Các giải chạy marathon nở rộ ở Việt Nam: Vui, khỏe nhưng phải an toàn

28/06/2020 08:56 GMT+7

Hàng chục giải chạy ra đời chỉ trong vòng 3 năm qua đã tạo cho thể thao quần chúng Việt Nam một diện mạo hết sức sôi động, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu các ban tổ chức không thực sự chuyên nghiệp.

Cứ tổ chức giải là có lãi

Theo khảo sát của Báo Thanh Niên, tính đến nay có gần 40 giải chạy được tổ chức trên toàn quốc; trong đó có thể chia làm 2 thể loại chính: Chạy đường bằng (road) với các cự ly 5 km, 10 km, 21 km, 42 km và chạy điều kiện tự nhiên (trail)  Đứng ra đăng cai các giải này hầu hết là những công ty tổ chức sự kiện, ví dụ như công ty Sunrise Events Việt Nam, ban tổ chức của các giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank (giải chạy thi đấu lớn nhất Việt Nam), TECHCOMBANK IRONMAN 70.3 Việt Nam (giải ba môn phối hợp lớn nhất Việt Nam) và Vinpearl Luxury Landmark 81| Race to the Summit (giải cầu thang bộ lớn & cao nhất Việt Nam); Công ty ĐHA quản lý các giải chạy road VPBank Marathon HaNoi, HaLong Heritage Marathon, CanTho Heritage Marathon; Công ty Pulse Active quản lý các giải chạy tại TP.HCM, Đà Nẵng...
Tập đoàn Topas Group quản lý các giải chạy trail như Việt Nam Mountain Marathon Sapa, PuLuong - Thanh Hóa, Mộc Châu - Sơn La, Nậm Cang; Công ty Vietnam MTB Series quản lý các giải chạy đường mòn, tự nhiên, 3 môn phối hợp, xe đạp leo núi (trong đó có giải Ultra Dalat). Ngoài ra còn nhiều công ty khác đứng ra tổ chức các giải phong trào. Tuy nhiên, các giải này có quy mô nhỏ và mang tính du lịch, giải trí nhiều hơn.
Chưa có số liệu chính thức, nhưng được biết đối với những giải lớn như vừa đề cập, kinh phí tổ chức có thể vào khoảng 8 - 10 tỉ đồng/giải. Vậy ban tổ chức (BTC) có lãi không? Một thành viên BTC giải chạy road tại Hà Nội cho hay: “Năm đầu tiên thường lỗ nhưng chúng tôi vẫn duy trì giải bởi biết tiềm năng kinh tế của những giải chạy kiểu phong trào là rất lớn. Từ năm thứ 2 trở đi sẽ có lãi. Chúng tôi có 2 nguồn thu chính: Phí tham dự của các VĐV và tiền đầu tư của các nhà tài trợ. Trung bình cứ 1 VĐV, BTC thu 1 triệu đồng. Một giải chạy thường có khoảng 4.000 VĐV hoặc hơn, BTC thu được trung bình 4 tỉ đồng. Một nhà tài trợ kim cương sẽ rót từ 3 - 4 tỉ đồng; ngoài ra có thể có tài trợ vàng, bạc, thu ít nhất từ 1 tỉ đồng/nhà tài trợ. Nếu làm truyền thông tốt, thu hút được nhiều nhà tài trợ thì lãi càng lớn. Cứ tổ chức giải là có lãi”.
Các giải chạy marathon nở rộ ở Việt Nam: Vui, khỏe nhưng phải an toàn1

Nhu cầu “check-in” là có thật

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF), lý giải về việc tại sao các giải chạy phong trào lại hấp dẫn đến như vậy: “Chạy địa hình đem lại những cảm xúc vô cùng đặc biệt bởi VĐV không chỉ được rèn luyện sức khỏe mà còn có cơ hội đánh thức những tiềm năng của chính mình. Ở những cự ly dài, thi đấu ở các địa hình khắc nghiệt, VĐV như được hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ, đẩy cơ thể đến ngưỡng mệt mỏi cao nhất. Họ trải qua những thử thách thực sự lớn, đối mặt với hình thái thời tiết xấu, những cung đường hiểm trở. Và khi vượt qua được những thử thách đó, VĐV cảm giác vượt được giới hạn của bản thân. Chạy marathon trên đường bằng cũng có những cái thú vị riêng. Đó chính là một trong những câu trả lời xác đáng cho việc mấy năm qua số lượng VĐV của các giải đã lên đến hàng chục ngàn người và sẽ còn phát triển hơn nữa”.
Chị Bùi Hồng Minh, kế toán trưởng một công ty truyền thông tại Q.1, TP.HCM, chia sẻ marathon đã mang lại cho chị rất nhiều thứ, từ sức khỏe, sự tươi trẻ đến niềm vui trong cuộc sống. “Trước khi đến với marathon, mỗi khi đi công tác hay đi du lịch, tôi luôn bị say tàu xe khiến mọi người phải lo lắng, chăm sóc. Từ ngày tập marathon, tôi không những hết say tàu xe mà ai gặp cũng khen ngày càng tươi trẻ”, chị nói. Từ chinh phục 2 - 3 km 3 lần trong 1 tuần, chị Minh tăng lên 5 km rồi 10 km, 21 km và bắt đầu tham dự các giải marathon từ năm 2017 đến nay. Sau khi chinh phục thành công cự ly 21 km ở các giải trong năm 2019 tại TP.HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Hậu Giang, Vũng Tàu, chị đang rèn luyện để chuẩn bị tranh tài cự ly 42 km vào tháng 12 tới.
Bà Mai Thúy Hà, thành viên BTC một giải chạy tại Đà Nẵng, cho hay: “Đến với các giải chạy, họ gặp được những người bạn cùng sở thích, đam mê. Họ thích “check-in” để khoe trên Facebook và nếu nỗ lực giành được huy chương, họ không ngại ngần chia sẻ cho... cả thế giới và truyền lửa đến cộng đồng”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm: “Đúng thế, nhu cầu “check-in” là có thật và cũng chính đáng. Trong số hàng chục ngàn người thường xuyên chạy, rất ít người có khả năng tranh chấp thứ hạng đầu tại các giải đấu vì trình độ giữa họ và các VĐV chuyên nghiệp (VĐV đội tuyển các tỉnh, thành) có khoảng cách khá xa. Những người chạy có thể tự tập luyện hoặc thành lập các hội nhóm. Họ đến với các giải chạy như đến với một sân chơi lành mạnh. Tất nhiên sân chơi đó phải an toàn”. 
Cần thẩm tra kỹ hồ sơ xin phép tổ chức giải
Một trong những bất cập của các giải chạy tại Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước về thể thao tại các tỉnh, thành còn dễ dãi khi cấp phép mà chưa thẩm tra kỹ hồ sơ xin phép tổ chức giải; nhận thức chưa đầy đủ của các đơn vị tổ chức về các điều kiện đảm bảo để giải an toàn, đặt vấn đề lợi nhuận lên trên các vấn đề chuyên môn.
Để có thể quản lý tốt hơn các giải chạy trong thời gian tới, Tổng cục TDTT và VAF cần xây dựng các văn bản pháp lý, các quy chuẩn, tiêu chuẩn tổ chức giải, tiến hành phân loại và xếp hạng các giải chạy. Chỉ cấp phép tổ chức cho các giải đạt được các yêu cầu tối thiểu về chuyên môn. Bên cạnh đó cần xây dựng giáo án, bài tập để hướng dẫn người chạy tập luyện đúng cách, tránh được những chấn thương và rủi ro trong tập luyện và thi đấu, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý với từng mức độ tập luyện khác nhau hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, năng động và tràn đầy năng lượng. 
Trung Ninh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.