Theo HoREA, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, có thể nói năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất và năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Vì thế cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng.
Bên cạnh vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp thì vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các khoản vay tín dụng đến hạn cũng kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn.
HoREA cho biết, hiện nay, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có chấp thuận chủ trương đầu tư và tài sản bảo đảm cho khoản vay là đúng quy định pháp luật. Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng thương mại còn yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có giấy phép xây dựng. Đây là "giấy phép con", làm khó cho doanh nghiệp bất động sản và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.
Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có giấy phép xây dựng thì mới được vay vốn tín dụng.
Đối với doanh nghiệp bất động sản có khoản vay tín dụng quá hạn bị chuyển thành nợ xấu thuộc nhóm 2, nhóm 3 có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện dự án, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng được xem xét giải quyết đối với trường hợp doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư và có tính khả thi; có tài sản bảo đảm cho khoản vay tín dụng; được tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi. Đồng thời ngân hàng cần xem xét theo từng trường hợp cụ thể.
Cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm để vượt qua thời điểm khó khăn có tính sống còn trong năm 2023. Bên cạnh đó hỗ trợ người mua nhà được vay vốn tín dụng, để hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững; đồng thời có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.
Bình luận (0)