Bữa ăn của cầu thủ bóng đá: Thực đơn nhiều nhưng không “chất”

27/08/2020 09:00 GMT+7

Nhiều CLB, cầu thủ chưa thực sự coi dinh dưỡng là một mắt xích quan trọng trong quá trình vươn đến thành tích, không có chuyên gia riêng theo dõi vấn đề ăn uống, thực đơn nhiều nhưng chưa hợp lý... Đó là tình trạng chung của các đội bóng tại Việt Nam.

Ăn uống cho “sướng mồm”

Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, người từng làm bác sĩ đội tuyển Việt Nam thời HLV Calisto, cho hay: “Dinh dưỡng trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cực kỳ quan trọng bởi dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp cầu thủ thực hiện tốt ý đồ của HLV, tránh được chấn thương, đảm bảo được thể lực sung mãn trong khoảng thời gian thi đấu dài. Sức mạnh, sức bền, tốc độ di chuyển…, những yếu tố luôn được quyết định bởi vấn đề dinh dưỡng. Tập luyện và dinh dưỡng là hai chân đế của một đội bóng, chân đế có vững chắc thì thành tích mới ổn định. Hai yếu tố này song hành với nhau, không tách bỏ được yếu tố nào. Hai đội bóng có trình độ chuyên môn ngang nhau, được huấn luyện bài bản như nhau nhưng nếu đội nào có dinh dưỡng tốt hơn, đội đó thường đạt thành tích tốt hơn”.

Trước khi ăn phải bước lên cân

Không phải đội nào cũng như Viettel, thường xuyên có sự trao đổi về thực đơn giữa HLV trưởng với HLV thể lực Chun Jae-ho, bác sĩ thể thao Kim Wang-jea và bếp trưởng của Trung tâm huấn luyện Viettel. Một trong những lý do giúp cầu thủ Viettel ít bị chuột rút, ít bị chấn thương là từ nhiều năm qua, chế độ dinh dưỡng của đội bóng áo lính luôn được cấp ở mức tương đương đội tuyển quốc gia. Trước mỗi bữa ăn, cầu thủ đều tự giác bước lên chiếc cân đặt cố định trong phòng ăn và tự giác ghi chỉ số cân nặng vào sổ theo dõi. Cùng với nâng cao tiêu chuẩn tố chất thể hình đầu vào đào tạo trẻ, việc đầu tư dài hạn cho dinh dưỡng và huấn luyện thể lực cũng giúp cho đội Viettel có thể hình tương đối đồng đều với chiều cao trung bình toàn đội đạt tới 1 m 78, tức cao hơn 1,5 cm so với chiều cao trung bình của đội U.23 Việt Nam dự giải U.23 châu Á hồi đầu năm 2020.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, rất nhiều cầu thủ chưa đưa vấn đề dinh dưỡng thành những bài học nằm lòng của mình. Cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Juergen Gede từng phát biểu: “Chúng ta cứ nói xa nói gần về thể lực, chiến thuật nhưng cuối cùng, mọi thứ đều quy về hai chữ “ý thức”. Một cầu thủ có ý thức, cậu ta sẽ tự biết cách chăm sóc bản thân, tự biết cái gì xấu cái gì tốt. Một tập thể có ý thức sẽ biết tạo ra môi trường lành mạnh, đưa tất cả cùng đi lên. Nhiều lần tập trung các lứa trẻ ở cấp đội tuyển, tôi đi tập thể dục sau giờ làm việc và thấy nhiều em chạy đi mua đồ uống có ga, các loại “bim bim” đồ ăn vặt. Tôi hiểu tâm lý trẻ con, nhưng xác định làm cầu thủ thì đừng ăn uống cho “sướng mồm”, phải biết nhịn và kiềm chế”. Câu chuyện về gói “bim bim” qua lời kể của ông Gede chỉ ra một thực trạng chung của bóng đá Việt Nam là những kiến thức về dinh dưỡng dường như còn quá xa lạ với cầu thủ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền phân tích kỹ hơn: “Hầu hết các cầu thủ Việt Nam không được hình thành thói quen ăn uống đúng khoa học từ khi còn nhỏ nên lúc trưởng thành, nhiều người không thích ứng được với chế độ ăn đúng quy chuẩn. Có cầu thủ không quen uống sữa. Không ít cầu thủ chưa biết cách chọn lọc những món ăn phù hợp, mới chỉ thích ăn những món gì thấy ngon miệng. Để có được một thân hình lý tưởng, khỏe, chạy tốt, chịu được cường độ, áp lực cao, cầu thủ phải dùng cả… lý trí trong vấn đề ăn uống”.

Một bữa ăn của các tuyển thủ bóng đá Việt Nam hồi SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia

ảnh: Khả Hòa

Không có chuyên gia dinh dưỡng

Có một thực tế hầu hết các đội bóng ở Việt Nam mới chỉ coi trọng đến số lượng các món ăn mỗi ngày cho cầu thủ chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Ông Nguyễn Trọng Hiền nói: “Mâm cơm rất nhiều món nhưng không phải nhiều đã là tốt mà phải hợp lý. Tùy vào từng giai đoạn tập huấn mà chế độ ăn cũng khác nhau. Tập nặng và tập nhẹ, thực đơn không thể giống nhau. Trước và sau thi đấu, thực đơn cũng không thể giống nhau. Khác với bữa cơm thông thường, thực đơn cho vận động viên, cho cầu thủ nên có chế độ riêng cho từng cá thể vì thể trạng, cấu trúc cơ thể của mỗi cầu thủ một khác. Nhưng hầu hết các đội ở Việt Nam đều chưa làm được điều này”.

SEA Games: 'Chị nuôi' bày cách mang 60 kg đồ ăn ngon cho cầu thủ Việt Nam

Cũng theo bác sĩ Hiền: “Nhiều đội không có chuyên gia dinh dưỡng theo dõi, cập nhật các chỉ số cơ thể cầu thủ theo từng tuần, từng tháng, từng quý để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Ví dụ như cầu thủ A bắt đầu có dấu hiệu của béo phì thì không thể ăn y hệt như cầu thủ B có dấu hiệu của “suy dinh dưỡng”. Với cầu thủ nam, nếu lượng mỡ chiếm 16% trọng lượng cơ thể sẽ bị coi là quá béo nhưng nếu dưới 6% thì lại quá gầy. Nhưng có lẽ rất ít đội có máy móc để đo được chỉ số này”.

Các tuyển thủ nữ ăn uống tại SEA Games

VFF

Một cầu thủ phía nam đang khoác áo đội tuyển Việt Nam chia sẻ: “Bữa ăn của chúng tôi ở CLB quả là rất nhiều món nhưng để hỏi có hợp lý không thì chúng tôi không nắm rõ lắm. Bản thân tôi cao 1 m 81, nặng 75 kg, thân hình không gầy nhưng thiếu cơ. Đó là tôi đoán vậy chứ CLB chưa tiến hành đo đạc chỉ số cho anh em. Mà hầu hết các đội bóng ở Việt Nam đều thế. Muốn tăng cơ, tôi phải tự lên mạng tìm hiểu rồi nhờ tư vấn về thực phẩm chức năng, chọn loại cho phù hợp. Tự bổ sung thêm protein bằng các loại thịt, tập gym đều đặn”.
Một số CLB hàng đầu Việt Nam cũng chưa có bác sĩ dinh dưỡng, nên nói như một cầu thủ đang chơi cho một CLB phía bắc: “Tôi nặng 72 kg, cao 1 m 74 nhưng ăn cùng mâm, hưởng chế độ dinh dưỡng y hệt với đồng đội của tôi trong khi anh ấy chỉ nặng 65 kg, cao 1 m 68. Chả ai khuyên chúng tôi ăn uống như thế nào. Dù đầu bếp nấu nhiều món lắm, tôm, cua, gà, cá, đủ cả. Thực đơn phải nói là “tùm lum” nhưng có thể phù hợp với người này mà lại không hợp với người khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.