Đề môn ngữ văn không tạo cú sốc
Giáo viên Trương Minh Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) nhận xét đề không tạo cú sốc hay gây khó khăn với thí sinh. Nội dung đề đi theo một chủ để xuyên suốt đề cập đến trách nhiệm của người trẻ đối với bản thân và đất nước. Chủ đề rất phù hợp với tình hình hiện tại mà đất nước đang trải qua những ngày tháng đang cố gắng vượt qua dịch bệnh. Chính vì vậy mà khá nhiều giáo viên, thí sinh đoán trúng đề, trúng phạm vi của đề.
Đề tài của câu hỏi nghị luận xã hội đã được thí sinh rèn luyện nhiều trong quá trình ôn tập. Thể hiện trách nhiệm sống trước thách thức, vượt lên những khó khăn để tồn tại và phát triển dựa trên nền tảng lịch sử và văn hoá. Để đạt điểm tuyệt đối câu hỏi này thì thí sinh phải đưa ra được nhận thức và hành động cần làm gì khi bàn luận về đề tài.
Với đề thi này, thí sinh trung bình có thể đạt từ 6 đến 6,5 điểm, còn thí sinh khá sẽ đạt từ 7 điểm trở lên.
Đề thi môn ngữ văn sẽ tạo tâm thế phấn khởi, động lực để bước vào môn thi tiếp theo, giảm bớt sự lo lắng của thí sinh.
|
Ngữ liệu và thông điệp gần gũi
Giáo viên Lê Hải Minh, dạy ngữ văn tại Q.1, nhận xét phần đọc hiểu sử dụng văn bản là một ngữ liệu khá đơn giản nhưng là thông điệp ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh cuộc sống hiện nay. "Chúng ta hay sống hoài niệm về quá khứ tươi đẹp, rồi kỳ vọng ở tương lai, trong khi hiện tại mới quan trọng - cần sống hết mình cho nó. Nên thông điệp của ngữ liệu rất ý nghĩa, giúp thí sinh cần phải xác định mục tiêu gần và lên kế hoạch cho nó chứ không phải cứ mơ mộng', thầy Hải Minh nhận xét.
"Ở phần nghị luận xã hội cũng thế, để sống tốt cho hiện tại thì các bạn cần trân trọng từng khoảnh khắc quý giá cuộc sống mỗi ngày, chắt lọc, nâng niu. Lấy đó làm điểm tựa để vững vàng bước vào cuộc sống", thầy Hải Minh nói thêm.
Bình luận (0)