V-League 2020: Vượt qua đại dịch, về đích thành công

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
09/11/2020 09:38 GMT+7

Chiều qua V-League 2020 đã kết thúc, để lại một ấn tượng đặc biệt bởi sự thành công ngoài mong đợi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 “đỏng đảnh” phát đi, tái lại ở Việt Nam, còn thế giới vẫn đang “đảo điên” với nó.

Để chính thức khởi tranh các giải bóng đá quốc nội, trong đó có V-League 2020, Ban tổ chức (BTC) phải cân đo đong đếm, dời qua đổi lại nhiều lần. Đã có những lúng túng nhất định từ phía BTC và các CLB trong quá trình tìm kiếm phương án tổ chức cho giải đấu này. Không ít thời điểm những tưởng sẽ “vỡ giải” do giữa BTC và nhiều CLB “mỗi phía một phách”, không ai chịu ai. Nhưng khi mà mọi thứ có vẻ hỗn loạn vì sự chia rẽ theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau, như kẻ “chủ chiến” - tức đá tiếp, người “chủ hòa” - tức kết thúc sớm, trao giải và bên còn lại muốn hủy giải, thì cuối cùng guồng quay V-League vẫn tiếp diễn để về đích thành công là nỗ lực đáng khen của nhà tổ chức.
Để được như vậy, BTC phải thay đổi thể thức thi đấu cho phù hợp với tình trạng “bình thường mới”. Các đội không đá theo thể thức sân nhà - sân khách kéo dài nữa mà phải tranh chấp theo 2 giai đoạn, phân nhóm tranh trụ hạng và tranh vô địch ở phần sau mùa giải. Điều này vô hình trung tạo ra động lực cho các CLB và đẩy kịch tính giải đấu lên rất cao. V-League từ đó cũng nóng lên ở nhiều trận đấu, mọi vị trí, mọi cấp độ.

Pedro, cầu thủ ngoại chơi tốt nhất V-League

Khả Hòa

Trong cuộc đua vô địch, sự nóng bỏng được duy trì gần như toàn bộ giai đoạn 2. Thậm chí đến giờ chót mà có đến 4 gương mặt ứng viên tranh vô địch như Viettel, Hà Nội, Sài Gòn và Than Quảng Ninh thì đúng là một mùa giải hiếm có. Rồi ở vòng cuối cùng, người hâm mộ phải “phân thân” cho “2 trận chung kết” diễn ra ở sân Thống Nhất (TP.HCM) và sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) để xác định ai là quán quân V-League năm nay cũng là câu chuyện khó quên.
Nhưng nhân tố Sài Gòn FC cũng chính là điểm nhấn đáng chú ý. Đội bóng này chỉ được xác định “thường thường bậc trung” nhưng từ ngày về với ông chủ mới họ đã tạo ra diện mạo hoàn toàn khác. Sài Gòn FC dưới bàn tay ông Vũ Tiến Thành, Chủ tịch, kiêm HLV trưởng, đã “lột xác” để trở thành đối trọng của những “ông kẹ” V-League, đồng thời họ cũng tự nâng cấp mình thành gương mặt ứng viên sáng giá cạnh tranh chức vô địch đến tận vòng đấu áp chót. Đội bóng này thậm chí còn không chịu số phận hạng 3 mà đã thi đấu tận hiến với Viettel trong trận cuối cùng của mùa giải trên sân Thống Nhất nhằm nỗ lực tìm vị trí á quân.
Tương tự, cuộc chiến trụ hạng cũng tạo ra cảm xúc cho người hâm mộ đến tận vòng cuối thuộc giai đoạn 2. Muốn biết Nam Định hay Quảng Nam rớt hạng, người hâm mộ phải nghe ngóng và trông chờ ở hai nơi là sân Vinh và sân Lạch Tray.

Sài Gòn FC nỗ lực tận hiến xuất sắc giành hạng ba

Khả Hòa

V-League năm nay cũng giới thiệu những nhân tố mới đầy hứa hẹn như Nguyễn Hai Long (Than Quảng Ninh), Phạm Văn Long (SHB Đà Nẵng), Lý Công Hoàng Anh (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Lê Văn Xuân, Đặng Văn Tới, Bùi Hoàng Việt Anh (Hà Nội) hay Cao Văn Triền, Huỳnh Tấn Tài (Sài Gòn FC), Hoàng Phương (B.Bình Dương)... bên cạnh phong độ ấn tượng của Quang Hải, Văn Quyết (Hà Nội), Pedro, Geovane (Sài Gòn FC), Bruno, Hồ Khắc Ngọc (Viettel), Công Phượng (TP.HCM), Tô Văn Vũ, Hồ Tấn Tài, Tiến Linh (Bình Dương), Giang Trần Quách Tân (Than Quảng Ninh)…
Tất nhiên, V-League chẳng phải toàn màu hồng, bởi cách thức tổ chức, công tác trọng tài, cách phân nhóm - tách nhóm, năng lực tài chính, tính chuyên nghiệp và phát ngôn tùy tiện, những phản ứng cá nhân thái quá... còn nhiều điều đáng bàn. Nhiều mùa giải qua, đó luôn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, không thể giải quyết ngay tức khắc.
Đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu làm đảo lộn mọi giá trị. Cộng đồng phải chấp nhận những điều bất thường để chuyển trạng thái thích nghi dưới cụm từ “bình thường mới”. Bóng đá cũng vậy! Nhiều quốc gia vận hành các giải đấu chuyên nghiệp trong tình trạng khán đài trống vắng. Thậm chí người ta còn phải sử dụng công nghệ làm giả tiếng ồn để tạo cảm hứng cho cầu thủ. Còn bóng đá Việt, trong đó có V-League, đã “bất chấp” điều đó, vượt lên hoàn cảnh để mở cửa cho hàng ngàn khán giả vào sân. Hình ảnh đông đảo người hâm mộ hò reo, cổ vũ trên các khán đài thậm chí được xem như là biểu tượng chiến thắng của chúng ta trước đại dịch toàn cầu.

Trọng Hoàng, gừng càng già càng cay

Khả Hòa

Tất nhiên, bóng đá Việt được sống là chính mình cũng nhờ công tác phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ, sự đồng thuận, chung tay của đồng bào cả nước. Và đó thật sự là nền tảng để V-League vượt qua đại dịch, hùng dũng về đích thành công, khép lại một mùa giải đặc biệt có một không hai trong lịch sử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.