Thí sinh phản ánh có hiện tượng trao đổi trong phòng thi
Hôm nay 10.6, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy đợt thi đầu tiên. Sau khi thí sinh phản ánh có hiện tượng trao đổi giữa các thí sinh với nhau trong phòng thi kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Bách khoa Hà Nội đã yêu cầu các điểm thi tăng cường giám sát trong phòng thi.
Gần 7.000 thí sinh đã dự thi ở 17 địa điểm thi, từ Đà Nẵng trở ra. Trong đó, tại Hà Nội có 10 điểm thi, ngoài thi tại ĐH Bách khoa Hà Nội còn có các điểm thi ở 6 trường ĐH, học viện khác. Các điểm thi ở tỉnh ngoài có Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng (Đà Nẵng), Trường ĐH Vinh (Nghệ An), Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định (Nam Định), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (Hưng Yên), Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng), Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục thuộc ĐH Thái Nguyên (Thái Nguyên).
Thí sinh dự thi được chia làm 2 ca thi, một ca buổi sáng, một ca buổi chiều. Trong đó, buổi sáng có 4.816 thí sinh dự thi, số em đến thi là 4.586; buổi chiều có 2.494 thí sinh đăng ký dự thi, số em đến thi là 2.369. Tổng cộng có 6.955 em dự thi, đạt tỷ lệ 95% so với tổng số đăng ký dự thi.
Kết thúc ca thi buổi sáng, một số thí sinh ở một số điểm thi (ở các điểm thi ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội) phản ánh việc các em được bố trí ngồi sát nhau quá, nên thí sinh này có thể liếc nhìn sang bài thí sinh kia. Thậm chí, có phòng thi còn có hiện tượng thí sinh tự do trao đổi, trong khi đó phòng thi lại không có camera giám sát. Theo các thí sinh, dù mỗi thí sinh làm một đề thi khác nhau, nhưng nhiều câu hỏi giống nhau (khác vị trí câu hỏi).
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, ban tổ chức kỳ thi đã nhận được phản ánh này nên đã nhắc nhở các điểm thi yêu cầu có biện pháp tăng cường giám sát, không để diễn ra việc trao đổi của các thí sinh trong phòng thi. Với điểm thi mà thí sinh phản ánh là kê máy tính sát nhau quá (Trường ĐH Thủy lợi) thì chiều nay không tổ chức thi. Nhưng đợt thi sau, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ yêu cầu làm vách ngăn ở một số điểm thi, trong đó có điểm thi Trường ĐH Thủy lợi.
Tuy nhiên, PGS Điền cũng khẳng định, đề thi của mỗi em là khác nhau, nên việc trao đổi nếu có xảy ra thì cũng không mang lại ích lợi gì cho thí sinh.
Số hóa toàn quá trình thi
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, sau 4 năm tổ chức, kỳ thi đánh giá tư duy được cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng và tạo thuận lợi cho thí sinh. Điều này được thể hiện ở chỗ tổng thời gian thi của thí sinh còn 150 phút, tất cả các thao tác thi được thực hiện trên máy tính. Ngoài ra, còn một loạt phương án, phương pháp ra đề thi với các câu hỏi tuân theo quy tắc hiện đại.
Để số lượng lớn thí sinh có thể làm bài trên máy tính, ĐH Bách khoa Hà Nội đã sử dụng một nền tảng thi. Bản thân nhà trường cũng tìm kiếm các chuyên gia và nhận thấy một công ty của Tập đoàn FPT có khả năng đáp ứng điều này. Hai bên đã có 3 năm nghiên cứu, phát triển giải pháp.
Hệ thống ứng dụng các công nghệ Big data, AI, Cloud hỗ trợ xây dựng đề thi theo lý thuyết khảo thí hiện đại - mô hình IRT 2 tham số. Hệ thống đồng thời cho phép số hóa toàn quá trình từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, thử nghiệm câu hỏi đến công tác đăng ký, thanh toán trực tuyến, xếp lịch, phối hợp với các cơ sở khảo thí độc lập để tổ chức thi theo một quy trình khép kín.
Bên cạnh đó, giải pháp xác thực dữ liệu thẻ căn cước công dân gắn chip kết nối dữ liệu Bộ Công an - FPT.IDCheck được tích hợp trong việc xác thực thông tin thí sinh với độ chính xác 100%. Mô hình này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí trong việc tổ chức thi và tham gia thi, tạo trải nghiệm tích cực và đặc biệt có tính phân loại, đánh giá một cách toàn diện.
PGS Nguyễn Phong Điền nói: "Chúng tôi đã kiểm tra đánh giá nền tảng thi này rất nhiều lần thông qua các kỳ thi thử nghiệm, đánh giá cao chất lượng câu hỏi cũng như chất lượng nền tảng thi này. Cá nhân tôi cho đến hôm nay hoàn toàn yên tâm. Bên cạnh đó, nội dung cũng phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu phân loại thí sinh, chọn lựa được những em vào học ĐH cho cả hệ thống.
Trong thiết kế đề thi, chuyên gia cũng như nhà trường đã thay đổi rất nhiều tỷ lệ câu hỏi có kiến thức khó - dễ để đáp ứng được 2 yêu cầu: bám sát được chương trình giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đầu vào các trường ĐH".
Bình luận (0)