1. Khoảng sân rộng đã vãn người. Đêm thơ Nguyên tiêu kết thúc, tiếng ngâm thơ, hát quan họ, chầu văn… đã lắng xuống nhường chỗ cho ánh trăng và hương đêm thơm ngát, thênh thang. Anh vẫn ngồi lặng lẽ bên ghế đá phía ngoài công viên, dù ánh mắt cứ hướng về người phụ nữ ngồi một mình bên sân khấu trống không. Nàng hơi cúi đầu nhìn xuống mặt đất tràn ngập ánh trăng, nét mặt nàng trầm lặng, mái tóc cắt ngắn đến vành tai, và bộ áo lam mỏng manh trong làn gió đêm phảng phất. Anh cảm thấy mình nhìn rõ cả đôi chân nàng khẳng khiu và yếu ớt lọt thỏm trong đôi guốc mộc.
Anh đến từ chiều tối, trước cả giờ hẹn, nhưng anh lần lữa mãi không dám cho nàng biết là mình đã đến… Đầu tiên là khi thấy nàng mặc áo dài màu trắng ngà ngồi ở bàn đại biểu, anh liền nhớ đến những giấc mơ thời thơ ấu: nàng ngồi trên kiệu rước lên núi, gương mặt rạng rỡ như trăng rằm. Rồi khi một khúc quan họ cất lên, anh ngồi lặng người nghe những làn điệu quê hương, mà nhớ những ngày phải từ giã tuổi thơ, rồi chia lìa với nàng. Hết chương trình, nàng biến đi đâu một lát, rồi quay lại trong bộ áo pháp lam và ngồi vào chỗ cũ một mình. Anh cảm thấy tinh thần xao động, không biết nàng thay bộ áo đó có ý gì, và suốt mấy tiếng đồng hồ nàng cũng chẳng hề liên lạc lại với anh.
Bà lão mặc bộ bà ba bằng vải gấm trắng từ đâu xuất hiện, lững thững đi qua anh. Lúc hơn 7 giờ tối, công viên rất đông người, trăng chưa lên cao, đèn cao áp chiếu sáng cả một vùng, bà chống gậy đi trong sân nhưng mắt cứ nhìn anh không rời. Rồi anh lại gặp bà khi bước lên đền thờ dâng hương cho Quốc tổ Hùng Vương… Khi sắp đi qua anh bà chợt dừng lại, móm mém cười với anh. Từ bà tỏa ra mùi xà bông trầm nồng ấm, ánh mắt bà tươi sáng làm anh vụt liên tưởng đến nàng khoảng hai, ba mươi năm sau…
- Chú gì ơi! Chú là thầy giáo của cô nhà tôi phải không? Chú không biết cô ấy đợi chú mãi hay sao mà còn ngồi đây?
Anh lễ độ cúi đầu chào bà, bà lão tiếp tục phô nụ cười thật đẹp của mình rồi đi ra cổng. Dưới chân đền thờ Quốc tổ, nàng vẫn ngồi im, gương mặt nghiêng nghiêng dưới ánh trăng rằm trông ngoan hiền như một nữ sinh. Nhưng cứ ngước nhìn lên anh lại thấy nhói lòng!
Đã hơn mười giờ đêm rồi, anh quyết định đứng dậy. Bước chân anh rời rạc, tưởng như bước đi mãi không thể đến bên cạnh nàng. Anh như bơi trong giấc mơ mà anh đã mơ biết bao lần: đến bên cạnh nàng trong một đêm trăng thanh gió mát thế này, được nhìn ánh mắt nàng trong veo như cái thời thanh xuân ấy… Được sống lại khoảnh khắc đã bao năm vụt mất… Anh đã chờ đợi mấy mươi năm rồi, lại thêm một mùa xuân, một đêm trăng, và những giờ ngồi lặng lẽ sau khóm cây xào xạc, dù ở rất gần nàng…
- Anh!
- Em vẫn đợi anh…?!
- Vâng, em đã hứa sẽ đợi anh mà…
- Cảm ơn em, cuối cùng chúng ta đã được gặp nhau. Mà sao… em hẹn anh ở đây, vào lúc đêm muộn thế này?
Anh đút tay vào túi quần để giấu đi điệu bộ lúng túng. Nàng ngước lên nhìn anh, cái nhìn đằm thắm giữa những quầng thâm và vết chân chim chằng chịt quanh đôi mắt. Cái nhìn khiến anh giật mình.
- Bởi vì… Sau đêm nay, em sẽ không còn được tự do nữa…
2. Chẳng lẽ đây lại là định mệnh, anh trở về tìm em thì em lại ra đi?
Suốt những năm tháng thiếu niên, anh đã từng mơ được nắm lấy tay nàng, ôm lấy nàng và hôn lên mái tóc dài thắt bím… Anh và nàng cùng học một trường, cùng đi cắt cỏ chăn trâu, cùng đẩy chiếc xe cải tiến chạy vòng vèo trên mặt ruộng khô nứt nẻ. Bố mẹ hai nhà cũng chơi thân với nhau, thường đổi công ruộng cho nhau nên hay bàn sinh kế cùng nhau. Có lần, khi chở nàng đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng đổi bằng cả năm lương của người chú ruột, anh đã nói với nàng: "Bố mẹ anh bảo mai đây lập nghiệp ở đâu cũng phải tìm nơi trồng được cây lúa nước, đào được cái giếng thơi. Anh… xung phong đào giếng!". Nhưng cầm chiếc xà beng đào được nửa ngày thì anh bỏ cuộc với bàn tay rướm máu. Chuyện qua đi hơn 30 năm rồi, không biết nàng còn nhớ không. Nhưng anh nhớ như in rẻo đất sỏi đá ấy, chân đồi hoang vu ấy; nhớ cả những cành cây xù xì ngạo nghễ trên đầu anh. Và nàng, nhìn anh bằng đôi mắt tròn to, thoáng buồn, chiếc quang gánh trên vai nàng có sách vở của cả hai mang theo từ quê nhà. Anh quẳng xà beng, và nàng quay gót. Mới đó mà hơn 30 năm… Giờ nơi đó đã thành phố thị, thành trung tâm thương mại.
Suốt những năm tháng thiếu niên, cho đến bây giờ, anh chưa từng được cầm tay, chưa từng được ôm lấy nàng. Nhưng anh nhớ như in cơn run rẩy khi đi cùng nàng lên viếng đền Hùng năm mười sáu tuổi. Anh bẻ gậy cho nàng, rồi giả bộ mệt để cầm chung cây gậy ấy. Nhưng nàng cười thành tiếng, thả gậy ra nhường lại cho anh. Anh hít hà cái mùi hoa dẻ từ tay nàng bám trên đầu gậy. Sau khi cả hai vào đền thắp hương xong, anh quay lại nhìn nàng ngây dại, nhưng nàng lại cười to, đẩy vai anh về phía trước và nói:
- Ông bà mình bảo con trai con gái đưa nhau lên chùa chắc chắn sẽ không thành đôi đâu…
Lúc đó anh lắp bắp, chống chế: "Chúng mình lên đền, không phải chùa…". Nhưng nàng vẫn cười, phô hàm răng trắng tinh, đều tăm tắp và nhí nhảnh đáp lại: "Anh là con trai một, anh phải lấy vợ sớm, chứ em thì… còn lâu…".
Anh đã cố thuyết phục nàng rằng cả hai đều là con một, cả hai đều là con nhà nông… Thế nhưng, như một định mệnh, nàng đã ở lại còn anh phải ra đi… Anh không biết phải đi đâu, tìm gì nhưng con chữ đã theo anh. Và cách đây không lâu, khi ngỏ lời hẹn gặp, nàng đã thú nhận là nàng rất thích người yêu làm thầy giáo.
- Sao lại như thế? Anh vừa mới quay về, vừa mới tìm được em đây mà!
Anh thảng thốt hỏi lại nàng, mặc dù anh đã biết sự thể và muốn an ủi nàng. Lần hẹn này để nàng bù đắp cho sự xa cách hơn 30 năm qua, hay là để nàng trần tình, tâm sự về những sai lầm đã vấp phải… cho nhẹ lòng? Có lần nhìn thấy ảnh chụp nàng đi giữa đoàn quân danh dự, xuất hiện trên lễ đài long trọng trong ngày khánh thành công trình tái hiện đền Hùng, anh đã thầm rơi lệ. Mấy năm qua, anh vẫn mường tượng thấy nụ cười của nàng sáng ngời giữa những người đi thăm đền dịp lễ, tết, nhất là trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Có lẽ nàng mãn nguyện, nàng hạnh phúc. Công trình này có công lớn của nàng; người dân trong vùng cũng hết sức phấn khởi vì có nơi lui tới, thờ phụng, lại có cả không gian thư giãn, vui chơi. Có điều anh không ngờ được, đó là nàng đã không hề quên anh.
3. Em chỉ còn lo lắng một việc, đó là mẹ em. Bà già yếu, lại lẫn rồi. Em không ở nhà với mẹ, lấy ai chăm sóc bà! Mấy chục năm nay lúc nào mẹ con cũng có nhau…
- Có phải bà bác mặc bộ bà ba trắng là mẹ em? Ban nãy anh thấy bà đi ra ngoài kia…
Anh giơ tay chỉ ra cổng. Công viên rộng lớn hầu như không còn ai. Cơn gió đưa vị thanh mát từ những hồ sen nhỏ bay đến, anh đã ngồi ngắm sen nở trắng hồng lung linh suốt buổi tối. Những hàng cau, hàng dừa lay động. Ánh trăng thấm đẫm tấm áo lam trên người nàng.
- Không phải anh ạ, mẹ em không còn đi lại được. Bà bác kia nhà ở gần đây, chắc là con cháu đưa bà về nhà rồi. Thỉnh thoảng bà cứ đòi người nhà đưa ra đây vì có hẹn với người yêu của bà… Nhưng thực ra, người yêu cũ của bà đi bộ đội mất từ năm 1972, còn chồng bà cũng đã qua đời cách đây gần hai mươi năm rồi.
- Vậy hả em? Nhưng công viên này mới xây dựng được mấy năm thôi, bà bác hẹn với ai?
Anh hỏi lại, rồi chợt nhận ra câu hỏi của mình thật vô duyên nên im lặng. Ngồi lặng bên nhau đến mươi, mười lăm phút, anh đếm những cánh hoa trắng nhỏ bay qua khoảng không trước mặt họ. Lúc sau anh nhận ra đó là hoa cau, hoa mai chiếu thủy bị rụng và bị gió thổi bay.
- Anh có nhớ quê mình không?
Nàng khe khẽ hỏi anh, anh gật đầu thật nhẹ:
- Nơi đây rất đẹp em ạ!
Nàng nhìn anh hơi thảng thốt, còn anh trầm ngâm vì không biết nói thêm điều gì.
- Anh có lạnh không? Để em đưa anh lên đền thờ thắp hương nhé!
Anh đứng dậy theo nàng, bởi anh biết đây không phải là một câu hỏi. Nàng chỉ một lần hỏi anh có yêu ai chưa, và anh không đáp. Còn giờ đây, giọng nói của nàng như thỉnh cầu, mà cũng như khao khát, vội vàng khi đêm dần cạn... Anh bước đi sau dáng người nhỏ gầy của nàng, tránh không giẫm lên vệt guốc mộc của nàng. Hơn 30 năm trước, nàng tròn trịa, xinh xắn nhất làng, chân tay lúc nào cũng thoăn thoắt, người chưa nói đã cười. Còn bây giờ, nàng khoan thai, nhẹ nhõm, nhưng xa cách. Dù nhan sắc, vóc dáng cằn cỗi, còm cõi như người có bệnh kinh niên, áo quần lại rất đơn sơ, nhưng trông nàng vẫn sang trọng, quyền uy. Khi nàng bước nhanh để tránh mấy cô cậu đang tập đi xe đạp, anh bỗng cồn cào nhớ lại ngày xưa, anh đã từng chở nàng đi loạng choạng nhưng cũng vui vẻ và hớn hở giống như thế.
Hai người bước lên bậc tam cấp, một cậu thanh niên vội chào nàng, rồi lí nhí hỏi gì đó, nhưng nàng nhanh chóng vượt qua. Lúc đầu giờ tối, khi chương trình đêm thơ bắt đầu, anh đã lên đền thắp hương và đi một vòng ngắm nghía các pho tượng, trống đồng, hoa văn… Vì vậy, trong lúc nàng thành tâm đón lấy thẻ hương, khấn vái, thì anh lại để ý đến người trực đền thờ. Có lẽ ông là bảo vệ, kiêm thêm chân thủ từ ngoài giờ lễ chính; trông ông to lớn, đen nhẻm, chân tay lóng ngóng, tuổi chắc đã ngoài sáu mươi. Chỗ túi ngực áo của ông lộ ra phần góc mấy tấm ảnh, ban nãy anh còn thấy chúng ở trên tường, nơi cái góc khá sang trọng của đền thờ. Hai người thắp hương xong, anh theo nàng quay ra và người bảo vệ cũng ra theo. Nàng tỏ ra điềm tĩnh, bình thản như không, nhưng ra khỏi khu vực chính điện thì nàng quay lại, nhìn ông bảo vệ bằng đôi mắt rớm ướt:
- Năm nào chú cũng là người đợi tôi lên thắp hương, nhưng từ giờ chắc không phải đợi nữa đâu. Tôi có chút quà mừng tuổi chú, chúc chú và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và may mắn nhé!
Nàng lấy trong túi áo lam một bao lì xì giấy đỏ, và nhét nó vào túi áo người bảo vệ, mặc kệ ông xua xua tay. Người đàn ông lớn tuổi ồ ồ kêu lên: "Không cô ơi, tôi không có quà cho cô thì thôi, sao nỡ nhận của cô!", nhưng nàng chỉ mỉm cười và ngước nhìn anh, như muốn chia sẻ chút niềm vui hiếm hoi còn lại. Anh chẳng đáp lại ánh mắt ấy, vì mải nhìn túi áo của ông.
Nàng quay đầu nhìn lại. Rồi nàng đưa tay rút những tấm ảnh trong chiếc túi áo ấy ra xem. Ông bảo vệ vặn vẹo người, mặt méo xệch như người có lỗi. Anh cảm thấy đầu óc mình căng lên như sợi dây đàn, cơ thể bứt rứt tột cùng, dù nó đang cứng đờ nhìn theo cử động của nàng.
- Chú gỡ mấy tấm ảnh này ra làm chi? - Nàng khẽ khàng hỏi.
- Dạ, thưa cô! Thú thực là… tôi định gỡ nó mang về cất trong album gia đình. Vậy tôi yên tâm hơn…
- Chú nghĩ như vậy thật sao?...
- Vâng, thưa cô! Tôi không nỡ nhìn thấy cô bị đối xử tệ, chúng tôi mong cô sẽ luôn được bình an!
- Ôi, cảm ơn chú! Sao chú thương tôi đến vậy?! Anh…
Nàng nhìn anh rồi nghẹn ngào ôm chầm lấy người bảo vệ mà khóc, tiếng khóc nàng nức nở giấu vào ngực áo của ông. Những tấm ảnh từ tay nàng rơi xuống đất, anh vội nhặt lên. Đó là những tấm ảnh anh đã từng thấy trên mạng, khi gõ tìm tên của nàng, những tấm ảnh đầy lễ nghi, cao sang, đẹp đẽ, đánh dấu những thành công của nàng trên mảnh đất này, quê hương thứ hai của nàng. Trong khoảnh khắc ấy, anh chợt nhớ rằng suốt những năm tháng thiếu niên, nàng dường như luôn cười với anh, rất nhiều…
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng;
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện
(Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)