Sân chơi phong trào ngày càng chuyên nghiệp

Quốc Việt
Quốc Việt
06/10/2020 10:16 GMT+7

Sự xuất hiện, phát triển và mở rộng của phong trào bóng đá sinh viên, bóng đá 7 người với trình độ tổ chức ngày một chuyên nghiệp, bài bản đang mở ra tín hiệu tích cực cho chân đế nền bóng đá Việt Nam .

Suốt một thời gian dài bóng đá Việt Nam phát triển ngược, như cố HLV trưởng tuyển Việt Nam Alfred Riedl tóm gọn trong nhận xét nổi tiếng: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Kiểu phát triển “kim tự tháp ngược” này thiếu vững bền, từng dẫn đến nghịch lý số lượng đội hạng nhất lại ít hơn V-League khi các cuộc khủng hoảng kinh tế ập đến. Rất may đang có những làn gió mới, đem đến nhiều giải đấu phong trào chất lượng được mở ra khắp Việt Nam với những lá cờ đầu là bóng đá 7 người toàn quốc (VPL) và bóng đá sinh viên (SV-League 2020). VPL chuẩn bị bước sang mùa thứ 2, hội tụ các giải vô địch ngoại hạng miền Bắc (HPL), miền Nam (SPL), miền Trung (KPL). Riêng giải ngoại hạng 7 người Hà Nội đã bước sang mùa thứ 8, phía dưới là hạng nhất (mùa thứ 5) và hạng nhì (mùa thứ 3) với đầy đủ thuộc tính lên xuống hạng, chuyển nhượng, các lứa trẻ kế thừa... như chuyên nghiệp. Ngày 4.10 bất chấp cái nắng nóng hơn 40 độ C, trận chung kết giải hạng nhất Hà Nội - Cúp Vietfootball 2020 tranh vé lên HPL mùa 8 thu hút hàng ngàn khán giả lấp đầy trung tâm bóng đá trẻ VFF, chưa kể hơn 10.000 người xem trực tuyến. Giải bóng đá 7 người vô địch toàn quốc Hyundai Cup 2020 by TC Motor khu vực miền Nam ở mùa SPL-S3 đã mở rộng quy mô lên 12 đội, trong đó có 5 cái tên vượt qua vòng play-off từ 16 đội. Giải KPL ở khu vực miền Trung dự kiến sẽ mở rộng ra thành 8 đội đá vòng tròn 1 lượt. Toàn bộ các trận đấu ở 3 miền đều được truyền hình trực tiếp theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp bởi FPT và VTV Cab.
 
Xem lại trận Song Hùng FC và HAT Sài Gòn ở SPL - S2 được trực tiếp trên YouTube Thể Thao 360 của báo Thanh Niên
Ở sân chơi 11 người, giải bóng đá Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng (SV-League 2020) cũng chuẩn bị khai màn vào ngày 24.10 tới với 8 đội bóng được bảo trợ bởi 8 ông bầu máu bóng đá như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải (NutiFood)... Lần đầu tiên trong lịch sử sân chơi bóng đá sinh viên được VFF tập huấn, cập nhật luật, huấn luyện... bài bản như các đội bóng chuyên nghiệp, theo đúng yêu cầu cao nhất của
V-League được AFC khuyến cáo. Trưởng ban bóng đá phong trào VFF, ông Phạm Ngọc Tuấn - đang đảm nhiệm vai trò trưởng ban soạn thảo đề án phát triển bóng đá phong trào Việt Nam - cho biết: “Chúng tôi đã đi các tỉnh thành, các ngành giáo dục, công an, quân đội... để lấy dữ liệu khảo sát nhằm phân tích và định hướng phát triển cho bóng đá phong trào Việt Nam. Về lâu dài, bóng đá học đường và bóng đá cộng đồng sẽ là nền tảng. Khi người chơi nhiều sẽ phát triển hệ thống giải bóng đá bền vững cho trẻ em, sinh viên, học sinh, quân đội, công an, người cao tuổi... Một khi phát triển hệ thống giải toàn diện sẽ đẩy phong trào mạnh lên. Để phát triển như vậy cần vai trò định hướng, chuyên môn của VFF kết hợp với kêu gọi xã hội hóa để mở rộng và sâu hơn nữa chân đế cho bóng đá Việt Nam”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.