Thêm phiên bản thử nghiệm máy trợ thở

An Dy
An Dy
14/04/2020 19:46 GMT+7

Ngày 11.4, nhóm nghiên cứu Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã giới thiệu phiên bản demo máy trợ thở, với tham vọng sản xuất chống dịch Covid-19 .

Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng trường này, cho biết nỗ lực nghiên cứu, tiến đến sản xuất máy trợ thở của trường nhằm chung tay hỗ trợ Chính phủ trong công tác điều trị và phòng chống dịch trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 lây lan trên diện rộng.
Trường đại học này đã tập trung nguồn lực, nghiên cứu và bước đầu thử nghiệm thành công sản phẩm máy trợ thở với tên gọi là DTU-Vent.
“DTU-Vent hỗ trợ thở cho những bệnh nhân suy giảm khả năng hô hấp hoặc phù phổi cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào, gây rối loạn hệ miễn dịch và tổn thương nghiêm trọng đến hai lá phổi. Sản phẩm sẽ góp phần hỗ trợ các nhân viên y tế vượt qua thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao có thể cứu sống nhiều bệnh nhân suy hô hấp, đang nguy kịch vì dịch bệnh Covid-19”, tiến sĩ Lê Hoàng Sinh, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết.
Sản phẩm máy thở DTU-Vent là dòng máy thở không xâm lấn, cung cấp dòng khí oxy đến phổi ở một tần suất cố định thông qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi-miệng, đáp ứng nhanh một lượng khí lớn trong thời gian ngắn nhằm kích thích việc thở của người bệnh.
Máy được nghiên cứu phát triển để đáp ứng các thông số cấp cứu và điều trị các bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, DTU-Vent được thiết kế với 10 chế độ được cài đặt sẵn thông qua ước lượng chiều cao của bệnh nhân. Điều này giúp cho nhân viên y tế tiết kiệm thời gian và dễ dàng vận hành máy. Máy cũng được tích hợp pin với thời lượng sử dụng trong 3 giờ để có thể vận hành ngay tại hiện trường hoặc khi hệ thống điện gặp sự cố. 

Máy thở được nghiên cứu với tham vọng sản xuất hỗ trợ các bệnh nhân suy hô hấp do dịch bệnh Covid-19

An Dy

Hiện tại, máy có thể chạy được ở nhiều chế độ khác nhau như: kiểm soát áp suất, kiểm soát thể tích và đặc biệt là chế độ dựa theo tình trạng người bệnh để cung cấp hỗ trợ hô hấp cần thiết và tức thì.
Theo nhóm nghiên cứu, tỉ lệ các linh kiện phục vụ sản xuất máy được nội địa hóa ở mức cao nhất nên có thể chủ động khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Chi phí thiết bị và linh kiện nội địa "made in VietNam" được tính toán ở mức thấp nhất, không quá 20 triệu đồng/máy.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã cùng đại diện các Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ xem xét phiên bản demo của nhóm nghiên cứu để có hướng hỗ trợ việc thử nghiệm, xin cấp phép để có thể đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ các tình huống khẩn cấp của Covid-19.
“Đây thực sự là nỗ lực nghiên cứu khoa học vì cộng đồng của nhóm các nhà khoa học trẻ. Chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ về mọi mặt để sản phẩm có thể từ phiên bản thử nghiệm tiến đến giai đoạn sản xuất và phục vụ nhu cầu chống dịch Covid-19 của Đà Nẵng và Việt Nam…”, ông Thơ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.