Theo giáo luật, nhóm ‘Tịnh thất Bồng Lai’ đã giả chùa, giả sư

10/01/2022 18:09 GMT+7

Từ những thông tin ban đầu, một số ý kiến cho rằng, nhóm người ở ‘Tịnh thất Bồng Lai’ đã lạm dụng, đánh tráo khái niệm một số thuật ngữ, khái niệm liên quan đến Phật giáo.

Ngày 10.1, trao đổi với PV Thanh Niên, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho biết, khái niệm cơ sở Phật giáo được xem xét dưới 3 góc độ.

Thứ nhất, theo luật Tín ngưỡng tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam thì “Tịnh thất Bồng Lai” chưa từng đăng ký nên không thuộc cơ sở tôn giáo.

Thứ hai, xét trên phương diện Giới luật của Phật giáo, trong quá trình hoạt động, ông Lê Tùng Vân sử dụng khái niệm “tịnh thất”, sau đó đổi thành “chùa”, “thiền am”, “thiền viện”. Đây là những khái niệm Phật học chỉ cơ sở vật chất của Phật giáo với phạm vi xây dựng lớn nhỏ khác nhau. Chùa là khái niệm chung. Thiền viện là khái niệm chỉ cho pháp tu; thiền, thiền am và tịnh thất chỉ khái niệm một ngôi chùa nhỏ của Phật giáo. Ở góc độ này, ông Lê Tùng Vân không làm đúng theo những gì Đức Phật quy định nên không thể gọi là cơ sở tôn giáo của Phật giáo vì người trong cơ sở phải là người xuất gia, thọ giới Sa di, Tỳ kheo. Ông Lê Tùng Vân và những người con của ông chưa từng trải qua việc này, nên việc xưng là: chùa, thiền am, tịnh thất… là trái với Giới luật của đạo Phật.

Thứ ba, ở góc độ giáo hội, ông Lê Tùng Vân nói không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đó là quyền lựa chọn, và đó không phải vấn đề quan trọng vì theo bất kỳ một giáo hội nào, cũng phải tuân thủ quy định của giáo hội đó. Ông Vân chưa từng tham gia giáo hội nào nên việc tự xưng: thiền am, tịnh thất, thiền viện đều sai.

“Đây là sự mạo xưng. Mục đích của nó được cơ quan chức năng của tỉnh Long An xác định bước đầu là: giả chùa, giả sư, giả mồ côi. Với hình ảnh đó, ông Vân thu hút được cộng đồng Phật tử trong nước, nước ngoài tin tưởng và hưởng ứng các hoạt động một cách khéo léo. Tôi cho rằng “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là cơ sở tôn giáo đúng nghĩa ở góc độ pháp luật, Giới luật và giáo hội”, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết và phân tích cụ thể: nơi ở của những người theo đạo Phật gọi là Vihara, dịch theo chữ Hán là tịnh xá, tịnh thất… là nơi ở dành cho tăng đoàn, ni đoàn.

Như vậy, bản chất, trên thế giới không có tôn giáo nào sử dụng chữ tịnh thất ngoài đạo Phật, vì tịnh thất là chỉ về một ngôi chùa Phật giáo. Đối với “thiền am”, am đồng nghĩa với thất nói về một ngôi chùa nhỏ để tu và thiền. Còn nếu là một ngồi chùa lớn chỉ tu và thiền thì gọi là thiền viện, như: thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Trí Đức… Về bản chất, ông Lê Tùng Vân sử dụng các khái niệm của Phật giáo và tự thân cùng những người con nhiều lần xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội và trên sóng truyền hình cho rằng là “chùa Bồng Lai”. Khi bị kiểm tra hành chính năm ngoái thì ông Vân nói là nhà ở tư nhân. Đó là sự tráo trở và đánh tráo khái niệm bởi khi bị kiểm tra thì nói là nhà riêng còn khi xuất hiện với quần chúng, Phật tử thì nói là chùa. Bất cứ nhà ở tư nhân nào mà bản thân chủ nhà không phải là tăng, ni theo Giới luật của Phật giáo mà gọi là chùa thì gọi là giả chùa. Giả chùa không đúng theo pháp luật Việt Nam và Giới luật.

Việc giả sư thể hiện qua bản thân ông Lê Tùng Vân và những người con có chung huyết thống nhưng không ai từng xuất gia, cũng chưa từng thọ giới Sa di, Tỳ kheo mà tự xưng là thầy để xưng hô thì gọi là giả sư. Chuyện này cũng giống như một người chưa từng tuyển sinh vào đại học y, chưa từng làm sinh viên, chưa trải qua 6 năm học tập, chưa tốt nghiệp bằng bác sĩ, chưa từng thực hành ở cơ sở y tế… mà tự xưng mình là bác sĩ, mặc áo blouse, mở phòng mạch để khám bệnh thì vi phạm pháp luật Việt Nam và đạo đức ngành y, gọi là giả bác sĩ.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM

Nvcc

Nhóm “Tịnh thất Bồng Lai” không thỏa mãn điều kiện để được thành lập “tịnh thất”

Công an nói về thông tin Diễm My trong căn hầm ở Tịnh thất Bồng lai

Trước đó, trao đổi với PV Thanh Niên, Hòa thượng Thích Minh Thiện, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, đã phân tích về các hành vi của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai”.

Cụ thể, theo Hòa thượng Thích Minh Thiện, ông Lê Tùng Vân cùng những người khác có cả nam, nữ, trẻ em ở tại nhà bà Cao Thị Cúc (62 tuổi, số nhà 191A, ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, H.Đức Hòa, Long An - nơi được ông Lê Tùng Vân đặt tên là “Tịnh thất Bồng Lai”, sau đó đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” - PV) dù có tín ngưỡng Phật giáo bằng hình thức tu tại gia thì cũng không được treo bảng có chữ “tịnh thất”. Bởi, nếu treo bảng “tịnh thất” là vi phạm các quy định về tổ chức được quy định trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cụ thể, trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo từ năm 1981 có quy định các cơ sở trực thuộc gồm: tự viện, chùa, am, tịnh xá, niệm Phật đường, tịnh thất… để thực hiện các hoạt động tín ngưỡng Phật giáo.

Hòa thượng Thích Minh Thiện cho biết, để thành lập cơ sở trực thuộc Giáo hội Phật giáo, cá nhân, tổ chức đó phải có đồng thuận của cộng đồng cư dân địa phương xung quanh; văn bản về sự cần thiết và tính đúng đắn về việc thành lập một cơ sở Phật giáo của chính quyền cấp xã, huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, tỉnh và sự thống nhất của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo cấp huyện, tỉnh.

Các nội dung kể trên sẽ được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh thông qua Ban Tôn giáo. UBND cấp tỉnh ra quyết định về việc thành lập cơ sở tôn giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo. Đối chiếu với trường hợp của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai” do ông Lê Tùng Vân đứng đầu thì không thỏa mãn bất cứ điều kiện nào trong quy trình để được thành lập “tịnh thất” và ông Vân cũng chưa từng thực hiện bất cứ quy trình nào.

Hòa thượng Thích Minh Thiện khẳng định cá nhân ông Lê Tùng Vân và các thành viên sống trong nhà bà Cao Thị Cúc (tức cái gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” - PV) không liên quan gì đến hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An. Tuy nhiên, nhóm người do ông Lê Tùng Vân đứng đầu đã lạm xưng danh từ gây phương hại nghiêm trọng đến uy tín, lợi ích của giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An.

Nhóm ông Lê Tùng Vân đã đánh tráo một số khái niệm liên quan đến Phật giáo

bắc bình

Theo Hòa thượng Thích Minh Thiện, sau khi lạm xưng danh từ “tịnh thất”, nhóm người của ông Lê Tùng Vân không có bất cứ ai tu theo Phật giáo. Bởi thứ nhất, không có bất kỳ ai xuất gia, không chấp nhận thọ “tam quy, ngũ giới” như bổn phận căn bản của một Phật tử.

Thứ hai, ông Lê Tùng Vân và một số người khác trong nhóm “biến gia thành tự” có tổ chức thuyết pháp theo nghi thức Phật giáo nhưng nói năng bậy bạ, sai hoàn toàn theo các nội dung thuyết pháp của Phật giáo. Ví dụ, ông Lê Tùng Vân nói “quy y” là “nương theo màu áo” nhưng trong kinh điển Phật giáo từ xa xưa đến nay thì “quy y” là theo Phật, theo Pháp và theo Tăng; “Ngũ giới” trong Phật giáo thì ông Lê Tùng Vân chỉ cần “người tốt”… Sắc phục Phật giáo là áo tràng nâu, tràng vàng… đã được quy định trong Hiến chương Phật giáo và đã được đăng ký với Nhà nước Việt Nam. Ở đây, các màu áo tràng của đạo Phật đã được Nhà nước cấp bản quyền nên không phải ai muốn thì có thể tùy tiện sử dụng.

Tại “Tịnh thất Bồng Lai”, ông Lê Tùng Vân tự ý may, mặc áo giống như người của Phật giáo và khi bị cộng đồng Phật giáo phản ứng thì ông Vân đã “cải biên” áo tràng có thêm hàng nút gài ở giữa bụng, ngực… Thỉnh thoảng ông Vân cũng mặc áo tràng theo áo đã được đăng ký của Phật giáo. Ông Vân còn cạo đầu như một người tu hành theo Phật giáo nhưng lại có sinh hoạt, đời sống sai khác lối sống của tu sĩ, tức là ông Lê Tùng Vân đã giả tu. Ngoài ra, quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không cho phép nam, nữ (tăng, ni) tu chung một cơ sở hợp pháp. Ngoại trừ một số trường hợp khác giới là người già neo đơn, trẻ em mồ côi khổ sở hoặc cha, mẹ của các tu sĩ mới được cho tá túc, tu luyện tại cơ sở Phật giáo. Theo Hòa thượng Thích Minh Thiện, hành vi giả tu của nhóm người do ông Lê Tùng Vân đứng đầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An nói riêng và cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới nói chung.

Như Thanh Niên đã thông tin, vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an H.Đức Hòa (Long An) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với các bị can: Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) để điều tra về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Trong đó, bị can Lê Tùng Vân bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú; 3 bị can còn lại bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Trao đổi với PV Báo Thanh Niên về việc này, đại diện Ban giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết, 4 bị can này đã sử dụng các tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian dài để bôi nhọ, xuyên tạc sự thật khách quan đối với một số hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An, như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An; TAND tỉnh Long An; nhiều cơ quan tố tụng H.Đức Hòa; UBND H.Đức Hòa, xã Hòa Khánh Tây… và một số cá nhân đang làm việc trong các tổ chức này.

Trao đổi với PV Thanh Niên, Hòa thượng Thích Minh Thiện nói: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An mong rằng đồng bào, cộng đồng Phật giáo luôn có những hiểu biết đúng đắn về giáo lý chính thống của Phật giáo để cùng nhau phát huy truyền thống, đoàn kết dân tộc; cùng nhau phát triển quốc gia, đời sống cộng đồng ngày thêm văn minh, giàu đẹp”. Trước đó, thông tin với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Mưng, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Long An, cho biết sau quá trình kiểm tra, tìm hiểu, bước đầu ngành chức năng tỉnh Long An nhận định trong thời gian vừa qua, tại hộ bà Cao Thị Cúc có yếu tố lợi dụng tôn giáo và lợi dụng trẻ em để vận động kêu gọi từ thiện từ các nơi, thậm chí cả kiều bào ở nước ngoài… để trục lợi. Nhưng, các trẻ em đang sinh sống tại hộ của bà Cúc không phải là trẻ em mồ côi, tất cả trẻ em sống cùng mẹ và nhân thân không ghi cha ruột trong giấy khai sinh. Nhóm người do ông Lê Tùng Vân đã kiên trì công bố thông tin không đúng rằng, có tiếp nhận, nuôi trẻ mồ côi để vận động, nhận nguồn từ thiện xã hội. Các giá trị tiếp nhận được, nhóm ông Lê Tùng Vân đã sử dụng sai khác so với mục đích kêu gọi từ thiện ban đầu… Thông qua kết quả từ các đoàn kiểm tra, Ban Tôn giáo tỉnh Long An cho biết ông Lê Tùng Vân từng tự xưng nhà bà Cúc là “chùa Bồng Lai”, sau đó đổi thành “Tịnh thất Bồng Lai” và “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Những điều này gây hiểu nhầm và ngộ nhận tên cơ sở Phật giáo khiến cho tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, người dân và cộng đồng xã hội rất bức xúc. Về bản chất, ông Lê Tùng Vân sử dụng các khái niệm của Phật giáo và tự thân cùng những người con nhiều lần xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội và trên sóng truyền hình cho rằng là chùa Bồng Lai. Khi bị kiểm tra hành chính năm ngoái thì ông Vân nói là nhà ở tư nhân. Đó là sự tráo trở và đánh tráo khái niệm bởi khi bị kiểm tra thì nói là nhà riêng còn khi xuất hiện với quần chúng, Phật tử thì nói là chùa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.