Theo dấu văn thơ - Kỳ 8: Anh bán chiếu Cà Mau trên dòng kinh Ngã Bảy

13/08/2013 00:00 GMT+7

Ở miền Tây Nam bộ có nhiều chợ nổi nhưng đệ nhứt vẫn là chợ nổi Ngã Bảy. Đấy là nơi tạo nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca nhưng trường tồn bất biến với thời gian vẫn là Tình anh bán chiếu.

Cái chết anh bán chiếu

Ngã Bảy xưa thuộc H.Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (cũ), sau chia tách tỉnh thuộc về thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang. Miền Tây Nam bộ có rất nhiều chợ nổi như Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ); Cái Bè (Tiền Giang)... nhưng về quy mô và bề dày lịch sử không đâu so được với Ngã Bảy. Chợ có từ năm 1915, ban đầu vài chục ghe tàu họp lại bán buôn rồi sau đó con số tăng dần lên hàng ngàn. Gọi là chợ nổi Ngã Bảy vì nơi đó có 7 con kênh Xẻo Môn, Xẻo Vông, Búng Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá, Mương Lộ cùng đổ về sông Phụng Hiệp.

Theo lời các bậc cao niên, từ trước chợ nổi Ngã Bảy đã rất sung túc. Hằng ngày chợ họp từ 2 giờ sáng kéo dài đến 16 giờ mới tan. Từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, tàu ghe cả ngàn chiếc đậu buôn bán hàng hóa, nông sản, cây trái đen kịt cả bến sông, tiếng huyên náo, tiếng đò máy tì tạch không ngớt. Và tới khi Tình anh bán chiếu ra đời thì tên tuổi chợ nổi Ngã Bảy thêm vang danh. Soạn giả Viễn Châu sáng tác bài vọng cổ này vào năm 1961, đến nay trải qua bao dâu bể bài hát vẫn sống cùng năm tháng. Lúc ấy soạn giả Viễn Châu đi trên chiếc xe đò tới Phụng Hiệp thì xe hỏng, phải dừng bánh ngay chợ nổi. Lúc ấy soạn giả vào quán nước ven đường, tình cờ thấy anh bán chiếu hiền lành ôm bó chiếu ngồi tư lự nhìn đám rước dâu trên sông, thế là một ý nghĩ thoáng qua cùng một tuyệt phẩm tình ca xuất hiện. Nhắc đến bài này không thể quên được danh ca Út Trà Ôn, người đã đưa bài hát lên tuyệt đỉnh: “Ghe chiếu Cà Mau cắm sào bên dòng kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào...”.


Chợ nổi Ngã Bảy - Ảnh: Đặng Ngọc 

Như có sự tương quan kỳ lạ, năm 2001 Út Trà Ôn vừa qua đời thì năm 2002 chợ nổi Ngã Bảy cũng cáo chung với lý do tắc nghẽn lưu thủy, ô nhiễm môi trường... bị giải tán dời về ngã ba sông cách nơi hiện hữu

3 km. Lúc ấy, giới văn nghệ sĩ than “dời chợ nổi chẳng khác nào khai tử Tình anh bán chiếu, Út Trà Ôn mà sống lại chắc lệ ổng lai láng tuôn dòng”. Soạn giả Nhâm Hùng, ngụ Cần Thơ, nhớ lại: “Lúc đó, tôi phản đối quyết liệt vì chợ nổi Ngã Bảy có gần cả trăm năm, gắn liền với văn hóa lịch sử, mà dời chợ nổi từ Ngã Bảy về Ngã Ba tức vàm Ba Ngàn thì “mười phần chết bảy còn ba” bởi ngã ba sông ấy rất nhỏ hẹp”.

Một thời vang bóng

Kể lại chuyện xưa, soạn giả Nhâm Hùng nhớ chợ nổi Ngã Bảy danh tiếng tới độ năm 1992, thuyền trưởng người Úc Jacques Yves Cousteau đã đưa con tàu nổi tiếng Calypso về quay phim. Ông Hùng cho biết lúc ấy ông cũng là một trong những người hướng dẫn thuyền trưởng Jacques Yves Cousteau lái con tàu to lớn trên đó chở ca nô, thủy phi cơ tới Ngã Bảy dựng phim chợ miền sông nước. Do con tàu Calypso quá lớn không thể vào chợ nổi Ngã Bảy mà phải đậu ở sông cái, sáng sớm thuyền trưởng đã phân công nhóm người dựng quay các phân cảnh, riêng thuyền trưởng lái chiếc thủy phi cơ bay trên độ cao hàng trăm mét quay toàn cảnh chợ nổi từ trên cao.

Ông Hùng nhớ lại: “Thuyền trưởng độ tuổi ngoài 50 rất phong độ, tác nghiệp mau lẹ, trong buổi sáng là quay xong. Các cảnh quay ghép lại rất ấn tượng. Ông ấy và vợ của ông nói với chúng tôi rằng đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng không có chợ nổi nào sung túc như nơi này, ngay cả chợ nổi Thái Lan cũng không bằng, vì thế nên gìn giữ và phát huy chợ. Đoạn phim chợ nổi đã phát trên 100 kênh truyền hình thế giới thu hút người xem. Rồi độ vài năm sau, tôi hay tin con tàu lẫy lừng ấy bị tai nạn đắm chìm ở Singapore, còn thuyền trưởng qua đời, con cháu ông không ai nối nghiệp”.

Theo ông Hùng, vì phim chợ nổi được phát sóng trên các đài quốc tế nên du khách quốc tế và Việt kiều tới Hậu Giang đều tìm tới chợ nổi. Nhưng tới nơi họ rất thất vọng, cự cãi với công ty du lịch vì chợ nổi vắng ngắt ghe tàu, các công ty du lịch giải thích chợ nổi này là chợ mới nhưng không ai tin. Ông Hùng ngậm ngùi: “Lúc chưa dẹp chợ, hằng ngày có cả trăm du khách trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng. Thế mà đùng một cái dời chợ đi, mình là dân bản địa còn không tin được chuyện dời chợ là thật thì biểu làm sao khách quốc tế tin được?”.

Hồi sinh anh bán chiếu

Năm 2006, dân thương hồ, các công ty du lịch và người dân mừng thầm trước thông tin dời chợ nổi về nơi cũ. Rồi những năm sau đó, các hội thảo diễn ra nhưng số phận chợ nổi vẫn như dòng sông chảy miết không bến bờ. Tới cuối tháng 7.2013, thông tin chợ nổi chính thức được “hồi sinh” ai cũng mừng. “Vậy là anh bán chiếu Cà Mau sẽ lại cắm sào trên dòng kinh Ngã Bảy”.

Một cán bộ Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Hậu Giang cho biết ông đã đi khảo sát nhiều chợ nổi ở miền Tây và thấy tiếc một điều là không chợ nổi nào bằng chợ nổi Ngã Bảy. Ông nói: “Chợ nổi Ngã Ba hiện nay ít ghe tàu kéo về buôn bán lắm, chợ nhóm 2 giờ sáng đến 6 giờ thì tan luôn, không như chợ Ngã Bảy trước đây sung túc suốt ngày đêm nên khách du lịch rất thất vọng và chán”. Vị cán bộ này cho biết hồi phục lại chợ nổi Ngã Bảy sẽ tính đến an toàn giao thông, bến đậu...

Dự án khôi phục chợ nổi Ngã Bảy đã có hiệu lực thi hành trong nghị quyết về “quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hậu Giang đến cuối năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trước đó năm 2011, UBND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất chủ trương xây dựng chợ nổi trên nền tảng chợ nổi hiện hữu tại ngã giao 7 nhánh sông.

Thanh Dũng

>> Tấp nập chợ nổi trái cây giữa Sài Gòn
>> Kêu gọi đầu tư phát triển chợ nổi Ngã Bảy
>> Tài tử chợ nổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.