BĂNG RỪNG, LỘI SUỐI VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU
Ngôi nhà cấp 4 mà gia đình anh Brôl Khuyên (người dân tộc Ve, trú thôn 48, xã Đắc Pring, H.Nam Giang, Quảng Nam) vừa dọn vào ở là căn nhà thứ 7 mà Huyện đoàn Nam Giang khánh thành, bàn giao cho người dân vùng biên. "Mái ấm vùng biên" này có diện tích gần 100 m2, mái lợp tôn, nền lót gạch men, cùng 3 phòng ngủ và không gian bếp, nhà vệ sinh khép kín..., tổng kinh phí gần 200 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, cho biết để hoàn thiện những mái ấm này, "biệt đội" thợ xây miền biên viễn đã góp công không nhỏ. "Biệt đội thợ xây này chủ yếu là những đảng viên trẻ, thủ lĩnh Chi đoàn người dân tộc Ve. Họ đã xây dựng và sửa chữa mới nhiều căn nhà cho những hộ nghèo, neo đơn… nhưng chưa bao giờ nhận một đồng tiền công nào. Từ khi có đội thợ áo xanh này, cuộc sống người dân vùng biên giới Việt - Lào có sự thay đổi đáng kể, điều này cũng góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia", anh Thế Anh nói.
Hai cha con anh Kring Gióng vừa dọn vào ở trong căn nhà mới xây kiên cố (trị giá hơn 100 triệu đồng) tại cụm dân cư Pêtapot, xã Đắc Pring. "Mái ấm vùng biên" này nằm đơn độc giữa rừng già và được xem là một kỳ tích của tuổi trẻ Nam Giang, mang đậm dấu ấn của "biệt đội" thợ xây. Do cụm dân cư nằm biệt lập giữa núi rừng nên phải huy động hơn 150 đoàn viên, thanh niên xuyên suốt hơn 2 tháng ròng băng rừng, lội suối. Riêng việc vận chuyển gần 7.000 viên gạch, 2 tấn xi măng, 40 tấn tôn, 1 tấn thép vào Pêtapot đã là một nỗ lực phi thường, vì tất cả phải dùng đến sức người để cõng, vác… vượt qua chặng đường hơn 16 km.
Để sớm hoàn thành ngôi nhà này, các đoàn viên, thanh niên phải ăn măng rừng, ngọn bí, lá sắn và muối ớt cùng một phần lương thực mang theo. Họ phải ngủ võng, thường xuyên bị vắt cắn, muỗi vàng đốt... Cuối cùng, đội thợ xây và hàng trăm thanh niên tình nguyện cũng đã hoàn thành căn nhà bê tông kiên cố lần đầu tiên được dựng lên ở cụm dân cư nơi vùng biên giới Việt - Lào.
"Có thể nói đây là căn nhà xây "lịch sử" ở vùng biên này, là món quà ý nghĩa của tuổi trẻ dành tặng hộ dân khó khăn. Để hoàn thành mái ấm quả thật không hề dễ dàng. Đây cũng là một dấu mốc mới cho sự đổi thay của bản làng hẻo lánh này", Bí thư Huyện đoàn Nam Giang khẳng định.
ĐỂ VÙNG BIÊN NGÀY CÀNG TƯƠI ĐẸP
Anh Hiên Cuôn (29 tuổi), thủ lĩnh của "biệt đội" thợ xây vùng biên viễn, kiêm giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn thôn 49A (xã Đắc Pring). Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, từ năm lên 8 tuổi, Cuôn đã mồ côi mẹ. Năm 2013, anh xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó được chọn là thanh niên tiêu biểu để đứng vào hàng ngũ của Đảng trong thời gian nhập ngũ.
Xuất ngũ, việc đầu tiên Cuôn nghĩ đến là phải đi học để kiếm việc làm, thoát nghèo. Anh vượt gần 200 km xuống TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) để học bổ túc THPT và học nghề xây dựng. Sau 3 năm, anh về lại quê nhà, đúng thời điểm nhu cầu xây dựng nhà cửa của bà con vùng biên tăng nhưng hiếm hoi lắm mới có đội thợ xây từ miền xuôi lên nhận công trình vì xa xôi. Với chuyên môn vừa theo học, Cuôn và một số anh em trong thôn lập đội thợ xây đầu tiên ở vùng biên giới.
Vượt đèo, lội suối vận chuyển vật liệu
Thủ lĩnh Cuôn cũng mở lớp đào tạo tay nghề cho anh em đoàn viên trong thôn, tính đến nay đã có gần 30 bạn trẻ được rèn nghề. Một số học viên sau đó tham gia các tổ, đội xây dựng, nhận nhiều công trình lớn, nhỏ trên địa bàn vùng biên. "Biệt đội thợ xây vùng biên viễn được thành lập khoảng 2 năm nay, với khoảng 10 thành viên. Đối với những hộ nghèo, neo đơn thì chúng tôi đều nhận làm miễn phí dù sửa hay xây mới. Hộ nào có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi còn đi kêu gọi thêm từ các tổ chức xã hội… Nhìn bà con sung sướng khi có nhà mới, anh em đều cảm thấy mãn nguyện vì công sức mình bỏ ra rất xứng đáng. Đồng lương chúng tôi nhận lại cũng chỉ cần những nụ cười của bà con", anh chia sẻ.
Anh Phông Thiện (28 tuổi, ở thôn 49B), người từng tham gia "biệt đội" thợ xây, cho hay ở vùng biên viễn này ai cũng khó khăn. "Nhưng mình còn trẻ, lại có sức khỏe thì nên giúp những người khó khăn hơn bằng việc làm thực tế nhất. Niềm vui của bà con cũng là niềm vui của chính mình. Chúng tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều "Mái ấm vùng biên" hơn nữa trong thời gian đến để bà con thoát khỏi cảnh khó khăn, để vùng biên cương ngày càng tốt đẹp hơn", Thiện tâm sự.
Anh Kring Gióng trước khi dọn vào căn nhà xây kiên cố tại cụm Pêtapot từng sống trong căn nhà gỗ nhỏ. Vợ anh bị lũ cuốn khi đi rẫy về, và cái chết này trở thành "cái chết xấu" theo tập tục của địa phương, nên anh phải rời bỏ nhà cũ đến nơi ở mới. Từ đó, Gióng cùng mẹ già và đứa con nhỏ phải sống tạm bợ trong căn nhà ở rẫy. Thấy hoàn cảnh của Gióng đặc biệt khó khăn, Huyện đoàn Nam Giang kêu gọi hỗ trợ xây nhà mới.
"Có nằm mơ mình cũng không nghĩ sẽ có nhà mới, mà còn là căn nhà bê tông, mái lợp tôn. Căn nhà bê tông này là căn nhà đầu tiên ở cụm Pêtapot được đoàn viên, thanh niên tặng nên mình rất vui và hạnh phúc", Kring Gióng nói.
Theo anh Bùi Thế Anh, ngoài "biệt đội" thợ xây do Hiên Cuôn thành lập thì hiện ở các xã Chà Vàl, Tà Bhing cũng đang xúc tiến thành lập những "biệt đội" thợ xây tương tự. Khi các đội thợ xây ra đời, sẽ có nhiều hơn nữa những công trình "Mái ấm vùng biên".
Bình luận (0)