Quyết định tăng viện trợ quân sự, có thể bao gồm vũ khí, cho phe nổi dậy Syria là bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với vấn đề này. Nó khiến người ta liên tưởng đến những gì mà người tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama và cộng sự đã làm để kiếm cớ phát động cuộc chiến Iraq cách đây 10 năm.
Ngày ấy, Mỹ dựng chuyện có vũ khí hủy diệt ở Iraq để đưa quân đến lật đổ chính thể nước này. Bây giờ, ông Obama cho rằng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học và vượt qua “giới hạn đỏ” của Mỹ. Trước đó, Pháp và Anh cũng đã tuyên bố như vậy nhưng cả ba đều không đưa ra được bằng chứng nào cả. LHQ cũng không tiến hành điều tra. Có thể nhận thấy chuyện có bằng chứng xác thực hay không đâu quan trọng gì và lại càng không phải tác nhân quyết định. Về phương diện này, trong thực chất ông Obama chẳng khác gì người tiền nhiệm.
Mỹ thay đổi quan điểm vì phe nổi dậy ngày càng yếu thế ở Syria và “giới hạn đỏ” chỉ là cái cớ để Mỹ vực họ dậy. Tuy như vậy có nghĩa là bắt đầu can dự trực tiếp vào Syria nhưng Mỹ vẫn phải đề phòng vũ khí lọt vào tay Hồi giáo cực đoan cũng như phải lưu ý phản ứng của Nga và tránh nguy cơ sa lầy. Washington vẫn có chủ ý cùng Moscow tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria nhưng hậu thuẫn phe chống đối để họ có lợi thế trong giải pháp đó. Ngựa lại lần theo đường cũ dù chưa hung hăng và hiếu chiến như lần trước. Nhưng khác biệt giữa Mỹ và Nga lại trở nên sâu sắc hơn, chiến sự sẽ leo thang và giải pháp chính trị ngày càng thêm khó đạt được.
La Phù
>> 93.000 người chết trong nội chiến Syria
>> Kho vũ khí hóa học Syria vẫn là một ẩn số
>> Iraq phát hiện xưởng chế tạo vũ khí hóa học của al-Qaeda
>> Vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria?
>> Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có bằng chứng Syria dùng vũ khí hóa học
>> Vũ khí hóa học Syria có thể đe dọa Mỹ
>> Syria đề nghị Nga điều tra cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học
>> Mỹ tố Syria sử dụng vũ khí hóa học
>> Tướng Israel tố cáo Syria dùng vũ khí hóa học
Bình luận (0)