Thể thao Việt Nam: Để huy chương Olympic không còn quá xa vời

03/08/2021 08:58 GMT+7

Không chỉ phải nhìn nhận rõ yếu kém của thể thao nước nhà trong quá trình hội nhập với sân chơi thế giới mà đã đến thời điểm cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy cũng như hành động một cách kịp thời, quyết liệt để huy chương Olympic không còn quá xa vời với VĐV Việt Nam.

"Phải điều chỉnh quan điểm đầu tư"

Đó là phát biểu của ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam. Ông Phấn thừa nhận: “Olympic là đấu trường rất khó khăn và còn khoảng cách rất xa với thể thao Việt Nam. Những tấm HCV, HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh; HCB taekwondo của Trần Hiếu Ngân; HCB, HCĐ cử tạ của Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn chỉ là những điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư trước đó.
18 suất tham dự Olympic 2020 đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của thể thao Việt Nam tại Olympic. Các VĐV Việt Nam đến Olympic 2020 theo các con đường khác nhau: VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng đoạt chuẩn A và kết quả thi đấu của Huy Hoàng cũng đã thể hiện rõ điều đó. Một nhóm các VĐV khác đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số VĐV đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có VĐV qua vòng loại như điền kinh và bắn súng... Điều này cũng cho thấy, trình độ của thể thao Việt Nam còn thấp so với quốc tế”.

Trưởng đoàn thể thao VN Trần Đức Phấn động viên đoàn TTVN tại Olympic

ảnh: Thu Sâm

Ông Trần Đức Phấn nhận định: “Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên có những nội dung, VĐV thi đấu đạt được mục tiêu đề ra, có một số nội dung VĐV thi đấu chưa đạt được, thậm chí là thấp hơn thành tích mà VĐV đã đạt được trong thời gian vừa qua như taekwondo, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn cung, judo. Đây là những môn hy vọng sẽ có những đột phá tại Olympic lần này, trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài (taekwondo) nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích và điểm hạn chế, bộc lộ rõ nhất vẫn là thể lực.
Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến nguyên nhân khách quan, suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới. Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn”.

Quách Thị Lan không vào được chung kết

Niềm hy vọng của điền kinh VN Quách Thị Lan đã chơi đầy cố gắng tại Olympic sau khi vượt qua vòng loại cự ly 400 m rào với vị trí thứ 4 nhóm 3 lọt vào bán kết. Tuy nhiên ở vòng thi bán kết 1 vào chiều qua trời mưa lớn đã làm ảnh hưởng thành tích các VĐV. Quách Thị Lan về hạng 6/8 VĐV với 56 giây 78. Kết quả này của cô thua thành tích vòng loại là 55 giây 71. Như vậy, đoàn thể thao VN đã kết thúc toàn bộ các cuộc thi đấu tại Olympic 2020 khi không đạt bất cứ tấm huy chương nào.   
                                                                                                                                    Hoàng Quỳnh
Trả lời câu hỏi: “Thể thao Việt Nam rút ngắn dần khoảng cách với thế giới bằng cách nào?”, ông Trần Đức Phấn nói: “Để giải quyết được bài toán đầu tư, làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1 - 2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của thể thao Việt Nam sẽ đến Olympic với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương. Sau Olympic 2020, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT-DL để giải quyết mục tiêu này”.

Bộ máy tổ chức ngành thể thao chưa ổn định

Chưa tạo cơ hội cho tài năng từ Olympic trẻ tạo sức bật

Chuyên gia Trần Văn Mui, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói: “Năm 2018 VN cử 11 VĐV tham dự Đại hội Olympic trẻ tại Buenos Aires, Argentina và có 2 HCV. Một của Nguyễn Huy Hoàng môn bơi cự ly 800 m với thành tích 7 phút 50 giây 20 lập KLQG và HCV còn lại của Ngô Sơn Đỉnh môn cử tạ hạng 56 kg thành tích cử giật là 114 kg và cử đẩy 148 kg, tổng cử là 262 kg. Olympic trẻ là giải dành cho VĐV từ 14 - 18 tuổi. Nếu các tài năng của mình có huy chương trẻ rồi thì việc cần đầu tư mũi nhọn quá thiết yếu. Nhưng Huy Hoàng ở Olympic Tokyo bơi 800 m không hơn 3 năm trước. Còn Ngô Sơn Đỉnh từ sau Olympic trẻ bây giờ ra sao, lỗi này tại ai? Trong khi đó Evgeny Rylov người giành 2 HCV cho Nga ở môn bơi ngửa 100 m và 200 m là tài năng đi lên từ Olympic trẻ này. Điều đó chứng tỏ VN thiếu một kế hoạch rõ ràng, chẳng có đầu tư chiều sâu để biến những hạt ngọc từ Olympic trẻ thành tài năng lớn ở Olympic”.   
 T.K
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh nói: “Phát biểu của Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đã phần nào nhận diện được tương đối chính xác thực trạng và bức tranh toàn cảnh của thể thao Việt Nam cũng như mô tả được sự khó khăn của Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho đấu trường khốc liệt nhất thế giới. Cách đây hơn 10 năm, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, trong đó nói rõ mục đích, chủ trương về các biện pháp giải quyết đầu tư cho thể thao Việt Nam, tập trung vào một số môn, một số nội dung, đầu tư cao cho một số VĐV mũi nhọn để giành huy chương Olympic và các giải vô địch thế giới. Tuy nhiên trên thực tế vì các lý do khác nhau, trong đó có việc sáp nhập ngành thể thao vào bộ đa ngành nên chúng ta đã không thể tổ chức thực hiện được nhiều mục tiêu đặt ra trong chiến lược.

Ánh Viên cần đầu tư tốt chứ không thể để tình trạng như vừa qua

ảnh chụp màn hình

Cuối năm 2010, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về tăng cường TDTT trong tình hình mới cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân làm cho thể thao Việt Nam yếu kém. Trong đó, có thể kể đến nguyên nhân là bộ máy tổ chức ngành thể thao chưa ổn định; xã hội hóa TDTT còn chậm kém hiệu quả; đầu tư cho phát triển TDTT chưa đúng mức. Đúng là thể thao Việt Nam luôn đứng ở vị trí dẫn đầu SEA Games nhưng cần lưu ý rằng trình độ của thể thao Đông Nam Á nhìn chung rất thấp. Còn Olympic lại là một câu chuyện hoàn toàn khác mà nếu không sớm khắc phục những yếu kém thì thể thao Việt Nam sẽ mãi tụt hậu”.

Tạo đòn bẩy kiếm tiền cho các liên đoàn

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, những tấm huy chương mà Việt Nam có được ở một số kỳ Olympic là thành quả của sự chuẩn bị lên đến 10, 15 năm, thậm chí hơn. Từ Olympic 2016 đến Olympic 2020, thời gian quá ngắn để chúng ta tạo ra một thế hệ VĐV tài năng mới vượt trội, có thể gánh vác trọng trách giành thành tích. Ông Minh nhắc lại: “Quá trình chuẩn bị cho Olympic đòi hỏi phải nhiều năm, được thực hiện có hệ thống và hệ thống đó phải được giám sát chặt chẽ. Tôi cũng xin nhấn mạnh thêm một yếu tố rất quan trọng đó là phải đầu tư tốn kém cho thể thao thành tích cao. Nếu không đó sẽ tiếp tục là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự chậm phát triển của thể thao Việt Nam. Vấn đề này tôi đã trả lời Báo Thanh Niên và nay khẳng định lại.

Đỗ Thị Ánh Nguyệt nếu được đầu tư tốt vẫn có thể hy vọng

Reuters

Trên thực tế, luật TDTT (được sửa đổi năm 2018) chưa được áp dụng một cách có hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước chưa mạnh dạn giao quyền cho các liên đoàn thể thao để các liên đoàn có thể tự chủ và huy động được các nguồn lực xã hội. Ngược lại các liên đoàn thể thao lại thụ động, còn tỏ ra yếu kém nên không thu hút được khoản đầu tư từ xã hội hóa. Không có nguồn lực từ xã hội thì không thể đầu tư cho thể thao thành tích cao. Đã đến lúc phải thay đổi cơ chế quản lý nhà nước về TDTT, để tạo đòn bẩy cho các liên đoàn thể thao phát huy được thế mạnh của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.