Theo dấu người xưa - Kỳ 41: Thần kinh nhị thập cảnh qua sử sách

31/03/2013 00:15 GMT+7

Trong 20 thắng cảnh của cố đô Huế xưa, ngoài những thắng cảnh đã được giới thiệu, các thắng cảnh còn lại đều trong tình trạng hoang phế, đổ nát, còn chăng chỉ là qua những trang tư liệu xưa cũ mô tả lại.

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 40: Trang sử bi thương của cửa biển Thuận An

Theo bình chọn của vua Thiệu Trị, 20 cảnh đẹp được sắp xếp theo thứ tự gồm: 1/Lầu Minh Viễn trong Tử cấm thành (tên chữ Hán do vua Thiệu Trị đặt là Trùng minh viễn chiếu), 2/Vườn Thiệu Phương trong Tử cấm thành (Vĩnh thiệu phương văn), 3/Hồ Tịnh Tâm trong Kinh Thành (Tịnh hồ hạ hứng), 4/Vườn Thư Quang trong Kinh Thành (Thư uyển xuân quang), 5/Vườn Ngự trong Tử cấm thành (Ngự viên đắc nguyệt); 6/Hồ Nội Kim thủy trong Hoàng thành (Cao các sinh lương), 7/Cung Trường Ninh trong Hoàng thành (Trường Ninh thùy điếu), 8/Vườn Thường Mậu trong Kinh thành (Thường Mậu quan canh), 9/Chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân (Vân sơn thắng tích), 10/Cảnh biển Thuận An (Thuận hải quy phàm), 11/Cảnh sông Hương (Hương Giang hiểu phiếm), 12/Núi Ngự Bình (Bình lãnh đăng cao), 13/Quán Linh Hựu trong Kinh thành (Linh quán khánh vận), 14/Chùa Thiên Mụ (Thiên Mụ chung thanh), 15/Cảnh thượng nguồn sông Hương (Trạch nguyên tao lộc), 16/Cảnh phá Hà Trung (Hải nhi quan ngư), 17/Chùa Giác Hoàng trong Kinh thành (Giác Hoàng phạm ngữ), 18/Trường Quốc Tử Giám (Huỳnh tự thư thanh), 19/Rừng Đông Lâm, xã Thủy Phù, Hương Thủy (Đông Lâm dực điểu), 20/Suối nước nóng đầu nguồn Tả Trạch (Tây lãnh thang hoằng).

 Cảnh đẹp vườn Thiệu Phương qua bức tranh gương còn lưu lại hiện vẫn được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế
Cảnh đẹp vườn Thiệu Phương qua bức tranh gương còn lưu lại hiện vẫn được treo tại
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế - Ảnh: do ông Phan Thanh Hải cung cấp

Trải qua thời gian với bao biến thiên của lịch sử, hiện nay trong số 20 thắng cảnh này chỉ còn chùa Thiên Mụ là còn được bảo tồn khá tốt và phát huy được giá trị cảnh quan. Còn núi Thúy Vân tuy có trùng tu nhưng cũng đã xuống cấp và chưa được quan tâm đúng mức, các thắng cảnh hồ Tịnh Tâm, rừng Đông Lâm, cửa biển Thuận An cũng chung số phận (như các bài trước đã giới thiệu - PV).

Sông Hương (Hương Giang hiểu phiếm), Núi Ngự Bình (Bình lãnh đăng cao), Cảnh thượng nguồn sông Hương (Trạch nguyên tao lộc), Cảnh phá Hà Trung (Hải nhi quan ngư) là những thắng cảnh tự nhiên vẫn còn nhưng ít được chú ý.

Còn lại toàn bộ các thắng cảnh trong Tử cấm thành đều hoang phế, đổ nát. Khu vực Hoàng thành, cảnh đẹp cung Trường Ninh (cảnh thứ 7, Trường Ninh thùy điếu) còn bảo tồn được chút ít, nhưng về sau cũng đã cải tạo, xây dựng lại thành cung Trường Sanh như hiện giờ. Các cảnh đẹp khác ở khu vực Kinh thành Huế đều chung số phận hoang phế.

Vua Thiệu Trị đã lo các cảnh đẹp sẽ mất dấu ?

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ) cho biết, để tôn vinh 20 cảnh đẹp trên, năm 1845, vua Thiệu Trị đã sai nội các in thành sách bộ Ngự đề đồ hội thi tập có kèm tranh minh họa; vẽ trên tranh gương để treo tại các cung điện; vẽ trên một số đồ sứ ký kiểu đặt hàng từ Trung Hoa. Đặc biệt, nhà vua còn cho khắc chùm thơ Thần kinh nhị thập cảnh vào bảng đồng để dựng tại 8 thắng cảnh nằm trong cung và vườn ngự, đồng thời khắc vào bia đá dựng tại 12 thắng cảnh khác nằm rải rác tại kinh đô Huế và đều được khắc thơ lên bia đá. Làm việc này, phải chăng chính nhà vua đã lo ngại về một viễn cảnh các cảnh đẹp trên sẽ mai một?

Về hiện trạng tư liệu, theo ông Phan Thanh Hải, hiện nay toàn bộ các tranh vẽ minh họa về 20 thắng cảnh trên vẫn được lưu lại trong bộ Ngự đề đồ hội thi tập, vẫn còn được TTBTDTCĐ Huế lưu trữ. Còn những bài thơ được khắc vào bảng đồng gồm 8 cảnh đầu tiên, từ Thần kinh đệ nhất cảnh Trùng minh viễn chiếu đến đệ bát cảnh Thường Mậu quan canh. Sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ của nội các triều Nguyễn, phần bộ Công, quyển 221, có ghi rõ về quy cách làm các tấm bảng đồng này như sau: 8 bảng đồng đều cùng kích cỡ, có hình chữ nhật, dài 1 thước 1 tấc (khoảng 46,6 cm), cao 1 thước 4 tấc (khoảng 60 cm), dày 5 phân (khoảng 21 cm). Trên mỗi tấm bảng, một mặt khắc bài thơ vua làm, mặt kia khắc tên bài thơ. Thế nhưng, đến nay tất cả những bảng đồng đều bị mất sạch. Trong khi đó, những bài thơ được khắc vào bia đá, gồm 12 bài còn lại, từ Thần kinh đệ cửu cảnh Vân Sơn Thắng Tích đến đệ nhị thập cảnh Tây lãnh thang hoằng. Mỗi tấm bia đều có 2 phần: thân bia và đế bia. Thân bia cao 2 thước (84,8 cm), rộng 1 thước 2 tấc (50,8 cm), dày 4 tấc (17 cm). Đế bia dài 1 thước 7 tấc (72 cm), rộng 1 thước 1 tấc 3 phân (48 cm), dày 6 tấc (25,4 cm). Đến nay TTBTDTCĐ Huế đã tìm thấy 8/12 tấm bia là: Vân sơn thắng tích, Bình lãnh đăng cao, Hương Giang hiểu phiếm, Thiên Mụ chung thanh, Trạch nguyên tao lộc, Huỳnh tự thư thanh, Đông Lâm dực điểu và mới đây nhất là Tây lãnh thang hoằng. Trong số các tấm bia đã tìm được, đa phần tình trạng còn khá tốt, chữ khắc trên các tấm bia đến nay vẫn còn rõ, đẹp với nét chạm khắc sắc sảo.

Về các bức tranh gương, dưới thời vua Thiệu Trị, toàn bộ cảnh trong chùm thơ trên đều được gửi sang Trung Quốc để vẽ thành các bức tranh độc lập, nhưng không chỉ có 20 cảnh chính mà còn có thêm hàng chục bức tranh vẽ các tiểu cảnh của Thần kinh nhị thập cảnh. Đáng tiếc là đến nay, trải qua bao nhiêu biến động lịch sử, Huế chỉ còn giữ được một số lượng tranh không lớn lắm. Riêng về loại tranh vẽ Thần kinh nhị thập cảnh đến nay TTBTDTCĐ Huế còn giữ được 5 bức: Trùng minh viễn chiếu, Vĩnh thiệu phương văn (bức tranh này còn khá nguyên vẹn, hiện vẫn được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế); Thiên Mụ chung thanh, Thường Mậu quan canhCao Các sinh lương. Ba bức tranh sau (3, 4, 5) vốn cất trong kho Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, hiện mới được đưa ra treo tại điện chính cung Diên Thọ, còn bức đầu tiên (số 1) đã bị vỡ nát do một viên đạn trong chiến tranh, nay vẫn cất trong kho của bảo tàng).

Về các đồ sứ ký kiểu có vẽ tranh minh họa kèm thơ về 20 thắng cảnh trên, đến nay chỉ còn một chiếc đĩa sứ vẽ cảnh chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân (có viết 4 câu trong bài Vân Sơn thắng tích) đang được lưu giữ trong bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (TP.HCM). Các tác phẩm còn lại đến nay vẫn mất dấu. 

Bùi Ngọc Long

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 35: Đi tìm dấu tích Thần kinh nhị thập cảnh
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 36: Tiếng chuông Thiên Mụ
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 5: Ngôi chùa nơi vua Minh Mạng chào đời
>> Có hay không “Minh Mạng thang”?
>> Bí ẩn “thần dược” Minh Mạng thang
>> Bí ẩn “thần dược” Minh Mạng thang - Kỳ 7: Dùng sao cho đúng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.