Thí sinh có sự lựa chọn khác

22/08/2016 09:00 GMT+7

Có nhiều lý giải cho hiện tượng nhiều trường ĐH, kể cả những trường 'tốp trên' vẫn không tuyển đủ thí sinh trong đợt xét tuyển đầu tiên. Phóng viên Thanh Niên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga để tìm hiểu nguyên nhân.

Quy chế không khuyến khích thí sinh cố đỗ đại học
Nhiều trường tốp trên và thường hấp dẫn thí sinh (TS) như trường y dược vẫn thiếu khá nhiều so với chỉ tiêu, phải tuyển đợt tiếp theo. Điều này gần như chưa từng xảy ra trước đây. Ông có suy nghĩ gì trước hiện tượng này?
Những TS điểm cao trúng tuyển mà không đến làm thủ tục nhập học tại trường vì có sự lựa chọn khác phù hợp hơn. Những TS có điểm thấp trúng tuyển không nhập học vì ngành/trường trúng tuyển không phải là nguyện vọng mà TS yêu thích nhất. Nhiều TS chờ xét tuyển bổ sung hoặc tiếp tục ôn tập để sang năm thi lại với quyết tâm đậu vào trường/ngành mà mình mong muốn.
Ở những trường có tính cạnh tranh cao cũng có những ngành hay chương trình đào tạo rất kén TS. Vì thế, việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu tổng thể ngay từ đợt đầu tiên cũng dễ hiểu. Trước đây khi tuyển sinh theo phương thức “3 chung”, nhiều trường lấy điểm chuẩn theo trường cho đủ chỉ tiêu tổng thể rồi sau đó cho TS chọn lại ngành trong nội bộ trường. Với quy định đó, các trường có thể điền đầy chỉ tiêu ngay nhưng TS không có sự lựa chọn nào khác là phải theo học ngành mà trường còn chỗ. Thực tế cho thấy sinh viên học không đúng ngành yêu thích rơi vào trạng thái chán nản, bỏ học giữa chừng. Quy chế năm nay ưu tiên cho TS chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích TS cố đỗ vào ĐH bất cứ ngành nào.
Thí sinh có sự lựa chọn khác
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Nhưng nhiều trường cho rằng sở dĩ ngay cả các trường “tốp trên” cũng không tuyển đủ chỉ tiêu dù đã tính toán hệ số dôi dư lên đến 20 - 30% là do phương thức xét tuyển năm nay tạo ra số ảo quá lớn?
Phương thức tuyển sinh năm nay có tỷ lệ TS ảo nhất định là điều mà tất cả các trường đều biết rất rõ qua rất nhiều lần thảo luận xây dựng quy chế. Bộ đã đưa ra thảo luận nhiều phương án xét tuyển có thể hạn chế tối đa TS ảo, như xét tuyển chung trong cả nước hay khuyến khích các trường tham gia các nhóm trường xét tuyển chung ở từng khu vực. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cũng kêu gọi các trường hưởng ứng chủ trương này của Bộ, nhưng các trường không đồng thuận vì đều muốn tự xử lý vấn đề tuyển sinh của riêng mình.
Với cơ sở dữ liệu được tổ chức như hiện nay, việc tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hoàn toàn không có khó khăn gì. Tôn trọng sự lựa chọn của các trường, Bộ đã hỗ trợ bằng việc cung cấp danh sách tất cả các nguyện vọng mà TS đăng ký xét tuyển vào trường cùng đợt. Nếu các trường phân tích kỹ cơ sở dữ liệu này thì có thể phán đoán được số TS đậu vào trường mình mà sẽ không nhập học để từ đó quyết định tỷ lệ dôi dư phù hợp. Điều này không phải là quá khó. Thực tế vừa rồi có nhiều trường đã phân tích dữ liệu rất tốt và đưa ra được quyết định hợp lý.
Bộ sẽ cung cấp thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển
Nhiều trường, đặc biệt trường “tốp trên”, có quan điểm bất đắc dĩ mới phải tuyển sinh các đợt bổ sung vì cho rằng những TS trúng tuyển các đợt sau thường không yêu thích, gắn bó với ngành - trường mà mình trúng tuyển. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Không hẳn như vậy. Khi quy chế trao cho TS quyền được chọn ngành, chọn trường, được quyết định việc nhập học của mình thì không có lý do gì các em lại chọn vào học những ngành mà các em không yêu thích. TS hoàn toàn không có sự ràng buộc nào khi phải đưa ra quyết định của mình. Ngay cả những TS điểm cao đã trúng tuyển đợt 1 nhưng vào ngành/trường không yêu thích thì không nộp giấy chứng nhận kết quả thi và tiếp tục tham gia xét tuyển các đợt bổ sung. Quy chế tuyển sinh “3 chung” trước đây quy định TS đã trúng tuyển vào một trường rồi thì không còn được cấp giấy báo kết quả thi để tham gia xét tuyển. Điều này có thể dẫn đến một số TS trúng tuyển vào trường nhưng học không đúng ngành như đã nói ở trên. Còn theo quy chế tuyển sinh hiện hành thì chính TS cầm giấy chứng nhận kết quả thi, việc nộp vào học trường nào là do TS quyết định.
Với các đợt tuyển sinh bổ sung, Bộ GD-ĐT có lưu ý gì đối với các trường và TS? Bộ có kế hoạch gì giúp đỡ các trường trong việc tính toán nhằm loại trừ ảo, đồng thời tuyển được đủ chỉ tiêu, mà không phải tuyển quá nhiều đợt không?
Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, Bộ đã gửi công văn lưu ý các trường cập nhật thông tin TS đã khẳng định nhập học lên hệ thống để xác định danh sách TS tham gia xét tuyển các đợt bổ sung. Đồng thời Bộ cũng lưu ý các trường công bố rộng rãi trên trang thông tin điện tử của trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin liên quan đến xét tuyển bổ sung như ngành/nhóm ngành, hệ đào tạo, vùng tuyển, chỉ tiêu... để TS theo dõi và đăng ký.
Đến tối 31.8, sau khi kết thúc nhận đăng ký xét tuyển, Bộ sẽ cung cấp cho trường danh sách TS đã đăng ký vào trường kèm theo thông tin các nguyện vọng mà TS đã đăng ký ở các trường khác. Với số chỉ tiêu xét tuyển vào mỗi trường không còn nhiều và thông tin nhận được từ cơ sở dữ liệu Bộ hỗ trợ, trên cơ sở kinh nghiệm xét tuyển đợt 1, chắc chắn các trường sẽ không còn gặp khó khăn gì nhiều khi xác định phương án gọi đủ TS.
62,5% thí sinh chính thức trúng tuyển đợt 1
Tổng hợp số liệu báo cáo của các trường thì đến thời điểm hiện nay số TS chính thức nộp giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học khoảng 200.000. So với chỉ tiêu các trường đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 320.000, tỷ lệ TS chính thức trúng tuyển đợt 1 theo số liệu đến nay là 62,5%. Có 40 trường ĐH tuyển đạt từ 80% chỉ tiêu trở lên và 87 trường tuyển đạt từ 60% trở lên. Những năm thi “3 chung” số lượng TS trúng tuyển đợt 1 thường chiếm khoảng 70 - 75% tổng chỉ tiêu. Năm 2015, TS chỉ được nộp đăng ký xét tuyển vào một trường nên hầu như không có ảo và đa số các trường ĐH lớn tuyển đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu tiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.