Nguyễn Bá Khoản sinh ngày 3.7.1917 trong gia đình làm nghề mộc ở làng Liễu Viên (xã Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội). Từ thời niên thiếu ông đã bộc lộ tính tình năng động, lãng mạn và sớm chọn học nghề chụp ảnh. Cha ông đã tặng ông chiếc máy ảnh trong một lần sinh nhật. Từ đó nghiệp ảnh đã theo Nguyễn Bá Khoản đến cuối cuộc đời.
Dùng chữ “cơ duyên” sẽ không chính xác nếu nói về những bức ảnh độc đáo (và độc nhất) của Nguyễn Bá Khoản ghi lại những sự kiện, con người lịch sử thời ông sống và bấm máy. Hơn cả “cơ duyên”, đó là sự chủ động lựa chọn và dấn thấn của người nghệ sĩ - chiến sĩ Nguyễn Bá Khoản cầm chắc máy ảnh và say mê chụp trong tiến trình những biến cố lịch sử lớn của dân tộc. Từ những năm rầm rộ phong trào Mặt trận bình dân (1936 - 1939), Nguyễn Bá Khoản đã có ảnh đăng thường xuyên trên nhiều báo công khai của Đảng ở Hà Nội như Bạn Dân, Tin Tức, Thời Thế... Ông ghi lại những hình ảnh về các cuộc đấu tranh giữa thợ với chủ, các cuộc mít tinh, biểu tình của hàng ngàn thợ thuyền... Đặc biệt và nổi tiếng đến nay là hình ảnh ông chụp đông đảo nhân dân Hà Nội mít tinh trước nhà Đấu xảo trong ngày Quốc tế lao động 1.5.1938.
|
Tháng 8.1945, Nguyễn Bá Khoản xông xáo ghi lại hình ảnh những sự kiện nóng bỏng, sục sôi khí thế giành chính quyền: Cuộc mít tinh ngày 17.8 ở Nhà hát Lớn, đông đảo nhân dân chiếm trại lính Bảo an binh (40 phố Hàng Bài), những cuộc mít tinh, diễu hành trên đường phố, những đoàn quân “Nam tiến” lên tàu từ ga Hà Nội vào chi viện cho cuộc chiến đấu ở miền Nam. Sau đó, Nguyễn Bá Khoản cùng lên tàu “Nam tiến” và ông là người duy nhất ghi lại được nhiều hình ảnh cuộc kháng chiến từ Tuy Hòa, Phú Yên tới Nha Trang, Khánh Hòa, cho đến Lái Thiêu, Thị Nghè, Bình Triệu, Sài Gòn... Sau ba tháng lăn lộn nơi chiến trường, Nguyễn Bá Khoản trở về Hà Nội với hơn 500 hình ảnh cuộc sống, chiến đấu của nhân dân miền Nam. Ðó là sự kiện lớn trong cuộc đời nhiếp ảnh của Nguyễn Bá Khoản, cũng là sự kiện đặc biệt trong lịch sử nhiếp ảnh cách mạng VN.
Mùa đông năm 1946 nóng bỏng, giữa lòng Liên khu I, Nguyễn Bá Khoản tay súng, tay máy, hòa vào cuộc chiến đấu 60 ngày đêm anh dũng vô song của Trung đoàn Thủ đô, để có các bức ảnh: Các chiến sĩ làm lễ tuyên thệ quyết tử để bảo vệ thủ đô Hà Nội, Quyết tử quân thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Chiến sĩ quyết tử bám trụ nội thành vừa ăn ngô rang vừa phục kích địch trong hầm tác chiến, Quyết tử quân dùng bom ba càng đánh xe tăng địch ở phố Hàng Đậu... Đặc biệt xúc động là hình ảnh cuối cùng chụp sáng 17.2.1947, ghi lại hình ảnh các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ bên kia sông Hồng nhìn về hướng nội thành yêu dấu lần cuối trước khi vượt sông Hồng lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến lâu dài. Những tư liệu này là vô giá. Không chỉ có công lớn khi lao tới, dấn thân, nhập ngay vào khoảnh khắc lịch sử để chụp kịp thời - mỗi cú bấm máy như một lần bóp cò chuẩn xác - mà còn phải nhấn mạnh thêm rằng Nguyễn Bá Khoản có công lớn trong việc bảo vệ kho tư liệu vô giá đó cho hậu thế. Phổi của ông không được tốt nhưng kho phim có khi lại phải chống lại độ ẩm và nấm mốc bằng cách dùng vôi cục hút ẩm.
Sinh thời, Nguyễn Bá Khoản sống nhẹ nhàng và giản dị, cần mẫn và không khoa trương. Hai năm trước khi mất (1993) ông mới có duy nhất một triển lãm của mình. Nhưng lịch sử dân tộc và cách mạng ghi tên ông. Bạn bè, đồng nghiệp và cả những người không đồng nghiệp, đều không phân vân, cân nhắc khi cùng một nhận xét: “Ảnh của Nguyễn Bá Khoản tràn đầy giá trị tư liệu và tính chiến đấu”. Nguyễn Bá Khoản được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1996) vì những cống hiến của mình.
Bình luận (0)