Thí sinh đăng ký khối ngành khoa học xã hội chớ bỏ qua những lời khuyên này

05/04/2022 16:03 GMT+7

Các chuyên gia ở các trường đại học đưa ra nhiều thông tin về khối ngành khoa học xã hội, về cơ hội việc làm sau khi ra trường và đặc biệt các lời khuyên rất hữu ích cho các thí sinh đang "ngấp nghé" chọn ngành khoa học xã hội.

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Cơ hội việc làm khi chọn ngành khoa học xã hội (KHXH) và sư phạm" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5.4, đại diện các trường ĐH cung cấp những thông tin mới nhất về cách thức xét tuyển vào các ngành này. Bên cạnh đó, đại diện các trường ĐH đưa ra lời khuyên cho thí sinh trong lựa chọn ngành nghề đúng sở thích, năng lực và phù hợp với nhu cầu xã hội.

Các chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Cơ hội việc làm khi chọn ngành khoa học xã hội và sư phạm" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5.4

LÊ THANH HẢI

Ngành học phải có kỹ năng lắng nghe, kiên nhẫn và thấu hiểu

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, dẫn lại số liệu thống kê năm 2021 cho biết trong 24 lĩnh vực theo danh mục đào tạo thì nhóm ngành KHXH và hành vi đứng vị trí thứ 5. "Trong năm 2021, khối ngành này có 29.100 chỉ tiêu nhưng có đến 247.000 nguyện vọng đăng ký nên tỷ lệ chọi tương đối cao", ông Hải lưu ý.

"Đây là nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh đăng ký tăng trong 4 năm gần đây do nhu cầu tuyển dụng tăng đặc biệt ở các thành phố lớn. Khi tham gia học ngành này các em phải có niềm yêu thích tiếp xúc, giao tiếp với con người, đặc biệt phải có kỹ năng lắng nghe, kiên nhẫn, thấu hiểu", tiến sĩ Hải nói.

Còn thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý: "Bất cứ lĩnh vực nào cần sự can thiệp của khoa học và công nghệ thì rất cần và thậm chí cần rất lớn nhân lực làm trong lĩnh vực KHXH. Do đó, thí sinh có nhiều sự lựa chọn hơn để phù hợp với xu hướng và đam mê của mình".

Bên cạnh đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thông tin: “Ngành KHXH là một trong những nhóm ngành được thí sinh quan tâm nhiều. Tổ hợp môn KHXH cũng được sử dụng để xét tuyển nhiều".

Ngành nghề đa dạng

Tiến sĩ Hải lưu ý nhóm ngành KHXH còn bao gồm các ngành về kinh tế, khoa học chính trị như quản lý nhà nước, quan hệ quốc tế, chính trị học; xã hội học và nhân học, tâm lý học, địa lý, Việt Nam học, Hàn Quốc học…

Theo ông Hải, bên cạnh nhiều ngành KHXH như quan hệ quốc tế và luật, Trường ĐH Duy tân dự kiến mở ngành tâm lý học trong năm học 2022 - 2023. Cơ hội việc làm của ngành tâm lý học trong thời gian này và sắp tới là rất lớn, tiến sĩ Hải chia sẻ.

Học sinh tư vấn tâm lý tại một trường THPT ở TP.HCM

PHẠM HỮU

Cơ hội việc làm với ngành tâm lý học

Thạc sĩ Phương cho hay tâm lý học ngày nay được đào tạo theo hướng năng động. "Chẳng hạn, theo hướng trị liệu tâm lý thì các em được đi thực tế nhiều và tiếp xúc với nhiều đối tượng, để hiểu rõ tâm lý của từng đối tượng để có giải pháp trị liệu tâm lý. Một hướng khác là tham vấn tâm lý đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn", ông Phương nói.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Nguyên nhìn nhận ngành tâm lý học đang được quan tâm rất nhiều. "Bởi lẽ con người ngày càng chịu nhiều áp lực nên gặp khủng hoảng tâm lý. Ngành này nghiên cứu về thế giới nội tâm của con người, ứng dụng vào nhân sự, kinh doanh thương mại, quảng cáo, chăm sóc khách hàng… nên cơ hội việc làm rất lớn", thạc sĩ Nguyên lưu ý.

Theo thạc sĩ Nguyên, sinh viên ngành tâm lý học sẽ được học kiến thức về tâm lý hành vi, tâm lý giới tính, tâm lý học xã hội, tâm lý học truyền thông… "Sinh viên tốt nghiệp có thể làm chuyên viên tư vấn tâm lý trị liệu, tâm lý học đường, chăm sóc khách hàng, làm về nhân sự, quảng cáo truyền thông, hoạt động xã hội, giảng dạy…", ông Nguyên nói.

Thạc sĩ Nguyên thông tin Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM xét tuyển từ kết quả học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực và tâm lý học là một trong 17 ngành tại trường có học bổng 30%. "Còn ngành luật nói chung phải có tư duy logic, phản biện, hùng biện, xử lý tình huống, trí nhớ tốt, đừng về chính nghĩa", ông Nguyên nói thêm.

Theo tiến sĩ Hải, hai kỹ năng then chốt cần có để thành công trong ngành tâm lý học là cân bằng được cảm xúc và không được phán xét người khác.

Ông Hải đồng thời thông tin về ngành quản trị nhân lực thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh. "Trường ĐH Duy Tân có đào tạo ngành này hơn 10 năm, với 4 phương thức xét tuyển là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng. Trong chương trình đào tạo ngành quản trị nhân lực có đào tạo một số môn về tâm lý học để cân bằng tinh thần cho người lao động, tạo động lực làm việc, hóa giải các mâu thuẫn của người lao động", ông Hải nói.

Ngoài ra, thạc sĩ Phương cho biết ngành quan hệ công chúng đòi hỏi sinh viên có một số tố chất chung như sự năng động, sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật tốt.

Còn theo thạc sĩ Nguyên, ngành quan hệ công chúng và quản trị nhân lực có sự tương đồng về tố chất. "Cụ thể, trong ngành quản trị nhân lực, thí sinh cần có: khả năng kiểm soát cảm xúc khi làm việc giữa con người với con người, có nhiều tình huống xung đột; khả năng giải quyết vấn đề; khả năng tạo động lực cho người khác, tạo cảm xúc cảm hứng để cống hiến; khả năng thương lượng đàm phán phân tích đánh giá; phải biết bảo mật thông tin".

Còn ngành quan hệ công chúng đòi hỏi khả năng viết lách, giao tiếp ứng xử, giải quyết vấn đề, nắm bắt tâm lý phát triển của con người và xã hội, năng động, nhạy bén… "Đây là một trong những ngành có số lượng đăng ký rất đông. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các công ty quảng cáo sự kiện, các cơ quan báo chí", ông Nguyên lưu ý.

Tiến sĩ Hải thông tin thêm các ngành ngôn ngữ như Anh, Đức, Nhật, Hàn, Trung, Pháp thuộc nhóm ngành KHXH nên thí sinh cần chú ý các trường có đào tạo những chuyên ngành này để có lựa chọn phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.