Nai lưng thi đấu ở khắp các mặt trận, Đình Trọng bị quá tải thế nào?

04/09/2020 18:32 GMT+7

Cũng giống như trường hợp của Xuân Trường, Quang Hải và Văn Đức, trung vệ Trần Đình Trọng đang phải gánh những chấn thương liên tiếp do quá tải trong 3 năm từ 2017 - 2019.

Không có vinh quang nào mà không phải trả giá bởi nước mắt, có lẽ không ai thấm thía câu nói ấy bằng Đình Trọng vào lúc này. Thành công của bóng đá Việt Nam trong mấy năm vừa qua đã và đang phải đánh đổi bởi những ca chấn thương của nhiều tuyển thủ.
Sau những Quang Hải, Văn Đức, Xuân Trường, Duy Mạnh thì đến lượt trung vệ Đình Trọng cũng phải chịu đựng những cơn đau đớn hành hạ với 3 lần phẫu thuật chỉ trong vòng 2 năm. Đáng nói hơn, ca phẫu thuật sụn chêm đầu gối trái là hậu quả của việc thi đấu với cường độ cao mà chưa hồi phục hoàn toàn chấn thương đứt dây chằng xảy ra cách đây 15 tháng.

Bao giờ Đình Trọng mới quay lại sân cỏ?

ẢNH: MINH TÚ

Điểm chung của những cầu thủ bị chấn thương vừa kể tên ở trên là gì? Đó là việc họ đều phải gồng gánh trách nhiệm từ cấp CLB cho đến đội tuyển trong quãng thời gian dài. Giống như đồng đội Quang Hải, Đình Trọng đã phải hoạt động với cường độ chưa từng có trong sự nghiệp của mình. 
Năm 2018, anh phải chơi 3.248 phút cho đội Hà Nội, đội U.23 và đội tuyển Việt Nam. Đến năm 2019, trước khi đứt dây chằng hồi tháng 6, Đình Trọng cũng phải “nai lưng” ra sân liên tục cho ngần ấy đội, với thời gian cũng đã là 626 phút. Còn trước đó, năm 2017, Trọng thi đấu 2.889 phút trong màu áo CLB Sài Gòn (khi đó đội Hà Nội cho mượn), đội U.20, U.22 và U.23 Việt Nam.
Đình Trọng quá quan trọng với ông Park Hang-seo. Khi nhà cầm quân không thể tìm được một phương án B đủ tầm thay thế, Đình Trọng đã phải cày ải liên tục với một mật độ dày đặc mà chẳng hề ngơi nghỉ. Chấn thương dây chằng mà anh gặp phải có thể chịu sự tác động từ bên ngoài trong trận đấu với HAGL tại Pleiku. Nhưng trước đó, cơ thế của Trọng, đầu gối của Trọng cũng đã phải gồng lên nhiều trận đấu nên việc tổn thương là rất khó tránh khỏi.

Tập luyện đúng cách sẽ giúp anh quay lại với phong độ tốt

ẢNH: FACEBOOK NHÂN VẬT

Đan xen giữa hai ca phẫu thuật từ đứt dây chằng chéo trước (tháng 6.2019) và sụn chêm gối (tháng 8.2020) là việc Đình Trọng vì những lý do khác nhau mà ra sân 3 trận đấu tại VCK U.23 châu Á 2020. Khi trở lại CLB dù được tham gia tập huấn chuẩn bị cho mùa giải mới nhưng Trọng không thể tập được các bài chiến thuật.
Tất nhiên với chấn thương sụn chêm, Đình Trọng chỉ mất khoảng 3 - 4 tháng để có thể quay lại sân cỏ. Nhưng Đình Trọng sẽ cần phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng hơn, cẩn trọng hơn trong từng pha bóng nếu như không muốn mình lại phải dưỡng thương trong bệnh viện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.