tiền…
Một thời từ những năm 2004 - 2016, Becamex Bình Dương (BD) được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” do làm bóng đá theo kiểu gây thanh thế và sẵn sàng bạo chi trong việc ào ạt chiêu mộ ngôi sao. Với sự hậu thuẫn của Tổng công ty Becamex IDC, BD nhanh chóng nổi lên như một “ông lớn” của bóng đá VN với chính sách trải thảm đỏ mời các ngôi sao hàng đầu về. Nguồn thu của họ đến từ chính sách hỗ trợ tối đa của tỉnh khi cấp quyền khai thác bảng quảng cáo dọc theo QL13 và được toàn quyền khai thác sân Gò Đậu. Nhờ hầu bao mạnh, đội bóng đất Thủ “thống trị” thị trường chuyển nhượng bằng các bản hợp đồng bom tấn với các tên tuổi như Như Thành, Trường Giang, Công Vinh, Quang Thanh, Thế Anh, Vũ Phong, Phước Tứ, Trọng Hoàng… Kèm theo đó là các ngoại binh đẳng cấp như Philani, Kesley, Moses… giúp đội được mệnh danh là “Chelsea VN”, giống đế chế của tỉ phú Abramovic bên trời Anh.
Đến tận bây giờ người ta vẫn nhắc về chức vô địch V-League 2007 trước 4 vòng đấu của BD, hơn đội xếp nhì đến 13 điểm, lập một loạt kỷ lục: là nhà vô địch sớm nhất, bất bại 14 trận, đạt nhiều điểm nhất, có số trận thắng và ghi nhiều bàn thắng nhất, số trận thua và để lọt bàn thua ít nhất… Đó là thành tích cực kỳ ấn tượng khi V-League là cuộc chơi của nhiều CLB máu lửa như Đồng Tâm Long An, HAGL, Nam Định, Đà Nẵng…
Tổng cộng BD đã có 4 chức vô địch V-League (2007, 2008, 2014, 2015) cùng 2 lần về nhì (2006, 2009), 1 lần về ba (2005). Ngoài ra, họ còn có bộ sưu tập đồ sộ với 3 Cúp quốc gia (1994 - thời mang tên Sông Bé; 2015, 2018), 4 Siêu cúp quốc gia (2007, 2008, 2014, 2015). BD cũng tạo cột mốc lịch sử là đội bóng VN đầu tiên lọt vào bán kết giải châu lục ở AFC Cup 2009 sau khi đánh bại Chonburi (Thái Lan) 4-2 sau 2 lượt đấu. Đó là bảng thành tích mà nhiều đội bóng sau này vẫn phải nể trọng, kể cả Hà Nội đang thống trị V-League khoảng 10 năm qua.
|
Nhưng ánh hào quang đó không che giấu một sự thật rằng mọi danh hiệu giành được đều chưa khiến người dân BD cảm thấy “đã”. Cái mà người hâm mộ đất Thủ mong muốn là đội bóng phải có bản sắc địa phương, phải có cầu thủ là người Bình Dương trong đội hình. Giống như thời kỳ thập niên 1970, đội Sông Bé dù chỉ 1 lần giành Cúp quốc gia năm 1994 trên sân Thống Nhất khi đá bại Cảng Sài Gòn, đến giờ người ta vẫn nhắc nhiều đến những cái tên như Trương Văn Dũ, Nguyễn Đại Ninh, Trương Văn Khanh, Trần Tấn Thông, Nguyễn Văn Dũng, Trương Văn Hải… Hơn 15 năm qua, Bình Dương có đến 4 lần vô địch quốc gia nhưng chỉ còn Vương Tiểu Đạt và gần nhất là Nguyễn Anh Đức là người BD.
Hướng đến đội bóng của người dân Bình Dương
Theo Chủ tịch CLB Hồ Hồng Thạch, đội bóng đang cố gắng giữ 60 - 70% đội hình ra sân là các cầu thủ do BD đào tạo, ưu tiên người địa phương, còn lại là các gương mặt trẻ ưu tú cùng ngoại binh chất lượng. Đây là bước ngoặt lịch sử trong chiến lược phát triển của đội bóng đại gia miền Đông Nam bộ.
Giao lưu quốc tế để tăng tương tácĐể quốc tế hóa mô hình hoạt động, BD tăng cường giao lưu với ông lớn bóng đá Nhật Bản Kawasaki Frontale thông qua Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (The Japan Foundation). Các chương trình giao lưu giữa 2 đội còn trao đổi đào tạo trẻ. Ngoài các trận giao hữu tại VN, BD còn cử HLV và cầu thủ trẻ sang Nhật Bản học hỏi như HLV Trương Văn Dũ, 3 cầu thủ U.14 BD Hồng Tiến Duy, Phan Học Dược và thủ môn Nguyễn Huỳnh Văn Bin sang Nhật năm 2017.
|
|
So với nhiều tỉnh thành làm bóng đá khác, BD có một cơ ngơi đủ để xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Họ có sân bãi riêng gồm sân chính Gò Đậu và 2 sân phụ nằm cạnh bên đủ chuẩn thi đấu cấp quốc gia. Đội bóng đất Thủ cũng có một trung tâm hoành tráng ở Mỹ Phước với cái tên hàm chứa đầy đủ tính chất lâu dài là Công ty cổ phần đào tạo bóng đá trẻ Becamex Bình Dương với hơn 100 cầu thủ ở các tuyến U.15, U.17, U.19, U.21 BD được gầy dựng bởi Giám đốc kỹ thuật Đặng Trần Chỉnh. Các cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản từ 2 HLV đến từ Brazil cùng các HLV nội tâm huyết như Trương Văn Dũ, Nguyễn Đại Ninh, Hoàng Hùng, Trần Tấn Thông… là lực lượng kế thừa đủ sức chơi ở V-League mà ít cần chiêu mộ cầu thủ các nơi về. Kể cả trong trường hợp bổ sung, BD luôn nhất quán chính sách mua cầu thủ dưới 23 tuổi, có khát khao và phẩm chất.
Bình Dương sẽ xây dựng trung tâm bóng đá ở Mỹ PhướcChủ tịch CLB Hồ Hồng Thạch cho biết: “BD hiện đang hướng đến việc tiến thêm một bước trên con đường chuyên nghiệp hóa. Cụ thể là sẽ nâng cấp các phòng chức năng ở sân Gò Đậu, nhất là phòng thay đồ như các CLB nước ngoài, giúp cầu thủ thực sự thoải mái trong giờ nghỉ. Bên cạnh đó là xây dựng phòng truyền thông để tăng cường các thông tin hai chiều có tính tương tác cao, các hoạt động thi đấu và sau thi đấu của CLB, giáo dục truyền thống bằng các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng...Như vừa rồi toàn đội đã quyên góp 2, 5 tấn gạo để thực hiện chương trình “ATM Gạo – Hạt gạo sẻ chia, Hạnh phúc ươm mầm” ở Mỹ Phước, tạo nên dấu ấn trong cộng đồng. Quan trọng là CLB đã có mô hình thiết kế khu thể thao rộng 15 ha ở Mỹ Phước chờ “bật đèn xanh” để tiến hành làm trong năm nay hoặc năm sau để tiến tới hình thành một trung tâm bóng đá mạnh có đầy đủ các hoạt động theo chuẩn của một CLB chuyên nghiệp như nước ngoài”.
|
Một thế mạnh khác là nhờ làm ăn căn cơ nên BD luôn vượt trội hơn hẳn các đội bóng VN khác về khoản kiếm tiền. Như năm 2014 doanh thu CLB được Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) công bố là khoảng 50 tỉ đồng. Theo thống kê của VPF, tiền bán bảng quảng cáo trên sân Gò Đậu là 15 tỉ đồng, các hoạt động chuyển nhượng cầu thủ 3 tỉ đồng, bán vé 2 tỉ đồng… chưa kể nguồn thu từ hợp đồng tài trợ, du lịch lữ hành. Gần đây nguồn thu vẫn giữ ở mức tương đối ổn định, sẽ giúp đội tập trung vào đào tạo trẻ và trẻ hóa đội hình. Ông Hồ Hồng Thạch chia sẻ: “Trước mắt đội không chạy theo thành tích bằng mọi giá nên có thể khiến một bộ phận người hâm mộ chưa hài lòng. Nhưng chắc chắn người hâm mộ Bình Dương khi hiểu được mục tiêu là tạo cơ hội ra sân cho các cầu thủ quê nhà, trở thành đội bóng có bản sắc riêng, niềm tự hào của người dân đất Thủ, sẽ ủng hộ nhiều hơn”.
|
Từ bỏ ánh hào quang một thời, CLB BD xây lại cơ đồ với dàn cầu thủ trẻ, chậm mà chắc mà vẫn kịp lấy Cúp quốc gia 2018. Điều đó cho thấy họ đang đi đúng hướng trên con đường phát triển bền vững. Cũng vì thế mà trước mùa giải năm nay, đội chia tay hàng loạt công thần lớn tuổi như Nguyễn Anh Đức, Lê Tấn Tài, thủ môn Tấn Trường… để trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ “cây nhà lá vườn”, tạo ra một chương mới cho bóng đá vùng đất đông Nam bộ này.
Bình luận (0)