Phòng tư vấn tâm lý “có cũng như không”
L.H.M.C, học sinh (HS) lớp 12 tại một trường THPT ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, không ít lần rơi vào trạng thái “bão hòa”, mất hứng thú học tập và khả năng tiếp thu kiến thức trong thời gian ôn thi. Tuy nhiên, khi nói đến sự hỗ trợ từ thầy, cô và nhà trường đối với vấn đề này, M.C cho biết: “Em cảm thấy khó mở lòng tâm sự với giáo viên. Phòng tư vấn tâm lý của trường cũng khá sơ sài, chưa phổ biến với học sinh”.
“Có cũng như không”, “đóng cửa suốt” là cảm nhận của M.C về phòng tư vấn tâm lý của trường. Nữ sinh này cho rằng những buổi sinh hoạt tâm lý cho HS cuối cấp do nhà trường tổ chức chưa đủ thiết thực, chỉ dừng lại ở những “lời khuyên chung chung”. “Trong khi đó, em nhận thấy giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn là những người tiếp xúc nhiều với HS nhưng thường chỉ quan tâm thành tích, vô tình tạo thêm áp lực cho học trò”, M.C bày tỏ.
Tương tự, M.T.T.N, HS lớp 12 của một trường THPT tại H.Củ Chi, TP.HCM, không tìm đến sự trợ giúp của giáo viên khi gặp vấn đề tâm lý. “Nhà trường cũng không tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho HS. Đôi lúc, em nghĩ rằng thầy cô dường như quên mất một điều là tâm lý cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm bài của HS. Giữa hai “cán cân” tâm lý và kiến thức, em vẫn nghiêng về tâm lý hơn”, T.N cho hay.
Học sinh lớp 12 ôn tập ráo riết chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, vấn đề tâm lý mùa thi lại chưa được nhiều trường quan tâm |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Thực ra, Thông tư 31 năm 2017, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn nhà trường cần bố trí phòng tư vấn tâm lý riêng (đối với trường tiểu học có thể bố trí phòng hoặc góc tư vấn tùy theo quy mô và điều kiện nhà trường) đảm bảo tính riêng tư, kín đáo, dễ tiếp cận và phù hợp để tổ chức hoạt động tư vấn học đường. Tuy nhiên, đến nay không phải trường nào cũng có phòng tư vấn tâm lý riêng để kịp thời lắng nghe HS.
Chẳng hạn, tại một trường THPT ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tấm biển “Phòng tư vấn tâm lý” được treo cùng hai tấm biển khác không liên quan đến hoạt động tham vấn tâm lý học đường, mà trở thành “phòng đa chức năng”. Thậm chí, nhiều HS không biết đến phòng này hoặc thường xuyên thấy phòng đóng cửa.
Thầy cô nên chủ động tìm đến học sinh
Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT vào đầu tháng 7 tới, bên cạnh việc ôn tập kiến thức, các HS cho rằng sự trợ giúp về mặt tâm lý từ thầy cô là điều rất cần thiết.
Phạm Trung Thắng, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Tân, TP.HCM, khẳng định: “Bên cạnh nỗi lo HS “hổng” kiến thức, thầy cô nên đặc biệt chú ý đến tâm lý vì vấn đề này cũng rất đáng lo ngại. Tinh thần tốt và sự hỗ trợ của thầy cô là sức mạnh to lớn để HS vượt qua kỳ thi”.
“Nếu ví kiến thức là “chiến lược” thì tinh thần là “vũ khí” để thí sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cả hai phải song hành và đều quan trọng như nhau”, M.C, HS THPT tại Q.Gò Vấp, chia sẻ.
Nếu ví kiến thức là “chiến lược” thì tinh thần là “vũ khí” để thí sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cả hai phải song hành và đều quan trọng như nhau.
M.C, học sinh một trường THPT tại Q.Gò Vấp (TP.HCM)
Chia sẻ những mối lo ngại của HS, tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, nhấn mạnh công tác hỗ trợ tâm lý học đường rất quan trọng trong quá trình ôn thi và giáo dục nói chung.
“Vai trò chính của thầy cô là giảng dạy, giáo dục nên họ lo lắng về mặt kiến thức hơn tâm lý HS là điều dễ hiểu. Thế nhưng, một đứa trẻ chỉ tiếp thu tốt kiến thức khi tâm lý thực sự khỏe mạnh”, tiến sĩ Học lưu ý.
Để rút ngắn khoảng cách của tâm lý học đường giữa HS và thầy cô, theo ông Học, nhà trường cần tập trung vào các hoạt động phòng ngừa tâm lý, thay vì chỉ tư vấn và trị liệu tâm lý. Theo mô hình lý thuyết, hoạt động phòng ngừa tâm lý thường chiếm 80% các hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường; 15% là can thiệp sớm; và chỉ 5% còn lại là trị liệu chuyên sâu.
Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường cần nhìn nhận tâm lý học đường như phương tiện hỗ trợ đắc lực để thúc đẩy chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay. “Điều quan trọng là thầy cô phải chủ động tìm đến HS, không đợi đến khi các em tìm đến mình. Bên cạnh đó, thầy cô đảm nhận vai trò tham vấn tâm lý nên phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh để hỗ trợ HS”, tiến sĩ Học cho hay.
Trăn trở của giáo viên
Nhiều giáo viên tại các trường THPT ở TP.HCM cũng quan tâm đến tâm lý HS nhưng lại “lực bất tòng tâm” vì nhiều lý do khác nhau.
Chẳng hạn, cô N.T.L, giáo viên bộ môn giáo dục công dân, Trợ lý thanh niên tại một trường THPT ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ nhà trường có tổ chức các hoạt động về tâm lý học đường cho HS nhưng còn hạn chế vì kinh phí eo hẹp. Chưa kể, những giáo viên kiêm nhiệm tham vấn tâm lý cũng có áp lực riêng là phải tập trung vào công tác giảng dạy để đảm bảo kết quả học tập của các em.
“Theo khoản 2 điều 8 trong Thông tư 31 của Bộ GD-ĐT, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý được hưởng định mức giảm tiết dạy theo quy định. Như tôi được biết, nhiều trường chưa áp dụng đúng Thông tư 31, tức không có đãi ngộ và cũng không giảm số giờ giảng dạy của giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý. Do đó, nhiều thầy cô ngại làm công việc tư vấn tâm lý khi phải ôm thêm quá nhiều việc”, tiến sĩ Hoàng Trung Học chia sẻ.
Theo tiến sĩ Học, tham vấn tâm lý học đường phải được thực hiện bằng mô hình chuyên trách thì mới đạt hiệu quả, nhưng điều đó dẫn đến việc tăng biên chế, tức tuyển thêm chuyên viên tham vấn tâm lý. “Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của chúng ta chưa thể đáp ứng mô hình này. Đó cũng là điểm bất cập hiện hữu nên chúng ta không còn lựa chọn nào tối ưu hơn”, tiến sĩ Học nói.
Tiến sĩ Học nhận định: “Mô hình tâm lý học đường sẽ không hiệu quả nếu chúng ta kỳ vọng thầy cô làm chuyên gia tham vấn tâm lý một cách chuyên nghiệp. Chúng ta chỉ có thể yêu cầu thầy cô làm tham vấn mang tính chức năng, thực hiện song hành cùng hoạt động giáo dục và dạy học hơn là được đào tạo bài bản”.
Vì thế, trong tương lai, tiến sĩ Học mong muốn các trường có đủ điều kiện xây dựng đội ngũ tham vấn tâm lý chuyên nghiệp, kết hợp với thầy cô để hỗ trợ HS, nhằm hướng đến một nền giáo dục tiến bộ.
Những hoạt động giúp học sinh giải tỏa căng thẳng
Ngoài đáp ứng nhu cầu về mặt kiến thức, một số trường THPT tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho HS trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào tháng 7 tới.
Chẳng hạn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp dành cho HS cuối cấp nhằm giúp các em định nghĩa giá trị bản thân, giải tỏa căng thẳng sau giờ học.
Bên cạnh đó, vào mỗi tiết sinh hoạt chủ nhiệm, thầy cô sẽ chia sẻ những vấn đề tâm lý thường gặp khi thi đại học và cách giải quyết chúng. Lý Gia Hân, HS lớp 12 của trường, bày tỏ: “Em rất biết ơn thầy cô vì đã truyền đạt những kinh nghiệm quý báu ấy cho chúng em. Đây như một “liều thuốc tinh thần” hữu hiệu giúp em giảm bớt căng thẳng khi ôn thi”.
Bình luận (0)