Ăn uống cho “sướng mồm”
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, người từng làm bác sĩ đội tuyển Việt Nam thời HLV Calisto, cho hay: “Dinh dưỡng trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cực kỳ quan trọng bởi dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp cầu thủ thực hiện tốt ý đồ của HLV, tránh được chấn thương, đảm bảo được thể lực sung mãn trong khoảng thời gian thi đấu dài. Sức mạnh, sức bền, tốc độ di chuyển…, những yếu tố luôn được quyết định bởi vấn đề dinh dưỡng. Tập luyện và dinh dưỡng là hai chân đế của một đội bóng, chân đế có vững chắc thì thành tích mới ổn định. Hai yếu tố này song hành với nhau, không tách bỏ được yếu tố nào. Hai đội bóng có trình độ chuyên môn ngang nhau, được huấn luyện bài bản như nhau nhưng nếu đội nào có dinh dưỡng tốt hơn, đội đó thường đạt thành tích tốt hơn”.
Trước khi ăn phải bước lên cân
|
|
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền phân tích kỹ hơn: “Hầu hết các cầu thủ Việt Nam không được hình thành thói quen ăn uống đúng khoa học từ khi còn nhỏ nên lúc trưởng thành, nhiều người không thích ứng được với chế độ ăn đúng quy chuẩn. Có cầu thủ không quen uống sữa. Không ít cầu thủ chưa biết cách chọn lọc những món ăn phù hợp, mới chỉ thích ăn những món gì thấy ngon miệng. Để có được một thân hình lý tưởng, khỏe, chạy tốt, chịu được cường độ, áp lực cao, cầu thủ phải dùng cả… lý trí trong vấn đề ăn uống”.
|
Không có chuyên gia dinh dưỡng
Có một thực tế hầu hết các đội bóng ở Việt Nam mới chỉ coi trọng đến số lượng các món ăn mỗi ngày cho cầu thủ chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Ông Nguyễn Trọng Hiền nói: “Mâm cơm rất nhiều món nhưng không phải nhiều đã là tốt mà phải hợp lý. Tùy vào từng giai đoạn tập huấn mà chế độ ăn cũng khác nhau. Tập nặng và tập nhẹ, thực đơn không thể giống nhau. Trước và sau thi đấu, thực đơn cũng không thể giống nhau. Khác với bữa cơm thông thường, thực đơn cho vận động viên, cho cầu thủ nên có chế độ riêng cho từng cá thể vì thể trạng, cấu trúc cơ thể của mỗi cầu thủ một khác. Nhưng hầu hết các đội ở Việt Nam đều chưa làm được điều này”.
Cũng theo bác sĩ Hiền: “Nhiều đội không có chuyên gia dinh dưỡng theo dõi, cập nhật các chỉ số cơ thể cầu thủ theo từng tuần, từng tháng, từng quý để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Ví dụ như cầu thủ A bắt đầu có dấu hiệu của béo phì thì không thể ăn y hệt như cầu thủ B có dấu hiệu của “suy dinh dưỡng”. Với cầu thủ nam, nếu lượng mỡ chiếm 16% trọng lượng cơ thể sẽ bị coi là quá béo nhưng nếu dưới 6% thì lại quá gầy. Nhưng có lẽ rất ít đội có máy móc để đo được chỉ số này”.
|
Một cầu thủ phía nam đang khoác áo đội tuyển Việt Nam chia sẻ: “Bữa ăn của chúng tôi ở CLB quả là rất nhiều món nhưng để hỏi có hợp lý không thì chúng tôi không nắm rõ lắm. Bản thân tôi cao 1 m 81, nặng 75 kg, thân hình không gầy nhưng thiếu cơ. Đó là tôi đoán vậy chứ CLB chưa tiến hành đo đạc chỉ số cho anh em. Mà hầu hết các đội bóng ở Việt Nam đều thế. Muốn tăng cơ, tôi phải tự lên mạng tìm hiểu rồi nhờ tư vấn về thực phẩm chức năng, chọn loại cho phù hợp. Tự bổ sung thêm protein bằng các loại thịt, tập gym đều đặn”.
Một số CLB hàng đầu Việt Nam cũng chưa có bác sĩ dinh dưỡng, nên nói như một cầu thủ đang chơi cho một CLB phía bắc: “Tôi nặng 72 kg, cao 1 m 74 nhưng ăn cùng mâm, hưởng chế độ dinh dưỡng y hệt với đồng đội của tôi trong khi anh ấy chỉ nặng 65 kg, cao 1 m 68. Chả ai khuyên chúng tôi ăn uống như thế nào. Dù đầu bếp nấu nhiều món lắm, tôm, cua, gà, cá, đủ cả. Thực đơn phải nói là “tùm lum” nhưng có thể phù hợp với người này mà lại không hợp với người khác”.
Bình luận (0)