Nhật Bản sẽ mất ít nhất 6 tỉ USD khi Olympic 2020 hoãn sang năm 2021

Tây Nguyên
Tây Nguyên
24/03/2020 21:46 GMT+7

Ngoài những thách thức rất lớn, chủ nhà Nhật Bản sẽ mất ít nhất 6 tỉ USD sau khi đạt được thỏa thuận hoãn Olympic 2020 sang năm 2021 do dịch Covid-19 .

Quyết định hoãn Olympic 2020 sang năm 2021 được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, các thành viên ban tổ chức địa sự kiện và Chủ tịch IOC Thomas Bach. Theo đó, trước mối lo đại dịch Covid-19, Olympic năm nay (dự kiến khai mạc ngày 24.7 tại Tokyo) sẽ hoãn sang năm 2021 và dự kiến diễn ra trong mùa hè.
Các nhà kinh tế học tại SMBC Nikko Securities của Nhật Bản cho biết, với việc hoãn Olympic 2020 nước chủ nhà sẽ mất khoảng 6 tỉ USD. Tuy nhiên, khoản thâm hụt này được hy vọng sẽ được bù lại nếu như Olympic vào năm 2021 được tổ chức thành công. Trong khi đó, nếu hủy Olympic 2020, Nhật Bản sẽ đối mặt với việc ít nhất hơn 12,5 tỉ USD và khoảng 3,3 tỉ USD tài trợ "bốc hơi". Một số nhà kinh tế khác ước tính, nếu Olympic 2020 bị hủy, Nhật Bản sẽ mất không dưới 40 tỉ USD. 
Ngoài ra, việc hoãn Olympic 2020 sẽ khiến IOC và Nhật Bản đối mặt với một “núi” thách thức để sắp xếp lịch trình, địa điểm thi đấu, cơ sở vật chất và các công tác hậu cần khác.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo với truyền thông về việc hoãn Olympic 2020

AFP

Các nhà tổ chức Tokyo 2020 đã chỉ ra sự phức tạp - chưa kể đến chi phí - khi trì hoãn Olympic. Trong đó, thậm chí không rõ ràng địa điểm sẽ có sẵn và hàng chục ngàn phòng khách sạn sẽ cần phải được hủy bỏ để đặt lại. Michael Payne, cựu giám đốc tiếp thị của IOC, nói: "Thật phức tạp khi phải thay đổi đột ngột sau bảy năm chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới".
Tuy nhiên, vấn đầu khiến IOC đau đầu nhất chính là việc Olympic diễn ra vào mùa hè năm 2021 sẽ đối mặt với một thời điểm “đông đúc” các sự kiện thể thao khác như giải vô địch bơi lội và điền kinh thế giới, do tổ chức giải vô địch thế giới vào mùa hè đó. Tuy nhiên, Liên đoàn Điền kinh thế giới trong thông báo mới nhất cho biết họ đã chuẩn bị thay đổi giải vô địch thế giới năm tới (dự kiến diễn ra từ ngày 6 - 15 tháng 8 năm sau tại Mỹ) để phù hợp với lịch trình Olympic. Dẫu vậy, Olympic năm tới không những “đụng” Giải bơi lội thế giới (diễn ra từ ngày 16.7), mà còn gặp khó về nhiều vấn đề khác do Euro, Copa America cũng diễn ra vào mùa hè năm 2021 (dự kiến khởi tranh từ ngày 11.6).
Thế nhưng, ban tổ chức sẽ còn nhiều vấn đề cực kỳ phức tạp. Ngoài “cơn ác mộng” hậu cần, 43 địa điểm thi đấu cũng là vấn đề nan giải cho IOC khi không ít địa điểm chỉ dựng lên tạm thời hay tái sử dụng và một số khác đã ký hợp đồng tổ chức các sự kiện văn hóa vào năm tới, đặc biệt là sân vận động Olympic tại Tokyo - nơi dự kiến diễn ra các hoạt động chính của Thế vận hội năm nay.

Chủ nhà Nhật Bản sẽ phải đau đầu về vấn đề hậu cần khi Olympic 2020 hoãn

AFP

Một khó khăn khác là làng VĐV (21 tòa nhà, cao từ 14 - 18 tầng, có thể cung cấp chỗ ở cho 18.000 VĐV) trước đó đã có kế hoạch cải tạo chuyển đổi thành căn hộ cao cấp sau Olympic 2020, trong đó một lượng lớn đã được bán. Vì vậy, vấn đề chỗ ở cho các đoàn thể thao sẽ trở thành một thách thức khác cần phải giải quyết, trong đó khả thi nhất là Nhật Bản tạm hoãn các hợp đồng chuyển đổi dự án và bán căn hộ. Bởi trên thực tế, ngay trước thềm Olympic 2020 bị hoãn vì dịch Covid-19, Nhật Bản đã đối mặt với nguy cơ thiếu trầm trọng khách sạn, chỗ ở cho du khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.