Tạo nên những “cuộc đời” mới
Trong khu nhà xưởng được bao bọc bằng tôn cũ, chính giữa là một giếng trời, anh Nguyễn Quốc Dân (ở TP.Hội An, Quảng Nam) khoác trên mình bộ áo quần sặc sỡ, chi chít những đường chỉ thêu và đang say sưa sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ rác thải. Dọc lối đi giăng kín toàn phế liệu.
“Xưởng tái chế từ rác thải này tôi đã ấp ủ từ rất lâu mà giờ mới hoàn thành. Tôi không ngại đi khắp mọi nơi nhặt nhạnh những thứ bị bỏ đi mang về đây tái sinh, để cho chúng một hình hài, “cuộc đời” mới”, anh Dân mở đầu câu chuyện.
Một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ ma nơ canh |
Mạnh Cường |
Anh Dân sinh ra tại Hội An. Lên 3 tuổi, mẹ dắt anh rời quê vào Phan Thiết (Bình Thuận) sống, anh ở đây với tuổi thơ không nhà cửa, ngủ bờ bụi, gầm cầu, công viên... Khoảng thời gian 7 năm gắn bó nơi xa lạ, anh cùng mẹ đi khắp nơi kiếm sống, làm đủ việc: bán báo, bán trà đá, rửa chén, lau chùi quét dọn... Khi Dân 10 tuổi, hai mẹ con trở về quê. Vì quá nghèo và sức khỏe yếu do bệnh tật hành hạ nên mẹ anh phải vào sống trong trại xã hội, Dân được gửi vào trại mồ côi Hội An để được tiếp tục ăn học.
“Năm lớp 3 tôi bắt đầu cầm giấy bút đi vẽ ngoài đường. Tôi học vẽ chuyên nghiệp khi lên lớp 7 nhờ được một cặp vợ chồng người Mỹ phát hiện và tài trợ học phí đến lớp 12. Nghiệp hội họa cũng gắn với tôi từ đó”, Dân nhớ lại.
Khi được tự do trong cách nghĩ, không bị ràng buộc bởi điều gì, anh vẽ như để trút bỏ gánh nặng, buồn phiền. Anh lấy việc vẽ làm niềm vui hằng ngày. Anh vẽ đủ thể loại về cả những gì đã trải qua và những gì xuất hiện trong giấc mơ. Hết lớp 12, Dân rời trại mồ côi, đi làm nhiều nghề để kiếm sống, sau đó thi đậu vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Ra trường vào năm 2009, anh liền mở lớp luyện thi dành cho học sinh. Năm 2020, anh cùng vợ về quê, thuê miếng đất hơn 1.000 m2, mở “xưởng tái sinh” những thứ bỏ đi mà anh ấp ủ lâu nay. Anh đã thêm vòng đời mới cho những thứ tưởng chừng như bỏ đi. “Gọi xưởng tái sinh vì tôi muốn mang những thứ bỏ đi từ nhôm, nhựa, đồng, gỗ… thổi hồn vào đó, tạo thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị”, anh Dân nói.
Đến “bảo tàng tái sinh”
Nổi bật trong xưởng tái sinh của anh Dân là 3 lồng đèn lớn được làm từ bồn nước inox. Những tác phẩm này được lên ý tưởng theo ngành mỹ thuật phi lập thể. Từ bồn inox bỏ đi, anh cắt từng đường, cạnh khác nhau, sau đó kéo giãn nó ra. Những đường cắt sẽ hình thành họa tiết trang trí đẹp mắt, uyển chuyển… “Gia công một tác phẩm nghệ thuật thì rất dễ, nhưng điều khó nhất chính là ý tưởng. Từ một chiếc thau nhôm, bồn inox bỏ đi, muốn biến chúng thành một tác phẩm gì, việc này mất rất nhiều thời gian”, anh Dân chia sẻ.
Để có những tác phẩm như hiện tại, anh Dân hằng ngày phải rong ruổi trên các nẻo đường ở TP.Đà Nẵng, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hoặc tìm đến những cơ sở mua bán phế liệu để tìm mua lại. “Sống trong trại mồ côi từ nhỏ, hiểu hết nỗi vất vả của những người nghèo khó nên tôi luôn trân trọng từng thứ bỏ đi. Tôi luôn khát khao đem cái nhìn mới và nâng cao giá trị cho đồ phế liệu bằng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo”, chàng họa sĩ tâm sự.
Theo anh Dân, việc tái tạo những thứ dường như bỏ đi không chỉ tránh lãng phí, mà còn lan tỏa đến mọi người về giá trị của phế liệu. Hội An là điểm đến của nhiều du khách nên anh muốn góp phần lan tỏa, mang đến cho khách quốc tế một điểm nhấn nổi bật từ các sản phẩm của mình. Đến hiện tại, xưởng tái sinh của anh có khoảng 70 tác phẩm chủ yếu từ những vật dụng bỏ đi. Mỗi tác phẩm được anh Dân “thổi hồn” bằng phương pháp mỹ thuật phi lập thể.
Hằng ngày, xưởng tái chế của anh đón nhiều người yêu nghệ thuật đến xem và thưởng thức tác phẩm được anh tái sinh từ phế liệu. Trong đó, có nhiều người đến vì tò mò, lại có người đến vì yêu mến những tác phẩm này. Nhiều người cũng ngỏ lời mua lại các tác phẩm nhưng anh từ chối vì chỉ muốn để lại trưng bày. Mong muốn của chàng nghệ sĩ là thời gian tới có thể nâng cấp xưởng tái sinh, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật, đưa những thứ bỏ đi thành sản phẩm có ích với xã hội. “Tôi sẽ phát triển xưởng tái sinh thành “bảo tàng tái sinh”, mở cửa cho mọi người vào tham quan, từ đó truyền tải được những gì mình làm, mình đặt tâm huyết trong từng tác phẩm”, anh Dân trải lòng.
Bình luận (0)